Đừng đóng kín tất cả các cửa sổ, bạn không những dễ bị ngộp thở mà còn rất khó chìm vào một giấc ngủ ngon lành đến tận sáng nữa đấy!
Các nhà khoa học cho rằng một căn phòng ngủ được thông gió có thể làm giảm lượng carbon dioxide (CO2) và giúp bạn ngủ ngon hơn. Cùng với nhiệt độ phòng ngủ, đây là một nhân tố giúp ta có giấc ngủ sâu hơn.
Lợi ích của thói quen mở cửa sổ khi ngủ
Một nghiên cứu mới từ Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan) công bố ngày 21.11.2017 cho thấy việc mở cửa sổ khi ngủ có thể làm giảm lượng carbon dioxide và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Điều này đã được chứng minh trên 17 người tham gia nghiên cứu. Cũng theo nghiên cứu này, mặc dù không thể phân biệt rõ ràng trên tất cả các thông số đo, người ta nhận thấy rằng tỷ lệ thông khí thấp hơn có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ.
Những người tham gia nghiên cứu được gắn một bộ cảm biến để đo nhiệt độ của da, thông lượng nhiệt, nhiệt độ giường và độ ẩm da. Cảm biến sẽ giúp đo độ sâu của giấc ngủ và số lần thức giấc. Một cảm biến khác được gắn dưới gối để theo dõi sự chuyển động của họ. Những cử động này có thể chỉ ra sự thao thức bồn chồn của họ.
Các tác giả cũng nhận thấy sự giảm của carbon dioxide khi cửa sổ và cửa ra vào được mở ra góp phần giảm số lần bị đánh thức và tăng hiệu quả của giấc ngủ. Trong các nghiên cứu này, carbon dioxide được sử dụng như là một chỉ số báo về mức độ thông gió. Từ mức CO2 chúng ta có thể có một cái nhìn khá rõ ràng về mức độ thông gió, và nếu mức độ thông gió không đủ tốt thì sẽ chỉ ra rằng có thể có những nguy cơ gây ô nhiễm khác trong nhà.
Cẩn thận với nguy cơ mắc bệnh khi đang ngủ
Theo một báo cáo trên tạp chí Indoor Air thì chúng ta dành khoảng 1/3 cuộc đời để ngủ, và điều kiện ngủ vào buổi tối thường không đủ tốt nếu so sánh với môi trường sống bình thường. Nguyên nhân một phần là do các yếu tố vi mô bao gồm gối, nệm, giường và những thứ khác. Luồng không khí khi chúng ta ngủ bị kẹt lại giữa gối nệm với cơ thể.
Môi trường mà chúng ta tiếp xúc khi ngủ có khả năng chứa đựng nhiều chất ô nhiễm khác nhau và chúng ta phải tiếp xúc với chúng trong gần 1/3 cuộc đời. Dù dành khá nhiều thời gian cho việc ngủ, song chúng ta không quan tâm đến độ thông gió hay mức ô nhiễm trong phòng ngủ. Bạn cần biết rằng ở những chỗ kín của giường, nếu không được thông gió thích hợp, chúng sẽ có khả năng tiếp xúc với vô số các chất gây ô nhiễm.
Bí quyết giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn
1. Điều chỉnh nhiệt độ
Các nhà nghiên cứu đề nghị nhiệt độ thích hợp cho phòng ngủ là khoảng 19,4ºC – 21ºC. Các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 18.3ºC – 19.4ºC có thể tốt hơn. Nhiệt độ trong phòng sẽ không bao gồm số lượng chăn hay khăn choàng hay nhiệt độ bộ đồ ngủ bạn mặc. Ngủ với nhiệt độ thích hợp là một trong những tác nhân giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn và góp phần cải thiện sức khỏe của bạn.
2. Mở cửa khi ngủ
Mở cửa sẽ làm giảm sự tăng cao của mức CO2. Vào mùa hè, nếu bạn có thể giữ cả cửa và cửa sổ mở vào ban đêm cũng có thể giúp cải thiện điều kiện nhiệt độ trong nhà. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, mở cửa sổ sẽ tốt hơn và cũng an ninh hơn là khi mở cửa chính.
3. Vệ sinh chỗ ngủ
Như đã nói, chúng ta dành 1/3 cuộc đời của mình để ngủ. Do vậy, để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng như an toàn cho sức khỏe, bạn nên thường xuyên vệ sinh phòng ngủ. Hãy quét dọn thật sạch phòng ngủ. Cũng đừng quên giặt ga trải giường hay gối vì đó là nơi vi khuẩn dễ tích tụ, chắc hẳn bạn không muốn làn da của mình phải tiếp xúc với vi khuẩn từ gối nệm đâu. Mỗi tháng bạn nên hong khô vỏ gối và cả ruột gối dưới ánh mặt trời nữa nhé.
[embed-health-tool-bmi]