backup og meta

7 lý do bất ngờ khiến bạn ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

7 lý do bất ngờ khiến bạn ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Thức dậy mệt mỏi, thiếu năng lượng, ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài các yếu tố lối sống, vận động và tinh thần, tình trạng này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý mạn tính nguy hiểm cần được can thiệp điều trị sớm. 

Theo tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ National Sleep Foundation (Mỹ), người trưởng thành (từ 18 – 64 tuổi) trung bình cần dành 7 – 9 tiếng mỗi ngày cho giấc ngủ để có cơ thể khỏe mạnh. Việc ngủ ít hơn mức cần thiết có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, nhưng việc ngủ quá nhiều cũng không giúp bạn tỉnh táo và tràn đầy năng lượng hơn.

Việc luôn cảm thấy buồn ngủ bất kể ngày hay đêm trong thời gian dài sẽ gây sa sút nghiêm trọng về sức khỏe, hiệu quả công việc, các mối quan hệ xã hội, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc phát hiện sớm nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ có thể giúp điều chỉnh và có kế hoạch khắc phục hiệu quả.

1. Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ do chất lượng giấc ngủ kém

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Kể cả khi ngủ đủ giờ, bạn vẫn có thể thấy mình chẳng có tí sức lực nào vào ngày hôm sau. Chất lượng giấc ngủ của bạn không chỉ liên quan đến thời gian ngủ mà còn các yếu tố khác, như việc bạn có dễ đi vào giấc ngủ không, bạn có ngủ sâu giấc không, có bị gián đoạn giấc ngủ không, có cảm thấy được phục hồi khi thức dậy không…

Nếu không có đủ giấc ngủ ngon, chất lượng, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ dù bạn ngủ nhiều đi chăng nữa.

Xây dựng thói quen vệ sinh giấc ngủ đúng cách có thể giúp giảm cảm giác buồn ngủ và mệt mỏi của bạn. Tham khảo bài viết chi tiết 7 cách vệ sinh giấc ngủ để ngon giấc và tỉnh táo mỗi sáng mai và thực hành ngay bạn nhé.

2. Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến giấc ngủ

Cơ thể chủ yếu nhận năng lượng từ thức ăn. Việc thường xuyên bỏ bữa, ăn uống kém, thiếu cân bằng gây thiếu hụt năng lượng và các chất cần thiết, khiến bạn mệt mỏi và luôn thấy buồn ngủ.

Bạn nên cân bằng dinh dưỡng và uống đủ nước để cải thiện tình trạng ngủ nhiều mà vẫn mệt. Theo đó, bạn cần chú ý ăn uống đúng giờ, đầy đủ nhóm chất cần thiết, đặc biệt là sắt, vitamin B12 và vitamin D4, đồng thời hạn chế sử dụng rượu bia, caffeine; không dùng chất kích thích.

3. Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ do lối sống ít vận động

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Lối sống ít vận động có thể làm bạn ngủ không yên giấc, giảm chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống tĩnh tại trong một thời gian dài còn tăng tỷ lệ mắc trầm cảm, các rối loạn tâm thần khác và hội chứng chuyển hóa, nguy cơ béo phì, các bệnh lý tim mạch,… Thói quen ít vận đồng còn làm tăng thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Việc tiếp xúc với màn hình điện tử và ánh sáng xanh sẽ làm bạn khó ngủ vào ban đêm hơn và luôn thấy mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày.

Bạn hãy tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp như đi bộ, chạy bộ, tập thể dục vào ban ngày để giúp bạn điều chỉnh giấc ngủ và năng lượng tốt hơn.

4. Tập luyện quá sức khiến bạn kiệt quệ và buồn ngủ

Tập các bài tập quá nặng, với lịch tập dày đặc có thể khiến cơ thể quá suy kiệt. Một giấc ngủ ban đêm không đủ để phục hồi, bạn luôn trong trạng thái ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ. Ngoài ra, vận động quá mức có thể gây đau nhức, thương tích, giảm khả năng hoạt động, giảm cân ngoài ý muốn, thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm.

Trong trường hợp này, việc giảm cường độ các bài luyện tập và phân bổ thời gian hợp lí, để cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi sẽ giúp loại bỏ các vấn đề về giấc ngủ của bạn.
Đồng thời, nên tránh hạn chế vận động và tập luyện quá sức trước giờ đi ngủ hai tiếng. Điều này sẽ giúp cho giấc ngủ của bạn đạt chất lượng tốt hơn.

5. Căng thẳng tâm lý làm giảm chất lượng giấc ngủ

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Căng thẳng quá mức có thể gây mệt mỏi và làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bạn thao thức khó ngủ, thường phải mất hơn 30 phút mỗi đêm mới có thể vào giấc được. 

Nếu không thì bạn sẽ thường xuyên bồn chồn, trăn trở giữa đêm, thậm chí phải tỉnh giấc và ra khỏi giường mà không thể ngủ trở lại được. Theo một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 43% người trưởng thành được hỏi cho biết căng thẳng đã khiến họ tỉnh táo vào ban đêm trong tháng trước.

Ngược lại, việc thiếu năng lượng và buồn ngủ nhiều vào ban ngày cũng góp phần khiến bạn căng thẳng hơn.

Mặc dù bạn không thể tránh khỏi những tình huống căng thẳng trong công việc và cuộc sống, nhưng việc kiểm soát căng thẳng có thể giúp giảm tình trạng kiệt sức và triệu chứng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ.

Ví dụ, bạn có thể dành thời gian để giải tỏa tâm lý bằng cách tắm nước ấm, thiền hoặc đi dạo. Bạn cũng nên hẹn gặp bác sĩ trị liệu về tâm lý để họ giúp bạn lên kế hoạch và chương trình để giảm căng thẳng.

6. Ngủ rất nhiều nhưng vẫn buồn ngủ do bệnh lý

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là bệnh gì? Mệt mỏi, suy nhược và cảm thấy buồn ngủ dù ngủ nhiều là những triệu chứng liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, bao gồm:

  • Thiếu máu
  • Bệnh tuyến giáp
  • Bệnh tự miễn
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Chứng ngủ rũ
  • Hôi chứng chân không yên
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Nhiễm trùng
  • Tiểu đường
  • Đau cơ xơ hóa
  • Bệnh tim
  • Các rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực,
  • Ung thư

Những bệnh lý này ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và mức năng lượng theo những cách khác nhau, nhưng đều khiến người bệnh mệt mỏi và buồn ngủ nhiều hơn. Ngoài ra, năng lượng của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình điều trị bệnh, như điều trị hóa chất đối với ung thư.

Phụ nữ mang thai và trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ. Đối với phụ nữ mang thai, cơ thể dễ mệt mỏi hơn. Bạn cũng dễ bị gián đoạn giấc ngủ do các cơn đau và thường xuyên tiểu đêm do hoạt động của thai nhi.

Đối với thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh, chất lượng giấc ngủ dễ bị ảnh hưởng bởi bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Các nguyên nhân khác có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố, lão hóa và căng thẳng.

Đối với từng nguyên nhân, bạn nên đến gặp bác sĩ để điều trị và tìm được giải pháp cho một giấc ngủ ngon.

7. Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ do tác dụng phụ của thuốc

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Thường xuyên buồn ngủ và mệt mỏi là những tác dụng phụ thường gặp của rất nhiều các loại thuốc khác nhau, có thể bao gồm một số loại thuốc giảm đau, chống nôn, chống co giật, thuốc huyết áp, lợi tiểu… hoặc các loại thuốc trị trầm cảm và các rối loạn tâm lý, tâm thần khác.

Nếu buồn ngủ do sử dụng thuốc ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị của bạn. Bác sĩ có thể xem xét loại thuốc bạn đang sử dụng và có điều chỉnh phù hợp. Lưu ý là bạn không tự ý thay đổi liều lượng và loại thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Có thể thấy, nguyên nhân gây ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ rất đa dạng. Một số dễ dàng nhận biết và khắc phục, số khác lại liên quan đến các vấn đề nguy hiểm cần được chữa trị y tế. Do đó, nếu tình trạng buồn ngủ nhiều diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng sinh hoạt hoặc có các triệu chứng bất thường khác kèm theo, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách khắc phục.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Much Sleep Do We Really Need?

https://www.sleepfoundation.org/how-sleep-works/how-much-sleep-do-we-really-need

Ngày truy cập: 07/11/2022

Are you tired from… too much sleep?

https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/are-you-tired-from-too-much-sleep

Ngày truy cập: 07/11/2022

Stress and Sleep

https://www.apa.org/news/press/releases/stress/2013/sleep

Ngày truy cập: 07/11/2022

Sleep and tiredness

https://www.nhs.uk/live-well/sleep-and-tiredness/

Ngày truy cập: 07/11/2022

Medical and Brain Conditions That Cause Excessive Sleepiness

https://www.sleepfoundation.org/physical-health/medical-and-brain-conditions-cause-excessive-sleepiness

Ngày truy cập: 07/11/2022

Phiên bản hiện tại

05/09/2023

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Buồn ngủ sau khi ăn: Chuyện bình thường!

10 cách để không buồn ngủ khi làm việc, cải thiện năng suất


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo