backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cây huyết rồng: Những lợi ích sức khỏe và một số bài thuốc

Thông tin kiểm chứng bởi: Tố Quyên


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/12/2023

Cây huyết rồng: Những lợi ích sức khỏe và một số bài thuốc

Tên thường gọi: Cây huyết rồng 

Tên gọi khác: Hồng đằng, Huyết đằng, Đại huyết đằng, Cây dây máu, Đại hoàng đằng

Tên khoa học: Sargentodoxa cuneata

Họ: Huyết đằng (Sargentodoxaceae)

Huyết rồng thuộc họ huyết đằng từ lâu đã được sử dụng như một vị thuốc bổ khí huyết, lưu thông máu và giảm đau liên quan đến cơ xương khớp. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể về công dụng và cách dùng dược liệu huyết rồng nhé! 

Tổng quan 

Cây huyết rồng là cây gì?

Cây huyết rồng là một loại cây thân gỗ, thuộc họ dây leo. thân có thể dài tới 10 mét, vỏ ngoài màu hơi nâu. Bên trong thân có phần nhựa màu đỏ như máu. Vì thế mà loại dược liệu này còn được gọi là cây huyết rồng. 

Lá kép có 3 lá chét, mọc so le. Hoa mọc thành cụm, có hình chùy ở ngọn dài khoảng 15 – 20 cm. Hoa huyết rồng có màu vàng xanh và quả có màu nâu. Quả mọng hình trứng dài 8-10mm. Khi chín có màu lam đen.

Phân bố

Cây huyết rồng được tìm thấy ở một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc hay Lào. Ở nước ta, địa phương huyết đằng phân bố gồm: Lào Cai (Sa Pa), Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội (Ba Vì), Hòa Bình, Ninh Bình (Cát Phương). Cây thường mọc trong các quần hệ rừng kín thường xanh trên núi đất, núi đá vôi; đôi khi gặp ở kiểu rừng thưa nửa rụng lá hơi khô. Chúng có thể sống được trên nhiều loại đất: feralit đỏ hay vàng trên núi, granit, bazan, đất pha cát dọc theo các bờ sông suối. Độ cao phân bổ thường không vượt quá 1600m.

Cách dùng dược liệu huyết rồng

Bộ phận dùng và cách thu hái, chế biến

Phần thân cây (dây) huyết rồng là bộ phận được sử dụng để làm thuốc. Dược liệu huyết rồng được thu hái vào khoảng tháng 8 đến tháng 10.

Dược liệu hái về cắt bỏ cành lá, để vài ngày cho nhựa se lại, sau mới chặt khúc, phơi khô. Dược liệu khi tươi cắt ngang có nhựa đỏ như máu tiết ra, lúc khô ở mặt cắt có nhiều vòng đen do nhựa quánh lại. Chế biến bằng cách rửa sạch, ủ mềm, thái phiến dày 3 – 5mm. Trong trường hợp thân khô cứng, phải ngâm 12 giờ, ủ 1-2 giờ (có khi còn đồ) cho mềm rồi mới thái phiến, phơi khô.

Bảo quản

Huyết rồng nếu không được bảo quản tốt sẽ rất dễ bị nấm mốc tấn công. Chú ý bảo quản dược liệu trong điều kiện nhiệt độ phòng ở những nơi khô ráo, mát mẻ.

Khi độ ẩm không khí khá cao, nên tranh thủ đem dược liệu phơi thường xuyên trong những ngày có nắng hoặc đem sấy lại để thời gian bảo quản được lâu hơn.

cây huyết rồng là gì

Thành phần hóa học trong cây huyết rồng 

Nghiên cứu cho thấy thành phần chất chuyển hóa thứ cấp trong rễ huyết đằng có chứa các phenol và phenolic glycosid (nhiều nhất), lignan, triterpenoid, acid phenylpropionic, flavonoid, anthraquinon và một số các hợp chất khác.

Trong số các thành phần hóa học này, thành phần hoạt chất chính được cho là salidroside, acid chlorogen và liriodendrin. Một phenolic glycosid khác – 3,4-dihydroxyphenylethyl alcohol glycosid, cũng đã được phân lập từ thân của S. cuneata trong những năm gần đây. Mặc dù tác dụng dược lý của glycosid này chưa được báo cáo, nhưng phần không gắn đường (hydroxytyrosol) của nó đã được chứng minh là có tác dụng dược lý.

Cây huyết rồng có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền

Cây huyết rồng là một dược liệu có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ấm không độc, có tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân xương, điều hòa kinh nguyệt.

Cây thuốc này thường được dùng trong điều trị các bệnh như: 

  • Đau lưng, mỏi gối, đau nhức xương khớp dạng thấp, đau dây thần kinh hông. 
  • Hỗ trợ cải thiện tình trạng cơ thể suy nhược, thiếu máu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt
  • Chữa các chứng ra mồ hôi trộm, mồ hôi tay, chân.
  • Điều hòa kinh nguyệt cho các chị em phụ nữ. 

Ở Trung Quốc, huyết đằng thường được sử dụng trong một bài thuốc cổ truyền, dùng để uống hoặc ngoài da, để chữa các vết thương do chấn thương, vô kinh, đau bụng kinh và trước khi phát hiện ra thuốc kháng sinh. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thuốc sắc S. cuneata dùng đường uống, có thể được sử dụng để điều trị tắc ruột do viêm, đau khớp, bệnh viêm vùng chậu và viêm loét đại tràng. Sử dụng S. cuneata ngoài da điều trị chứng đau khớp bằng cách bôi lên vùng bị ảnh hưởng.

Tác dụng dược lý theo y học hiện đại

Các hợp chất phân lập từ huyết rồng được báo cáo là có nhiều tác dụng như chống ung thư, chống lão hóa, chống mệt mỏi, hạ lipid máu, kháng khuẩn, kháng vi-rút, chống dị ứng, chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau, thiếu máu cục bộ cơ tim, chống loạn nhịp, bảo vệ thần kinh, bảo vệ hệ thống mạch máu não và đối kháng kênh canxi.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây huyết rồng là bao nhiêu?

Cây huyết rồng được dùng trong các bài thuốc dưới dạng thuốc sắc, nấu uống như trà, cô đặc thành cao hay ngâm rượu huyết rồng với liều lượng khác nhau, khoảng 12 – 40g mỗi ngày. 

Một số bài thuốc có cây huyết rồng

Bài thuốc cây huyết rồng

Bài thuốc chữa bệnh xương khớp

Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp 

Nguyên liệu cần chuẩn bị: huyết rồng, hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi mỗi vị 16g; ngưu tất, sinh địa mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cà gai leo, rễ cây cúc áo và huyết dụ mỗi loại 10g. 

Đem tất cả các nguyên liệu này sắc thuốc uống, chia thành nhiều lần uống trong ngày cho dễ dùng. 

Bài thuốc chữa đau khớp 

Nguyên liệu cần chuẩn bị: huyết rồng, độc hoạt, uy linh tiên mỗi vị 12g, ngũ gia bì và tang chi mỗi loại 10g. 

Đem các vị thuốc đã chuẩn bị sắc với nước uống hằng ngày.

Bài thuốc chữa đau thần kinh hông 

Nguyên liệu cần chuẩn bị: huyết rồng 20g; ngưu tất, hồng hoa, nghệ vàng và đào nhân mỗi vị 12g; nhọ nồi 10g cùng với cam thảo 4g. 

Đem tất cả nguyên liệu sắc lấy nước thuốc uống hằng ngày.

Bài thuốc chữa đau lưng 

Huyết rồng, rễ trinh nữ, tỳ giải, ý dĩ mỗi vị 16g; cỏ xước 12g; quế chi, rễ lá lốt, thiên niên kiện mỗi vị 8g và 6g trần bì. Đem sắc lấy nước uống.  

Bài thuốc cây huyết rồng ngâm rượu chữa tê thấp nhức mỏi

Huyết rồng, cây mua núi, rễ gối hạc mỗi vị 12g; rễ phòng kỷ, vỏ thân ngũ gia bì chân chim và dây đau xương mỗi vị 10g. Đem phơi khô và ngâm với rượu để uống, mỗi lần dùng 15 – 25 ml, mỗi ngày uống 2 lần.

cây huyết rồng

Bài thuốc chữa bệnh khác

Bài thuốc chữa ra mồ hôi tay, chân, mồ hôi trộm, suy yếu cơ thể 

Cây huyết rồng, đương quy mỗi vị 16g; bạch truật, hoàng kỳ, ý dĩ nhân, tỳ giải, sa sâm, hoài sơn cùng với thương truật, mẫu lệ, sài hồ, ô tạc cốt, lá lốt mỗi vị 12g. Đem tất cả vị thuốc sắc lấy nước uống. 

Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều, chữa khí huyết hư ở phụ nữ, máu kém lưu thông lên não (thiếu máu não), trong người mệt mỏi, hay bị chóng mặt, hoa mặt 

Chuẩn bị: Huyết rồng 16g, ích mẫu 12g, ngưu tất 10g, nghệ vàng 6g, đem sắc lấy nước uống.

Rượu huyết rồng chữa thiếu máu, trị bệnh hư lao

Chuẩn bị 200 – 300g cây huyết rồng.

Tán nhỏ dược liệu, cho vào bình ngâm cùng 1 lít rượu. Để ít nhất 7 – 10 ngày mới uống được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như thục địa, đan sâm, hà thủ ô (liều lượng bằng nhau). Mỗi ngày uống 2-4g, pha với ít rượu.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây huyết rồng, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng dược liệu huyết rồng một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín.

  • Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
  • Phụ nữ đang mang thai tránh sử dụng
  • Trẻ em, người bị dị ứng hoặc quá mẫn với thành phần có trong dược liệu cũng không nên dùng
  • Trường hợp sử dụng dược liệu khô, đảm bảo dược liệu không bị pha lẫn với các tạp chất khác. Dược liệu đã bị ẩm mốc, đổi màu thì không nên dùng có thể gây ngộ độc.
  • Huyết rồng có tính ấm vì vậy người có thể nhiệt nên thận trọng khi sử dụng. Dùng nhiều có thể gây táo bón, khô họng.
  • Dùng đúng liều lượng được hướng dẫn đối với từng loại bệnh.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Mức độ an toàn của cây huyết rồng

    Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng cây huyết rồng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

    Một số đối tượng sau cũng không được khuyến cáo sử dụng bài thuốc có cây huyết rồng: 

    • Người dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. 
    • Người bị rối loạn đông máu hoặc các bệnh lý về máu. 

    Tương tác có thể xảy ra với cây huyết rồng 

    Cây huyết rồng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Tố Quyên


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo