backup og meta

5 điều giúp bạn chung sống hòa bình với viêm mũi dị ứng mãn tính

5 điều giúp bạn chung sống hòa bình với viêm mũi dị ứng mãn tính

Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, khi đã chuyển sang viêm mũi dị ứng mãn tính thì bạn cần hết sức lưu ý đến việc điều trị để tránh bệnh diễn tiến xấu và gây ra những biến chứng nghiêm trọng. 

Với tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày một diễn biến nghiêm trọng như hiện nay thì nguy cơ viêm mũi cấp tính chuyển thành mãn tính là rất cao (1). Một khi bệnh đã chuyển sang mãn tính, không chỉ các triệu chứng kéo dài liên tục, dai dẳng với nguy cơ cao dẫn đến biến chứng mà việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Tuy nhiên, đừng quá lo, hãy tham khảo với 5 điều dưới đây mà Hello Bacsi tổng hợp được để có thể “chung sống hòa bình” với chứng bệnh này.

1. Hiểu đúng về viêm mũi dị ứng mãn tính

Viêm mũi dị ứng là tình trạng lớp lót niêm mạc mũi bị viêm do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với dị nguyên hay các tác nhân dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, nấm mốc… có trong không khí (2). Triệu chứng đặc trưng là nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt, mũi, miệng và các vùng da khác (2).

Nếu các triệu chứng này chỉ kéo dài vài giờ hoặc vài ngày thì được xem là viêm mũi cấp tính nhưng nếu các triệu chứng kéo dài ít nhất 30 phút mỗi ngày và diễn ra trong khoảng 2 tháng hoặc hơn thì được xem là viêm mũi dị ứng mãn tính (3).

Viêm mũi dị ứng mãn tính thường bắt nguồn từ dị ứng với các yếu tố môi trường nhưng cũng có thể là do những nguyên nhân khác (4) như:

  • Sử dụng thuốc như aspirin, ibuprofen, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm và thuốc tránh thai (4)
  • Sự thay đổi hormone liên quan đến thai kỳ, kinh nguyệt hoặc các vấn đề về tuyến giáp (4)
  • Vấn đề về cấu trúc làm ảnh hưởng đến hốc mũi như lệch vách ngăn mũi, viêm amidan… (4)
  • Các bệnh lý khác như trào ngược axit dạ dày (GERD), hen suyễn, viêm xoang mãn tính… (4)

2. Sớm nhận ra triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính

bị viêm mũi dị ứng mãn tính

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính sẽ khác nhau ở từng người. Mặc dù mang tên gọi “viêm mũi” nhưng thực tế, ngoài mũi thì các triệu chứng của bệnh còn có thể xuất hiện ở mắt, cổ họng, tai và thậm chí là liên quan đến giấc ngủ: (5)

  • Mũi: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mũi, mất vị giác
  • Mắt: Ngứa mắt, có cảm giác cộm, mắt đỏ, sưng và có thể bị thâm ở vùng da dưới mắt
  • Cổ họng và tai: Đau họng, khàn giọng, tắc nghẽn hoặc ù tai, ngứa cổ họng hoặc tai
  • Các vấn đề về giấc ngủ: Thở bằng miệng, thường xuyên thức giấc, mệt mỏi vào ban ngày, việc thực hiện các hoạt động bình thường hay bị cản trở.

Đối với tình trạng mãn tính, các triệu chứng sẽ kéo dài ít nhất 30 phút mỗi ngày trong khoảng 2 tháng hoặc hơn. Bạn có thể bị nghẹt mũi, chảy mũi dai dẳng cùng với đó là tình trạng khó ngủ, đau đầu thường xuyên, mệt mỏi dữ dội. (5)

3. Biết rõ nguyên nhân “kích hoạt” các triệu chứng

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng mãn tính thường được “kích hoạt” khi bạn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) như khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc… Sau khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra các kháng thể Immunoglobulin E (IgE) để phản ứng lại với các dị nguyên đó. Khi lượng IgE tăng lên, cơ thể sản sinh ra histamin, gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi. (6)

Nguy cơ cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng sẽ tăng lên nếu có sự xúc tác của một số yếu tố như di truyền, cấu trúc mũi bất thường và đặc biệt là môi trường sống (7). Trong đó, ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất mắc viêm mũi dị ứng cấp và mãn tính. (8)

Nguyên nhân là do khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng thì hệ hô hấp càng có nhiều nguy cơ “đương đầu” với các chất gây ô nhiễm cả môi trường bên ngoài (NO2, SO2, bụi mịn PM 2.5 và các hạt khí khí thải từ động cơ diesel) lẫn môi trường trong nhà (nhiều nhất là khói thuốc, hóa chất tẩy rửa, mạt bụi… với nồng độ cao gấp 2 – 5 lần so với bên ngoài) (8). Theo thống kê, tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng đang tăng tỷ lệ thuận với tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có đến 40% trẻ em và 10 – 30% người trưởng thành bị ảnh hưởng. (9)

4. Tuân theo chỉ định của bác sĩ về việc điều trị

Điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính

Tình trạng các triệu chứng kéo dài khi bị viêm mũi dị ứng mãn tính có thể làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Bạn có thể thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh lý khác như viêm xoang cấp và mãn tính, hen suyễn, viêm tai giữa, các bệnh về răng miệng, rối loạn giấc ngủ và thậm chí là trầm cảm. (10)

Do đó, với các trường hợp viêm mũi dị ứng mãn tính, tốt nhất, bạn nên đi khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ về điều trị để nhanh kiểm soát các triệu chứng và giảm bớt khó chịu. Khi đi khám, bác sĩ có thể kê toa cho bạn những loại thuốc:

  • Thuốc kháng histamin: Giúp giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng như hắt hơi, ngứa mắt, mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi…(11) Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc histamin thế hệ mới có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng sau 1 giờ uống. Không chỉ hiệu quả mà thuốc còn ít gây buồn ngủ, rất hữu ích cho người bị viêm mũi dị ứng cần tỉnh táo, tập trung cao trong học tập và công việc. Trên thị trường hiện có khá nhiều loại thuốc chữa viêm mũi dị ứng chứa hoạt chất này. Do đó, khi mua thuốc, bạn nên ưu tiên sản phẩm được sản xuất bởi các công ty dược phẩm lớn, có chất lượng và uy tín hàng đầu thế giới cũng như đảm bảo công dụng của sản phẩm được chứng minh bằng nghiên cứu lâm sàng.
  • Thuốc chống sung huyết (decongestant): Được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị nghẹt mũi và giảm áp lực xoang. Thông thường, thời gian sử dụng không quá 3 ngày trừ khi bác sĩ chỉ định bởi nếu dùng nhiều sẽ khiến tình trạng sưng tái phát, dẫn đến nghẹt mũi thường xuyên. (11)
  • Thuốc nhỏ mắt: Thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng liên quan đến mắt như ngứa mắt, chảy nước mắt, mắt bị sưng, đỏ. Loại thuốc này cũng không nên sử dụng trong thời gian dài. Thời gian sử dụng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. (11)
  • Thuốc xịt mũi chứa steroid: Thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi như hắt hơi, ngứa và sổ mũi. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng cụ thể. Khi sử dụng, chú ý không đưa đầu xịt vào quá sâu và không xịt vào vách ngăn mũi. (11)
  • Thuốc xịt mũi dạng nước muối sinh lý: Có tác dụng giảm viêm, rửa sạch chất nhầy, các chất gây dị ứng, giúp đường mũi thông thoáng hơn. Không giống như thuốc xịt mũi chứa steroid, thuốc xịt mũi dạng nước muối có thể được sử dụng thường xuyên. (11)
  • Tiêm dị ứng nguyên: Phương pháp “đào tạo” hệ miễn dịch để không phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng bằng cách tiêm vào dưới da một lượng nhỏ chiết xuất dị ứng pha loãng với liều lượng tăng dần. Cách điều trị này thường được dùng cho những trường hợp không đáp ứng tốt với thuốc hoặc làm những công việc thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. (11)

5.  Hạn chế tối đa nguy cơ kích các triệu chứng viêm mũi dị ứng mãn tính

Để không “kích hoạt” các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính, cách tốt nhất là bạn nên tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Thực tế, rất khó để làm được điều này, đặc biệt là trong tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày một diễn biến nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với các chất gây dị ứng có trong không khí: (11)

  • Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ để giảm nguy cơ hít phải bụi, mạt bụi, lông thú, lông sợi vải… (11)
  • Tránh xa thuốc lá và khói thuốc: Không hút thuốc, không để ai hút thuốc trong nhà, khu vực sinh hoạt chung (11)
  • Hạn chế tối đa việc dùng than, củi để nấu nướng nhằm giảm nguy cơ hít phải khói độc hại (11)
  • Dùng chất tẩy rửa hữu cơ để giảm nguy cơ hít phải các hóa chất độc hại từ các sản phẩm tẩy rửa (11)
  • Đeo khẩu trang, kính râm khi đi ra ngoài, nhất là khi đi đến những nơi đông người và vào những ngày không khí ô nhiễm nặng (11)
  • Hạn chế ra ngoài nếu không khí bị ô nhiễm nặng. Ngoài ra, vào những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, bạn nên sử dụng máy lạnh để làm mát thay vì dùng quạt và mở cửa… (11)

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mãn tính thường kéo dài lâu, gây nhiều phiền toái. Do đó, bạn cần điều trị ngay từ giai đoạn khởi phát khi các biểu hiện còn nhẹ để có thể điều trị dứt điểm nhanh chóng. Trong quá trình điều trị, cần tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị, tránh tự ý thay đổi thuốc hoặc tự ý tăng hoặc giảm liều lượng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

(1) Aeroallergens, air pollutants, and chronic rhinitis and rhinosinusitis  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6251962/ 

(2) Allergic Rhinitis https://www.nationwidechildrens.org/conditions/allergic-rhinitis-hay-fever 

(3) Chronic Rhinitis https://pedsinreview.aappublications.org/content/25/11/406 

(4) What Causes Chronic Rhinitis? https://www.healthline.com/health/chronic-rhinitis 

(5) Patient education: Allergic rhinitis (Beyond the Basics) https://www.uptodate.com/contents/allergic-rhinitis-beyond-the-basics

(6) Allergic Rhinitis https://ada.com/conditions/allergic-rhinitis/ 

(7) Causes Allergic rhinitis https://www.nhs.uk/conditions/allergic-rhinitis/causes/ 

(8) Indoor environment https://www.erswhitebook.org/chapters/indoor-environment/ 

(9) WAO White book on allergy https://www.worldallergy.org/UserFiles/file/WAO-White-Book-on-Allergy_web.pdf

(10) Allergic Rhinitis: Complications and Treatment https://reverehealth.com/live-better/allergic-rhinitis-complications-and-treatment/ 

(11)  Allergic Rhinitis https://acaai.org/allergies/types/hay-fever-rhinitis

Phiên bản hiện tại

16/11/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Liên chi Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Mẹo dự phòng mày đay mùa du lịch

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng: đâu mới là triệu chứng của bệnh?


Tham vấn y khoa:

Liên chi Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM

Miễn dịch học · Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - BV Đại học Y Dược TP.HCM


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 16/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo