backup og meta

Bạn biết gì về thuốc cảm cúm?

Bạn biết gì về thuốc cảm cúm?

Cảm cúm là một bệnh do virus gây ra, vì vậy, các thuốc cảm cúm thường là thuốc kháng virus. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ, vì vậy, bạn cần lưu ý khi sử dụng. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Cúm là bệnh lý hô hấp thường gặp theo mùa và có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Nguyên nhân gây cảm cúm là do nhiễm virus, vì vậy, các thuốc trị cảm cúm thường là các thuốc kháng virus. Vậy, thuốc cảm cúm là gì và khi sử dụng, bạn cần lưu ý những gì?

Thuốc cảm cúm là gì?

sử dụng thuốc cảm cúm

Thuốc cảm cúm là các loại thuốc kháng virus được kê toa (thuốc dạng viên, lỏng, bột hít hoặc dung dịch truyền tĩnh mạch) có tác dụng chống lại virus cúm trong cơ thể. Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị bệnh cúm cho những người bị cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm và những người có nguy cơ mắc các biến chứng cúm nghiêm trọng, chẳng hạn như những người bị hen suyễn, tiểu đường (bao gồm cả tiểu đường thai kỳ) hoặc bệnh tim. Thuốc kháng virus khác với thuốc kháng sinh, chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn.

Thăm khám với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng và phát triển các triệu chứng cúm. Dấu hiệu và triệu chứng cảm cúm có thể bao gồm cảm giác sốt hoặc sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus để điều trị bệnh cúm.

Những loại thuốc cảm cúm nào được khuyên dùng?

Có 4 loại thuốc kháng virus được FDA chấp thuận để điều trị bệnh cúm bao gồm:

  • Oseltamivir phosphate có sẵn dưới dạng thuốc viên hoặc hỗn dịch lỏng và được FDA chấp thuận để điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 14 ngày tuổi trở lên.
  • Zanamivir là một loại bột dùng để hít và được chấp thuận để điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 7 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thuốc không được dùng cho những người có vấn đề về hô hấp như hen suyễn hoặc COPD.
  • Peramivir
  • Baloxavir marboxil.

Tác dụng của thuốc cảm cúm

thuốc cảm cúm

Khi bắt đầu điều trị trong vòng 2 ngày kể từ khi trở bệnh với các triệu chứng cúm, thuốc cảm cúm có công dụng kháng lại virus gây bệnh và làm giảm các triệu chứng, rút ngắn thời gian bạn bị bệnh khoảng 1 ngày. Chúng có thể làm giảm nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng tai ở trẻ em, viêm phổi phải nhập viện ở người lớn.

Đối với những người có nguy cơ cao bị các biến chứng nặng do cúm, điều trị sớm với thuốc kháng virus sẽ giúp bệnh nhẹ hơn, giảm nguy cơ phải nằm viện. Đối với người lớn nhập viện với bệnh cúm, điều trị bằng thuốc kháng virus sớm có thể giảm nguy cơ tử vong.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc cảm cúm

Ai nên dùng thuốc kháng virus?

Thuốc kháng virus được bắt đầu dùng càng sớm càng tốt cho bệnh nhân đang phải nhập viện với bệnh cúm, những người đang bị bệnh rất nặng với cúm nhưng không cần phải nhập viện, và những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng dựa theo tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, những người bị bệnh nhẹ, không có nguy cơ cao bị biến chứng cúm cũng có thể được điều trị sớm bằng thuốc. Hầu hết những người khỏe mạnh và không có nguy cơ cao bị biến chứng cúm không cần phải điều trị bằng thuốc kháng virus.

Khi nào bạn nên sử dụng thuốc?

Nghiên cứu cho thấy rằng thuốc cảm cúm cho hiệu quả nhất khi chúng được sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, sử dụng thuốc sau thời gian này vẫn có lợi, đặc biệt là nếu người bệnh có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng hoặc nhập viện với bệnh nặng hơn. Bạn nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Các tác dụng phụ của thuốc cảm cúm

Các tác dụng phụ của thuốc cảm cúm khác nhau tùy vào mỗi loại thuốc. Các tác dụng phụ phổ biến nhất đối với oseltamivir là buồn nôn và nôn. Zanamivir có thể gây co thắt phế quản và peramivir có thể gây tiêu chảy. Các tác dụng phụ khác ít phổ biến hơn nhưng vẫn có thể xảy ra.

Sử dụng thuốc trong bao lâu?

Để điều trị bệnh cúm, oseltamivir và zanamivir thường được kê toa sử dụng 2 lần/ngày và dùng trong 5 ngày. Oseltamivir cũng có thể được sử dụng cho bệnh nhân nhập viện và một số bệnh nhân có thể được điều trị hơn 5 ngày. Peramivir được tiêm tĩnh mạch một lần, trong khoảng thời gian từ 15–30 phút, dùng điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 2 tuổi trở lên. Baloxavir là thuốc viên uống một liều duy nhất và được chấp thuận để điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 12 tuổi trở lên (không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân ngoại trú bị bệnh phức tạp hoặc đang tiến triển nghiêm trọng).

Trẻ em có thể dùng thuốc cảm cúm không?

Trẻ em vẫn có thể dùng thuốc cảm cúm, tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thuốc nào cho trẻ. Oseltamivir được dùng để điều trị sớm các bệnh cúm ở mọi lứa tuổi và dự phòng cúm cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Zanamivir được khuyến cáo cho điều trị sớm các bệnh cúm ở trẻ từ 7 tuổi trở lên và dự phòng cúm ở trẻ 5 tuổi trở lên, mặc dù nó không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em mắc bệnh hô hấp tiềm ẩn, bao gồm hen suyễn và các bệnh phổi mãn tính khác. Peramivir được khuyến cáo cho điều trị sớm ở những trẻ từ 2 tuổi trở lên. Baloxavir được chấp thuận để điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 12 tuổi trở lên.

Phụ nữ có thai có thể dùng thuốc cảm cúm không?

Phụ nữ mang thai vẫn có thể dùng thuốc nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ vì những nguy hiểm của thuốc đối với thai nhi. Oseltamivir đường uống được khuyến cáo để điều trị cho những phụ nữ mang thai bị cúm vì so với các loại thuốc kháng virus khác, thuốc này đảm bảo an toàn và có lợi trong thời kỳ mang thai. Baloxavir không được khuyến cáo cho người mang thai hoặc đang cho con bú.

tác dụng phụ của thuốc cảm cúm

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng do cúm

Bạn sẽ dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng nếu có các tình trạng sức khỏe sau:

  • Suyễn
  • Các tình trạng thần kinh và phát triển thần kinh
  • Các rối loạn máu (như bệnh hồng cầu hình liềm)
  • Các bệnh phổi mãn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính [COPD] và xơ nang)
  • Rối loạn nội tiết (như đái tháo đường)
  • Bệnh tim (bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết và bệnh động mạch vành)
  • Rối loạn thận
  • Rối loạn gan
  • Rối loạn chuyển hóa (ví dụ như rối loạn chuyển hóa di truyền và rối loạn ty thể)
  • Người béo phì có chỉ số BMI 40 hoặc cao hơn
  • Người dưới 19 tuổi điều trị lâu dài với aspirin
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh hoặc thuốc (HIV hoặc AIDS, ung thư hoặc những người sử dụng steroid mãn tính).

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm:

  • Người lớn trên 65 tuổi
  • Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ em dưới 2 tuổi
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ ở 2 tuần cuối thai kỳ
  • Những người sống lâu dài trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc.

Thuốc cảm cúm chỉ là sự lựa chọn thứ hai để điều trị bệnh cúm (bao gồm cúm theo mùa và virus cúm biến thể). Vì thuốc kháng virus không thể phòng ngừa cảm cúm, nhưng vắc xin cúm có thể giúp phòng ngừa bệnh ngay từ khi chưa xuất hiện triệu chứng. Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm ngừa cúm hàng năm. Vì vậy, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ và tiêm phòng vắc xin cúm.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What You Should Know About Flu Antiviral Drugs. https://www.cdc.gov/flu/antivirals/whatyoushould.htm. Ngày truy cập: 08/05/2018

Flu Treatment. https://www.cdc.gov/flu/treatment/index.html. Ngày truy cập: 25/11/2021

The Common Cold and the Flu. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/13756–colds-and-flu-symptoms-treatment-prevention-when-to-call. Ngày truy cập: 25/11/2021

Influenza (flu). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/diagnosis-treatment/drc-20351725. Ngày truy cập: 25/11/2021

Colds and flu medication. https://www.healthdirect.gov.au/colds-and-flu-medication. Ngày truy cập: 25/11/2021

Flu. https://www.nhs.uk/conditions/flu/. Ngày truy cập: 25/11/2021

Phiên bản hiện tại

25/11/2021

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Những thực phẩm không thể bỏ qua khi bị cảm cúm

Bệnh cảm cúm ở người lớn tuổi: Nguy hiểm hơn bạn nghĩ!


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 25/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo