Hoa cơm cháy (Elder Flower) là hoa gì? Đây là hoa của cây cơm cháy, còn có tên gọi khác là cây thuốc mọi, sóc dịch. Tên khoa học của cây là Sambucus javanica Reinw. ex Blume, thuộc họ Cơm cháy (Sambucaceae).
Ở nước ta, cây mọc rộng rãi từ vùng núi đến trung du, cây mọc hoang ở miền núi, ven suối, bờ khe từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên tới Lâm Đồng. Ngoài ra do có hoa đẹp nên cây cơm cháy còn được trồng làm cây cảnh. Cách trồng bằng cành hoặc gieo hạt vào mùa xuân. Ở châu Âu rất phổ biến các loại nước uống từ loài hoa này vì nó có hương vị dễ chịu. Tuy nhiên, đây còn là vị thuốc hay mà không phải ai cũng biết sử dụng.
Tìm hiểu chung
Mô tả cây hoa cơm cháy
Cây cơm cháy là cây nhỡ sống nhiều năm, cao tới 3m. Thân xốp gần tròn, nhẵn, màu lục nhạt; cành to trong rỗng có tuỷ trắng xốp, ngoài mặt có nhiều lỗ bì.
Lá mềm, mọc đối, kép lông chim lẻ gồm 3-9 lá chét, dài 8-15cm, rộng 3-5 cm, mép khía răng; cuống lá có rãnh ở mặt trên và loe rộng ở phía gốc thành bẹ.
Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim, nom như tán kép.
Quả mọng, hình cầu, màu đỏ sau đen, chứa 3 hạt dẹt.
Hoa tháng 5-8, quả tháng 9-11.
Bộ phận dùng
Toàn cây. Thu hái: cả cây vào mùa hè-thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Tác dụng của hoa cơm cháy dùng để làm gì?
Theo y học hiện đại, thành phần hóa học của hoa chứa 0.03-0.14% tinh dầu (trong đó 66% là palmitic acid, 7.2% nalkanes), 0.7 – 3.5% flavonoid, isoquercitrin, 2.5% rutin, hyperoside, astragalin, alcohol,… Chiết xuất của loại hoa này được chứng minh có tác dụng:
- Chống oxy hoá nhờ flavonoid trong hoa có tác dụng dọn gốc tự do
- Giảm đường huyết trên mô hình thí nghiệm ở chuột nhắt trắng
- Nhuận tràng, trị táo bón
Ở các nước châu Âu dùng hoa cơm cháy làm siro trong đồ uống và làm rượu.
Trong y học cổ truyền, cơm cháy có vị đắng, tính ấm, hơi độc; có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, giảm đau. Hoa cơm cháy đem hãm uống hoặc xông làm thuốc lợi tiểu, ra mồ hôi. Chỉ định trong các trường hợp:
- Rễ trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, Thấp khớp.
- Thân và lá trị viêm thận, phù thũng. Dùng ngoài chữa đụng giập, ngứa, eczema. Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc.
- Ngày xưa, lá cây cơm cháy đã được dùng nấu nước tắm cho bà đẻ. Nay người dân thường dùng lá nấu nước đặc để rửa vết thương, tắm ghẻ lở và giã chung với giấm hay xào nóng đắp sưng vú.
- Quả và vỏ được dùng sắc uống với liều 12 – 20g để thông lợi đại và tiểu tiện, chữa kiết lỵ, táo bón.
Liều dùng được khuyến cáo của hoa cơm cháy là 10 – 12g. Vì cơm cháy được xếp vào loài cây có độc nên bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.
Tác dụng phụ
Nguy cơ gặp tác dụng phụ
- Một số bộ phận của hoa có chứa cyanide có thể gây buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, yếu mệt, tê.
- Dược liệu chứa độc tính có thể gây tổn thương dạ dày, vì vậy cần tránh sử dụng cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Vị thuốc cây cơm cháy có thể gây dị ứng ở một số người có cơ địa nhạy cảm. Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên ngưng áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Thận trọng
Lưu ý trước khi dùng hoa cơm cháy
Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trong các trường hợp sau đây:
- Bạn có thai hoặc đang cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ;
- Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác;
- Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của hoa hoặc các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác;
- Bạn có bất kỳ bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác;
- Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác, như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hay động vật.
Bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng loại thảo dược này.
Mức độ an toàn của hoa cơm cháy
Hoa cơm cháy có thể an toàn khi sử dụng với lượng có trong thực phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta không có đủ thông tin về việc hoa có an toàn khi sử dụng kết hợp với dược liệu, thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác. Sản phẩm kết hợp có thể gây rối loạn tiêu hóa và đôi khi gây dị ứng.
Hoa cơm cháy không an toàn khi sử dụng với liều lượng quá mức. Khi dùng liều cao đến 3g/kg thể trọng có thể gây độc, biểu hiện là đi tiểu nhiều, đại tiện lỏng và nôn mửa.
Cảnh báo khi sử dụng hoa cơm cháy
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của thảo dược này. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú thì tránh sử dụng.
- Bệnh tiểu đường: Có người nói rằng hoa cơm cháy có thể làm giảm lượng đường trong máu. Nếu bạn dùng chung thuốc tiểu đường có thể gây hạ đường huyết. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và đảm bảo theo dõi mức đường trong máu của bạn một cách cẩn thận.
Phẫu thuật: Có một số lo ngại rằng hoa cơm cháy có thể gây trở ngại cho kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau khi phẫu thuật. Trong trường hợp này, bạn nên ngừng sử dụng hoa ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Tương tác
Hoa cơm cháy có thể tương tác với những gì?
Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng hoa cơm cháy như một cách hỗ trợ giảm lượng đường trong máu.
Thuốc chống tiểu đường có thể tương tác với hoa cơm cháy bao gồm: glimepiride, glyburide, insulin, pioglitazone, rosiglitazone, chlorpropamide, glipizide, tolbutamide.
[embed-health-tool-bmi]