Trà cam thảo là thức uống được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngọt, thanh mát, đặc biệt là trong mùa hè nóng bức. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ tác dụng của cam thảo là gì, cách pha trà cam thảo sao cho đúng và liệu uống thường xuyên có tốt không?
Để giải đáp cho câu hỏi này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của HelloBacsi.
Trà cam thảo có tác dụng gì?
Từ xa xưa, cam thảo (hay chính xác là cam thảo bắc) đã được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc Đông y. Chích thảo (hay rễ cam thảo sao vàng) có tác dụng bổ phổi, điều hòa các vị thuốc; dùng chữa tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, suy nhược cơ thể, chán ăn. Dùng trà từ cam thảo sống lại có tính mát, có thể giúp thanh nhiệt, hạ hỏa, chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, tiêu chảy, ngộ độc.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trên lâm sàng đã cho thấy trong cam thảo có một số hoạt chất mang lại tác dụng như:
- β-glycyhrritinic chống viêm
- Flavonoid kháng khuẩn
- Axit glycyrrhizic kháng virus
- Lichochalcone A kháng sinh vật đơn bào
- licochalcones A, B, C và D chống oxy hóa
- Axit glycyrrhetinic bảo vệ gan
- Axit glycyrrhetinic chống ung thư
Cách pha trà cam thảo
Để pha trà cam thảo, bạn có thể sử dụng trà túi lọc và thực hiện pha 4-20g rê cam thảo hoặc bột cam thảo, đem hãm hoặc sắc với nước dùng uống trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng trà cam thảo
Trà cam thảo có thể mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều cam thảo cũng gây hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần lưu ý những thông tin quan trọng dưới đây trước khi dùng trà cam thảo.
Ai không nên dùng trà cam thảo?
Phụ nữ mang thai, nếu không được bác sĩ chỉ định thì không nên uống trà cam thảo. Thành phần glycyrrhizin có trong cam thảo có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
Không những thế, một nghiên cứu về cam thảo đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai tiêu thụ quá nhiều cam thảo trong thai kỳ có thể dẫn đến đẻ non. Vì vậy, phụ nữ mang thai nếu muốn sử dụng cam thảo để điều trị bệnh hoặc cải thiện sức khỏe, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Ngoài ra, trà cam thảo không được khuyến khích sử dụng cho các trường hợp sau đây:
- Người bệnh thận có triệu chứng tiểu ít, phù.
- Người bệnh tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định
- Người bị táo bón mạn tính
- Người bị viêm phế quản mạn tính, ho nhiều, khó thở.
Tác dụng phụ có thể gặp phải khi uống trà cam thảo
Dùng cam thảo không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể như làm giảm nồng độ kali trong máu, dẫn đến mệt mỏi, huyết áp cao, đau cơ, yếu cơ, suy tim sung huyết, nhịp tim thất thường… Tích tụ glycyrrhizin – một thành phần có trong cam thảo có thể gây ra sự gia tăng bất thường của hormone căng thẳng cortisol, gây mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể.
Ngoài ra, cam thảo có thể gây tương tác với một số loại thuốc dẫn đến hậu quả khó lường. Người bệnh đang sử dụng những loại thuốc dưới đây cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng cam thảo để tránh những tác dụng không mong muốn:
- Thuốc hạ kali
- Thuốc điều trị tăng huyết áp
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc nhịp tim
- Thuốc chống đông
- Thuốc nội tiết estrogen, thuốc tránh thai
- Thuốc chống viêm corticosteroid
Lạm dụng trà cam thảo gây hại như thế nào?
Một số tài liệu cho rằng nam giới dùng cam thảo với liều lượng nhiều hơn 8 gam mỗi ngày trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến tình trạng suy giảm hormone testosterone và gây bất lực.
Hơn nữa, lạm dụng trà cam thảo cũng có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày. Vì vậy, việc chú ý đến liều lượng sử dụng cam thảo là rất cần thiết. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng.
Lưu ý trong cách pha trà cam thảo
Nhiều người có thói quen pha trà cam thảo và nhân trần để uống giải khát thay nước lọc trong ngày hè nóng bức. Mặc dù cả nhân trần và cam thảo đều mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng khi phối hợp 2 vị thuốc này với nhau có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người sử dụng. Điều này là do nhân trần lợi tiểu, trong khi cảm thảo lại giữ nước, kết hợp sẽ gây hại cho bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Nói tóm lại, trà cam thảo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng cách để nhận được những ích lợi đó. Nếu cần giải đáp bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với bác sĩ, dược sĩ hoặc các chuyên gia y tế để được hỗ trợ.
[embed-health-tool-bmi]