Chẩn đoán hội chứng DRESS
Việc chẩn đoán đúng người bệnh đang mắc phải hội chứng DRESS thường gặp nhiều khó khăn vì các phản ứng dị ứng nặng trên da và các ảnh hưởng lên cơ quan nội tạng thay đổi rất đa dạng ở mỗi bệnh nhân. Một số tiêu chuẩn dùng trong chẩn đoán đã được đề xuất ở nhiều nơi. Ví dụ, tiêu chuẩn chẩn đoán regiSCAR bao gồm 3 yêu cầu:
- Nhập viện
- Phát ban cấp tính
- Nghi ngờ phản ứng có liên quan đến thuốc
Đồng thời, người bệnh có xuất hiện ít nhất 3 trong 4 triệu chứng toàn thân sau:
- Sốt trên 38ºC
- Nổi hạch ở ít nhất 2 vị trí trên cơ thể
- Có sự ảnh hưởng trên ít nhất một cơ quan nội tạng (gan, thận, tim…)
- Có bất thường về huyết học, bao gồm tăng hoặc giảm số lượng tế bào lympho, tăng bạch cầu ái toan hoặc giảm tiểu cầu
Thực tế, bác sĩ sẽ cần làm rất nhiều xét nghiệm để loại trừ những vấn đề khác có các triệu chứng tương tự. Quan trọng là phải chẩn đoán phân biệt với các hội chứng dị ứng thuốc khác như hội chứng Stevens-Johnson, Lyell, hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN) để có các biện pháp điều trị đúng và kịp thời.
Các cách điều trị hội chứng DRESS
Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường xảy ra sau khi dùng thuốc, người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Việc ngừng thuốc kịp thời là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và khả năng tử vong do hội chứng này. Do đó, người bệnh luôn luôn phải theo dõi các thay đổi bất thường trên da khi dùng các thuốc có nguy cơ gây dị ứng cao.
Khi gặp phải hội chứng này, hệ thống miễn dịch bị rối loạn và có thể kéo dài đến vài tuần sau khi dừng sử dụng thuốc nghi ngờ gây dị ứng. Do đó, bác sĩ thường chỉ định dùng corticosteroid toàn thân như một liệu pháp điều trị đầu tiên và giảm dần liều theo thời gian. Một số trường hợp nặng, các thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclosporine từng được sử dụng có hiệu quả.
Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn tranh cãi xem có nên sử dụng corticosteroid toàn thân thời gian dài hay không do chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác như suy giảm miễn dịch, rối loạn điện giải, tăng huyết áp… Thậm chí, các thuốc này còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy kích hoạt virus hay gây ra hiện tượng phụ thuộc thuốc ở người bệnh.
Nói chung, việc lựa chọn thuốc và thời gian điều trị sẽ tùy vào từng trường hợp và kinh nghiệm của bác sĩ. Các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng và điều trị những ảnh hưởng liên quan đến nội tạng cũng liên tục được thực hiện.