backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Buồn ngủ nhưng không ngủ được có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung · Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 26/12/2023

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

Buồn ngủ nhưng không ngủ được có nguy hiểm không?

Không ít người gặp phải tình trạng buồn ngủ nhưng không ngủ được. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không? Bài viết không chỉ mang đến cho bạn câu trả lời mà còn gợi ý cho bạn những giải pháp để có giấc ngủ ngon hơn. 

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi nhưng vẫn trằn trọc, không thể đi vào giấc ngủ. Điều này có thể chỉ đơn giản là do nhịp sinh học bị đảo lộn. Nhưng cũng có thể là dấu hiệu của chứng mất ngủ hoặc  rối loạn giấc ngủ.

Tìm hiểu về hiện tượng buồn ngủ nhưng không ngủ được 

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác “buồn ngủ nhưng nhắm mắt lại không ngủ được” chưa? Việc khó đi vào giấc ngủ, mất ngủ thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của ban. 

Theo khuyến cáo từ CDC, người trưởng thành từ 18-60 tuổi nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Đối với thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi nên ngủ từ 8-10 tiếng mỗi đêm. 


Mất ngủ không chỉ bao gồm giảm thời gian ngủ mỗi đêm mà còn liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh việc ngủ đủ, chất lượng giấc ngủ tốt cũng rất cần thiết. Các dấu hiệu của chất lượng giấc ngủ kém bao gồm: Mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ đủ giấc; Thức giấc liên tục trong đêm và khó ngủ trở lại được; Thức dậy sớm hơn so với bình thường khi chưa đủ số giờ ngủ và không thể ngủ trở lại; Buồn ngủ nhưng ngủ không được; Đây chính là một số triệu chứng của rối loạn giấc ngủ

>> Tìm hiểu ngay: Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là bệnh gì? Nếu bạn buồn ngủ nhưng không ngủ được vào buổi tối, đây có thể là dấu hiệu của hội chứng giai đoạn ngủ muộn. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ những nguyên nhân khác như: rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, sử dụng quá nhiều caffeine…

Nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ nhưng ngủ không được

Nếu như bạn có triệu chứng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, thế nhưng lại không thể chợp mắt, hãy quan tâm đến những nguyên nhân sau.

1. Hội chứng giấc ngủ đến trễ (DSPS)

Tại sao buồn ngủ nhưng không ngủ được vào buổi tối? Nếu bạn đang gặp tình trạng này, đây có thể là một trong những triệu chứng của hội chứng DSPS. Đây là một dạng rối loạn nhịp sinh học của cơ thể.

Hội chứng giấc ngủ đến muộn (DSPS) là một rối loạn giấc ngủ liên quan đến đồng hồ sinh học. Điều này xảy ra khi giờ ngủ của bạn chậm trễ hơn 2 giờ so với mô hình giấc ngủ thông thường. DSPS khiến bạn đi ngủ muộn hơn và thức dậy muộn hơn.


Những người mắc hội chứng giấc ngủ đến trễ thường gặp khó khăn về việc ngủ gật, cảm thấy buồn ngủ nhưng lại không ngủ được. Thông thường, những người này sẽ đi ngủ rất muộn. Theo thống kê từ Stanford Health Care, đa phần thanh thiếu niên và thanh niên thường mắc hội chứng này, chiếm khoảng 7-16% người bệnh.

2. Nguyên nhân khó ngủ là vì chứng rối loạn lo âu

buồn ngủ nhưng ngủ không được do trầm cảm

Buồn ngủ nhưng không ngủ được là bệnh gì? Những nỗi lo lắng, buồn phiền có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, nhưng không thể chợp mắt. Thông thường, rối loạn giấc ngủ và rối loạn lo âu thường đi đôi với nhau. Mất ngủ là một trong những triệu chứng của các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu,…

  • Nếu bạn bị rối loạn lo âu, bạn có thể cảm thấy khó đi vào giấc ngủ, hoặc không ngủ được dù buồn ngủ. Thường các suy nghĩ tự động sẽ xuất hiện liên tục trong đầu bạn mà không thể dừng lại được hay kiểm soát chúng, khiến bạn gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ, có thể mất hơn 30 phút mỗi đêm mới có thể ngủ được.
  • Tương tự, nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ, bạn có thể cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi trước khi đi ngủ, và cố gắng trì hoãn giấc ngủ.


Nếu triệu chứng mất ngủ đi kèm với với những dấu hiệu tâm lý khác như: bồn chồn, căng thẳng, hoảng sợ, luôn có cảm giác nguy hiểm sắp xảy ra, mất tập trung, hay quên, dễ cáu gắt hoặc cảm thấy căng thẳng cơ bắp,… Bạn có thể đang mắc chứng rối loạn lo âu và cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần. 

3. Trầm cảm dẫn đến mất ngủ

Bên cạnh rối loạn lo âu, trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn “buồn ngủ nhưng không ngủ được”. Mối quan hệ giữa giấc ngủ và trầm cảm khá phức tạp. Về cơ bản, trầm cảm có thể dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, từ đó khiến bạn uể oải nhưng không ngủ được.

  • Theo báo cáo năm 2019, 90% số người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm gặp vấn đề với chất lượng giấc ngủ của họ. Những vấn đề bao gồm: chứng mất ngủ, chứng ngủ rũ, rối loạn nhịp thở khi ngủhội chứng chân không yên
  • Khi bạn mất ngủ, kèm theo các triệu chứng như tâm trạng chán nản, buồn phiền, trống rỗng hoặc mất hứng thú, ăn uống không ngon miệng, suy nghĩ tiêu cực,… kéo dài trên 2 tuần, bạn cần gặp chuyên gia tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ.

4. Ngủ trưa quá lâu khiến bạn mất ngủ vào buổi tối

buồn ngủ nhưng ngủ không được do ngủ trưa quá nhiều

Bạn đang lo lắng không biết buồn ngủ nhưng không ngủ được là bệnh gì? Đôi khi, đó chỉ đơn giản là vì bạn ngủ trưa quá nhiều, hoặc do bạn ngủ vào buổi chiều muộn.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Tự nhiên và Khoa học về Giấc ngủ, có mối liên quan giữa giấc ngủ vào buổi trưa và tình trạng mất ngủ. Theo đó, người đã ngủ vào buổi trưa có xu hướng khó đi vào giấc ngủ ban đêm. Không những thế, việc này cũng khiến người tham gia ngủ không ngon giấc và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm.

Buồn ngủ nhưng không ngủ được phải làm sao? Để ngăn chặn tình trạng này, tốt nhất, bạn không nên ngủ trưa, chỉ nên nghỉ ngơi hoặc nếu ngủ trưa, thời gian chỉ nên kéo dài tối đa trong 20–30 phút. Ngoài ra, việc duy trì thói quen ngủ trưa vào cùng một thời điểm mỗi ngày có thể giúp đồng hồ sinh học không bị rối loạn. 

5. Tác động thói quen xấu trước giờ ngủ

Nếu thỉnh thoảng buồn ngủ nhưng không ngủ được, có thể bạn đang có những thói quen xấu. Sau đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ mặc dù cơ thể thấy mệt mỏi.

  • Uống quá nhiều caffeine. Khi gặp trường hợp mệt mỏi nhưng không ngủ được, hãy cân nhắc xem lượng caffeine mà bạn đã tiêu thụ. Để ngủ ngon hơn, bạn không nên uống caffein từ sau bữa ăn trưa bởi vì khoảng thời gian này cho tới giờ đi ngủ là thời gian bán thải của caffein, việc không uống caffein từ sau bữa trưa sẽ giúp chuyển hoá được lượng caffein trong cơ thể trước giờ đi ngủ…
  • Dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Tình trạng buồn ngủ nhưng không ngủ được có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng xanh vào và ban đêm. Lúc này não bộ não không phân biệt giữa ánh sáng xanh từ mặt trời hay từ các thiết bị di động. Việc này làm làm ngăn chặn cơ chế thúc đẩy giấc ngủ, từ đó khiến bạn khó ngủ. Do đó, bạn không nên sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.

buồn ngủ nhưng ngủ không được do ánh sáng xanh

  • Thói quen ăn uống mất cân bằng. Chưa có đủ minh chứng khoa học đề chứng minh thực đơn ăn uống ảnh hưởng rõ ràng đến chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu về triệu chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Thực đơn ăn uống nhiều chất béo bão hòa và carb có thể tăng đáng kể hiện tượng buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS).

Đừng chủ quan khi buồn ngủ nhưng không ngủ được 


Ngoài ra, những nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ nhưng không ngủ được có thể là phản ứng phụ của một số loại thuốc. Nếu như tình trạng này kéo dài, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Tác hại của tình trạng buồn ngủ nhưng không ngủ được

buồn ngủ nhưng không ngủ được

Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến sự hình thành và phát triển một số bệnh mãn tính. Ngủ không đủ giấc có liên quan các bệnh: đái tháo đường tuýp 2, các bệnh lý tim mạch, và các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu, Alzheimer,…

  • Bệnh đái tháo đường. Tình trạng mệt mỏi, không ngủ ngon và đủ giấc có khả năng tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Việc tối ưu thời lượng và chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng để cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường.
  • Trầm cảm. Mối quan hệ giữa giấc ngủ và chứng trầm cảm rất phức tạp. Bệnh trầm cảm có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng khó ngủ. Ngược lại, những rối loạn giấc ngủ cũng là tác nhân thúc đẩy các triệu chứng trầm cảm.

Ngoài ra, mệt mỏi nhưng không ngủ được có thể khiến cơ thể thiếu năng lượng, dễ dàng rơi vào tình trạng uể oải. Mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc cũng góp phần làm giảm khả năng tập trung và hiệu quả làm việc.

>> Đọc thêm: Chứng ngủ li bì là gì mà luôn khiến bạn mệt mỏi kể cả khi không thiếu ngủ?


Làm thế nào để có thể ngủ ngon?

Bạn có thể áp dụng một số thói quen và bài tập sau để có thể dễ ngủ hơn và tránh tình trạng buồn ngủ nhưng không ngủ được.

buồn ngủ nhưng không ngủ được

1. Đừng ép bản thân ngủ ngay lập tức

Buồn ngủ nhưng không ngủ được phải làm sao? Nếu bạn càng cố gắng ngủ, bạn sẽ càng khó thành công. Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng trước khi đi ngủ. Điều này có thể cản trở bạn chìm sâu vào giấc ngủ.

Thay vào đó, nếu bạn thấy buồn ngủ, hãy cố gắng thư giãn bằng liệu pháp âm nhạc, hoặc tập hít thở sâu. Đặc biệt, đừng lo lắng và suy nghĩ quá nhiều bạn nhé!

2. Bí quyết giúp bạn dễ ngủ: Giữ một lịch trình đúng giờ

Để hạn chế tình trạng buồn ngủ nhưng ngủ không được, hãy giữ cho đồng hồ sinh học của bạn hoạt động đều đặn. Ngay cả vào cuối tuần, bạn vẫn nên duy trì thói quen ngủ của mình.

Thay đổi thói quen và thiếu lịch trình ngủ nghỉ quá nhiều có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ. Chính vì thế, tốt nhất bạn nên tuân thủ đúng một khung giờ đi ngủ nhất định để tránh tình trạng khó ngủ. 

3. Lưu ý đến cách bạn tiếp xúc với ánh sáng xanh

Hạn chế sử dụng các thiết bị di động như: điện thoại, máy tính, tivi,… trước khi đi ngủ có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng “ buồn ngủ nhưng không ngủ được”. 

Hãy để có cơ thể của bạn thư giãn, nghỉ ngơi và không tiếp xúc với ánh sáng xanh 1-2 tiếng trước khi đi ngủ. Thay vào đó, bạn có thể thử đọc sách, thiền định hoặc nghe nhạc nhẹ để dễ dàng chìm vào giấc ngủ. 

4. Giảm căng thẳng của bạn

Căng thẳng là nguyên nhân chính khiến bạn bị trì hoãn giấc ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền chánh niệm trước khi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.  

Ngoài thiền định, bất cứ điều gì giúp bạn giảm căng thẳng như: viết nhật ký, đốt nến thơm, tập yoga… đều có thể giúp bạn dễ ngủ hơn. Thậm chí, nếu bạn buồn ngủ nhưng không ngủ được, bạn có thể thử nghiệm liệu pháp âm thanh. Chẳng hạn bạn có thể thử ứng dụng tạo tiếng ồn trắng, nghe âm thanh tự nhiên (tiếng mưa, tiếng nước suối chảy,…)

>> Đọc thêm: Cách để ngủ ngon mà không vướng bận gì về cuộc sống

5. Bí quyết giúp bạn dễ ngủ: Kiểm soát bữa ăn trước khi đi ngủ

Theo Tiến sĩ Drerup từ Cleveland Clinic, thức ăn mà bạn tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ. Chẳng hạn như: 

  • Thức ăn cay nồng có thể làm tình trạng  trào ngược axit dạ dày tồi tệ hơn và gây ra chứng ợ nóng khi bạn nằm ngủ.
  • Caffeine trong cà phê và sô cô la có thể khiến bạn khó ngủ. Thời gian bán thải của caffeine là khoảng 5-7 giờ. Vì vậy, bạn nên tránh tiêu thụ thêm caffeine vào đầu giờ chiều.
  • Hạn chế chế độ ăn nhiều đường, chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế sẽ giúp giấc ngủ của bạn không bị gián đoạn. 

>> Đọc thêm: 10 cách để có giấc ngủ ngon và chất lượng

6. Buồn ngủ nhưng không ngủ được phải làm sao? Hãy thử melatonin 

buồn ngủ nhưng không ngủ được

Melatonin là hormone nhạy cảm với ánh sáng do tuyến tùng của não bộ sản xuất. Bóng tối báo hiệu tuyến này bắt đầu sản xuất melatonin, trong khi ánh sáng làm ức chế sự sản xuất và hoạt động của melatonin. Do đó, Melatonin chính là hormone kiểm soát một phần chu kỳ ngủ-thức của cơ thể bạn.

Để dễ ngủ hơn, bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng. Bạn có thể thử dùng đồ bịt mắt để dễ ngủ hơn. Ngoài ra, melatonin cũng có thể được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung. Đối với một số người khó ngủ, đó có thể là một lựa chọn tốt.

Như vậy, bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin cần biết về tình trạng buồn ngủ nhưng không ngủ được. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thói quen sinh hoạt và ăn uống của bạn. Thế nhưng, việc mất ngủ, khó ngủ kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của những triệu chứng bệnh về rối loạn tâm thần và rối loạn giấc ngủ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có giấc ngủ chất lượng và trạng thái thể chất – tinh thần khỏe mạnh hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 26/12/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo