Cây an xoa từ lâu đã được biết đến với khả năng chữa trị các bệnh về gan rất hiệu quả, giúp cải thiện giấc ngủ,… Vậy thực hư tác dụng của cây an xoa này ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé!
Tổng quan
Cây an xoa là dược liệu gì?
Cây an xoa còn có tên gọi khác là tổ kén cái, cây dó lông, thâu kén lông với tên khoa học là Helicteres hirsuta Lour. Đây là một cây thuộc chi Dó (Helicteres), họ Trôm (Sterculiaceae). Ở Việt Nam, cây an xoa thường gặp trên các đồi cây bụi, rừng thưa, ven rừng, nhưng phân bố nhiều nhất ở Tây Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước.
Cây thuộc dạng cây bụi có chiều cao khoảng 1-3m, phân nhánh hình trụ, có lông. Lá cây hình xoan, dài 5-17cm, rộng 2,5-7,5cm, gốc cụt hay hình tim, đầu thon thành mũi nhọn. Mặt dưới lá màu trắng, cả hai mặt phủ lông hình sao.
Cụm hoa gồm các bông ngắn, đơn hay xếp đôi ở nách lá. Hoa màu hồng hay đỏ, cuống hoa có khớp và có lá bắc dễ rụng. Hoa có 5 cánh, cuống bộ nhị có vân đỏ, nhị 10, nhị lép bằng chỉ nhị, bầu có nhiều gợn, chứa 25-30 noãn trong mỗi lá noãn.
Quả nang hình trụ nhọn, hạt nhiều, hình lăng trụ. Cây an xoa ra hoa kết quả từ tháng 7 đến tháng 11.
Bộ phận dùng
Hầu hết mọi bộ phận của cây an xoa đều có thể được sử dụng để làm thuốc. Sau khi thu hoạch, cây được vệ sinh sạch sẽ, sau đó chặt nhỏ và phơi khô.
Đối tượng nào nên sử dụng cây an xoa?
Dược liệu này có thể được sử dụng cho các đối tượng:
- Người có các vấn đề về gan như nóng gan, men gan cao, viêm gan, xơ gan…
- Người thường xuyên uống rượu bia hoặc ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ
- Người bị mất ngủ lâu ngày, ngủ không ngon giấc
- Người bị đau nhức xương khớp
- Người thừa cân cân hoặc đang muốn giảm cân
Tác dụng, công dụng của cây an xoa
Những thông tin được cung cấp trong bài không thể thay thế cho lời khuyên của thầy thuốc. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi quyết định dùng thuốc.
Theo Đông y, cây an xoa trị bệnh gì?
Từ lâu, cây an xoa đã được sử dụng trong đông y để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Theo đó, công dụng của cây an xoa có thể kể đến như:
- Cây an xoa chữa bệnh gan: Trong Đông y, cây an xoa thường được dùng để trị các chứng bệnh về gan như xơ gan, viêm gan, men gan cao… Ngoài ra, dược liệu này còn có tác dụng tăng cường chức năng gan, giải độc gan, mát gan, hỗ trợ phục hồi các tế bào gan
- Phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan
- Giúp thải độc và hỗ trợ giảm cân hiệu quả
- Rễ cây được dùng để làm dịu cơn đau, chữa lỵ, sởi, cảm mạo, đái dắt và giúp tiêu độc hiệu quả.
- Lá dùng để chữa mụn nhọt, sưng lở.
- Ngoài ra, cây an xoa còn được sử dụng cho người hay bị nhức mỏi, đau lưng, mất ngủ và da xanh xao.
Tác dụng của cây an xoa theo y học hiện đại
Trong nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy cây an xoa có chứa nhiều thành phần các chất như tiliroside, lupeol, stigmasterol và apigenin. Các hoạt chất flavonoid, alcolid trong dược liệu này cũng mang lại nhiều tác dụng có lợi cho sức khoẻ như:
Chống oxy hóa
Thành phần cây dó lông gồm các flavonoid có khả năng chống oxy hóa và ức chế sự phát triển của các tế bào xấu.
Kháng viêm
Một số hợp chất như betulin, axit betulinic hay tiliroside có khả năng kháng viêm. Vì vậy, cây an xoa có thể được sử dụng để giảm viêm và sưng trong các bệnh về xương khớp. Sử dụng nước sắc từ cây an xoa sẽ làm giảm nhức mỏi khớp và giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn.
Kháng khuẩn
Cao chiết từ rễ cây dó lông có khả năng kháng lại 2 chủng vi khuẩn là E.coli và Samonella typhi.
Gây độc tế bào, chống ung thư
Khi thử nghiệm về khả năng gây độc tế bào, cao chiết từ cây an xoa thể hiện hoạt tính ức chế tế bào ung thư gan HepG2. Vì đặc tính này, cây an xoa được sử dụng để chữa các bệnh về gan.
Không những thế, một số nghiên cứu cho thấy, 3 hợp chất lignan tách từ dịch chiết cây Helicteres hirsuta Lour có hoạt tính ức chế 3 dòng tế bào ung thư là ung thư vú, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt. Điều này mở ra một con đường mới trong điều trị các loại ung thư. Tuy nhiên, các tác dụng này vẫn cần phải được nghiên cứu thêm.
Cách dùng, dạng dùng
Cách sử dụng cây an xoa (tổ kén cái) trong đời sống hằng ngày
Vì trên thân, cành và lá của cây an xoa có một lớp lông mỏng (nên còn được gọi là cây dó long) nên sau khi thu hái và phơi khô, cây thường được sao vàng hạ thổ để loại bỏ bớt phần lông này, giúp hạn chế nguy cơ bị ngứa rát họng khi uống.
Cây an xoa sau khi sao vàng sẽ được dùng để sắc nước uống. Bạn có thể sắc nước từ cây an xoa riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại dược liệu khác tùy theo mục đích điều trị. Ngược lại, bạn không nên uống dạng ngâm rượu, đặc biệt là khi dùng cây an xoa chữa bệnh gan. Bởi vì, rượu là một trong những tác nhân hình thành và làm trầm trọng hơn các vấn đề ở gan.
Bài thuốc có mặt cây an xoa
Hỗ trợ điều trị ung thư gan
Bài thuốc số 1: Chuẩn bị khoảng 100g dược liệu dó lông đã phơi khô. Đem nấu với 1 lít nước đến khi còn 800ml thì tắt bếp. Uống trước khi ăn khoảng 20 phút.
Bài thuốc số 2: Lấy 50g cây an xoa đã sao vàng và 50g cây xạ đen, nấu cùng với 1.5 lít nước đến khi cạn còn một nửa thì tắt bếp. Uống sau khi ăn khoảng 15 phút.
Hỗ trợ điều trị viêm gan
Chuẩn bị các nguyên liệu gồm 15g cây an xoa, 30g cây xạ đen, 30g cây cà gai leo và 10g rễ cây mật nhân. Đem nấu với khoảng 1 lít nước cho đến khi cô lại còn một nửa thì tắt bếp. Chia ra 3 lần uống hết trong ngày.
Hỗ trợ điều trị viêm đại tràng
Lấy khoảng 100g cây an xoa đã sao vàng hạ thổ, đun sôi cùng với 1 lít nước cho đến khi cô lại còn 1 chén nước thì tắt bếp và uống chén thuốc đó. Tiếp tục cho thêm khoảng 2 lít nước vào bả dược liệu trên, đun tiếp đến khi còn khoảng 2 chén nước thuốc thì chia làm 2 lần uống trong ngày.
Lưu ý, thận trọng
Lưu ý khi sử dụng cây an xoa (tổ kén cái)
Trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng loại dược liệu này. Nếu từng bị dị ứng với dược liệu hoặc với bất kỳ thành phần nào của cây an xoa, bạn nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc đông y trước khi sử dụng. Thêm vào đó, không dùng cây an xoa kèm với thuốc nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ vì có thể làm thay đổi tác dụng của cả hai phương pháp.
Uống cây an xoa nên kiêng gì?
Khi sử dụng cây an xoa, người bệnh cần lưu ý kiêng ăn một số loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm có tính hàn: Cây an xoa có tính hàn, vì vậy người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm có tính hàn như rau dền đỏ, ốc, cua đồng, thịt trâu,… Việc kết hợp cây an xoa với các loại thực phẩm này có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy,…
- Thực phẩm có tính nóng: Một số loại thực phẩm có tính nóng như thịt bò, thịt gà, trứng,… có thể làm giảm tác dụng của cây an xoa.
- Thực phẩm có chứa chất kích thích: Chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… có thể làm suy giảm chức năng gan, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của cây an xoa.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp,… để tránh làm tăng gánh nặng cho gan.
Tác dụng phụ của cây an xoa
Cây an xoa có tác dụng phụ không? Trên thực tế, cây an xoa được cho là lành tính và ít mang lại tác dụng phụ nếu được sử dụng đúng cách. Dưới đây là một số tác dụng phụ của cây an xoa mà bạn có thể gặp phải:
- Tiêu chảy, khó chịu, bụng cồn cào: Đây là hiện tượng bình thường vì cây dó lông giúp thanh lọc và thải độc ra khỏi cơ thể.
- Ngứa rát họng: Nếu không được sơ chế và sao vàng đúng cách, lông của loại dược liệu này có thể gây ngứa rát họng khi uống.
- Hoa mắt chóng mặt: Tình trạng này có thể xảy ra nếu dùng tổ kén cái cho những người bị huyết áp thấp.
Uống cây an xoa nhiều có tốt không?
Cây an xoa cho thấy nhiều lợi ích trong đông y và cả y học hiện đại, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc các chứng bệnh về gan. Để điều trị bệnh một cách hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ đông y để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng phù hợp.
[embed-health-tool-bmi]