backup og meta

Viễn chí

Viễn chí

Tên thường gọi: Viễn chí

Tên gọi khác: Tiểu thảo, nam viễn chí

Tên khoa học: Polygala japonica Houtt.

Họ: Viễn chí (Polygalaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây viễn chí

Ở nước ta có khá nhiều loài phân bố ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Trong đó, cây có ở nước ta và thường được dùng làm thuốc có tên khoa học đầy đủ là Polygala japonica Houtt., còn có tên gọi là nam viễn chí.

Đây là một loài cỏ nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 10-20cm, phân cành từ gốc. Các cành mọc tỏa rộng và có ít lông mịn phủ lên trên. Lá mọc so le với nhiều hình dạng khác nhau; ở phía gốc lá có hình bầu dục rộng 4-5mm; phía trên là hình dài, dầu nhọn dài khoảng 20mm, rộng 4-5mm, có mép cuốn xuống mặt dưới, gân chạy men theo mép lá, cuống dài 0,5mm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùm mảnh từ 1-3 hoa. Hoa có màu xanh nhạt ở dưới, trắng ở giữa và trên đầu có màu tím. Quả nang nhẵn hình bầu dục, có cánh bên. Hạ hình trứng, có lông. Mùa hoa quả vào tháng 11-12.

Loài này thường mọc ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam.

Bộ phận dùng

Để làm thuốc, người ta sử dụng rễ của loài cây này. Đào rễ, loại bỏ tạp chất, rửa nhanh, ủ cho mềm, cắt thành đoạn rồi phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Theo Trung dược đại từ điển, rễ viễn chí có chứa saponin triterpen, nhựa, dầu béo và polygalitol.

Tác dụng, công dụng

Tác dụng, công dụng của viễn chí là gì?

Tác dụng của viễn chí

Kết quả từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy các tác dụng dược lý bao gồm:

  • Giảm ho
  • Long đờm
  • Giảm đau
  • Tác động ức chế có mức độ hệ thần kinh trung ương
  • Kích thích tăng co bóp của tử cung
  • Kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn
  • Tán huyết

Theo tài liệu y học cổ, dược liệu này có vị hắc, đắng, the, tính hơi ấm, quy vào hai kinh tâm và thận. Khi dùng làm thuốc có tác dụng an thần, ích trí, tán uất hóa đờm, chỉ khái, ích tinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giải độc.

Về công dụng, nó được dùng chữa ho nhiều đờm, viêm phế quản, hay quên, giảm trí nhớ, liệt dương, yếu sức, mộng tinh, thuốc bổ cho nam giới và người già, làm sáng mắt, thính tai. Ngoài ra, người ta còn dùng để chữa đau tức ngực, lao, ngủ kém, suy nhược thần kinh, ngủ gặp ác mộng.

Nếu đem phơi khô, tán bột, tẩm nước rồi đắp dùng ngoài da có thể chữa tổn thương do ngã, mụn nhọt, lở loét, sưng và đau vú, rắn độc cắn.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của dược liệu viễn chí là bao nhiêu?

Liều thường dùng là 6-12g ở dạng thuốc sắc hoặc 2-5g ở dạng cao lỏng, bột thuốc hay cồn thuốc.

Một số bài thuốc có viễn chí

Viễn chí được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

bài thuốc từ viễn chí

  1. Chữa ho có đờm:

Viễn chí 8g, cát cánh 6g, cam thảo 6g, đem sắc lấy nước uống 3 lần/ ngày.

Trường hợp người cao tuổi ho đờm lâu năm, đờm gây tức ngực, khó thở có thể dùng viễn chí 8g, mạch môn 12g, đem sắc uống từng ngụm, mỗi ngày 1 thang.

  1. Chữa thần kinh suy nhược, hay quên, hoàng sợ, kém ăn, ít ngủ:

Viễn chí, đảng sâm, bạch truật, liên nhục, long nhãn, táo nhân (sao đen), mạch môn, mỗi vị 10g đem sắc uống.

Viễn chí, tâm sen, hạt muồng (sao), mạch môn, táo nhân (sao đen), huyền sâm, dành dành, mỗi vị 12, đem sắc nước uống.

  1. Chữa sốt cao gây co giật ở trẻ:

Viễn chí, sinh địa, câu đằng, thiên trúc hoàng (bột phấn đọng trong đốt cây nứa), mỗi vị 8-10g. Tất cả đem đi sắc lấy nước uống.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng viễn chí, bạn nên lưu ý những gì?

Theo sách Tân biên Trung y thì khi dùng dược liệu này bạn cần chú ý:

  • Phải bỏ lõi rễ trước khi dùng.
  • Không dùng ở liều cao.
  • Người có thai, bệnh dạ dày hay người thực hỏa không được dùng.

Để sử dụng dược liệu một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng cũng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu.

Tùy từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, tốt nhất bạn không nên tự ý phối hợp các loại dược liệu. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho thầy thuốc.

Mức độ an toàn của dược liệu viễn chí

Không dùng vị thuốc này cho người đang mang thai.

Tương tác có thể xảy ra với dược liệu viễn chí

Dược liệu này có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể không phù hợp khi sử dụng dược liệu này. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (2004), Trang 730-731.

Đỗ Huy Bích và cộng sự, Cây thuốc và động vật dùng làm thuốc (2006), Tập 2, Trang 1059-1060.

Polygala japonica – Houtt. https://pfaf.org/User/Plant.aspx?LatinName=Polygala+japonica. Ngày truy cập 21/8/2021.

A review on the phytopharmacological studies of the genus Polygala. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874119328958. Ngày truy cập 21/8/2021.

Anti-inflammatory activities of triterpenoid saponins from Polygala japonica. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711307002358. Ngày truy cập 21/8/2021.

Phiên bản hiện tại

23/08/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Xuyên tâm liên

Giun đất (địa long)


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 23/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo