Tình trạng dị ứng nước biển thường xảy ra phổ biến trong những tháng mùa hè. Trên thực tế, tình trạng này rất dễ nhận biết khi mà bạn phát hiện làn da của mình nổi mẩn đỏ, ngứa sau khi tắm biển, bơi lội.
Trong hầu hết trường hợp, việc bị dị ứng với nước biển hay đi bơi bị ngứa thường tự khỏi và ít khi phát triển thành tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng với nước biển ảnh hưởng đến da nên vẫn có thể gây ngứa và khó chịu. Vì vậy, trong bài viết sau, bạn có thể tìm hiểu cụ thể về vấn đề dị ứng này và cách làm thuyên giảm các triệu chứng.
Dị ứng nước biển là gì?
Dị ứng nước biển hay đi bơi bị ngứa thường là một phản ứng dị ứng của da với một loại ký sinh trùng nào đó có trong nước biển. Cụ thể hơn, nếu bạn tắm biển hoặc bơi lội ở những vùng nước bị nhiễm ký sinh trùng, cơ thể bạn sẽ có phản ứng dị ứng, gây nổi mẩn ngứa (phát ban) khi loài ký sinh trùng này chui vào da của bạn. Ký sinh trùng không thể tồn tại trong da người nên chúng sẽ chết ngay sau khi chui vào da. Do đó, tình trạng phát ban do dị ứng với nước biển thường tự khỏi. Tình trạng dị ứng này có thể thuyên giảm sau vài ngày nhưng đôi khi, các triệu chứng đi bơi bị cũng kéo dài hơn đến 2 tuần.
Ngoài ra, hiện tượng dị ứng nước biển hay đi bơi bị ngứa xảy ra đôi khi là do bạn quá mẫn cảm với ấu trùng của sứa, hải quỳ… có trong nước hoặc do nước biển bị ô nhiễm bởi hóa chất nào đó. Vì vậy, khi bạn tắm biển, làn da sẽ có phản ứng dị ứng gây ra mẩn đỏ, ngứa ngáy sau khi tiếp xúc với các tác nhân này.
Nguyên nhân khiến bạn dị ứng với nước biển và các nguồn nước khác
Thực chất dị ứng nước biển, ngứa da sau khi đi bơi hay đi bơi bị ngứa là tình trạng có thể gặp sau khi bơi ở những nơi nước cạn. Bởi ký sinh trùng gây dị ứng da cho những người đi bơi không chỉ có trong nước biển mà còn có thể tồn tại trong các nguồn nước ngọt khác như ao, hồ, sông suối… Ký sinh trùng trưởng thành sống trong máu của động vật nhiễm bệnh, chẳng hạn như một số loài chim sống gần nước (vịt, ngỗng, mòng biển, thiên nga…) hoặc một số động vật có vú.
Trứng của chúng sẽ được thải ra ngoài qua phân của các loài chim hoặc động vật nhiễm bệnh. Nếu trứng xâm nhập vào các nguồn nước, trứng sẽ nở và giải phóng các ấu trùng cực nhỏ bơi tự do trong nước. Sau đó, những ấu trùng này sẽ tìm kiếm và lây nhiễm cho một loài ốc thủy sinh nào đó. Những con ốc bị nhiễm bệnh sẽ giải phóng một loại ấu trùng siêu nhỏ khác gọi là cercariae. Loài ấu trùng này sau đó sẽ bơi đi tìm vật chủ thích hợp để tiếp tục vòng đời.
Thực chất, con người không phải là vật chủ của ấu trùng cercariae. Thế nhưng, khi bạn bơi lội hoặc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm có chứa ấu trùng, chúng vẫn có thể chui vào da của bạn và gây ra phản ứng dị ứng, phát ban. Trên thực tế, bất cứ ai bơi lội hoặc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm đều có thể gặp rủi ro. Trong đó, trẻ em thường dễ bị ảnh hưởng hơn người lớn do trẻ có xu hướng bơi, lội nước hoặc chơi ở những vùng nước nông, nơi có ấu trùng hiện diện nhiều hơn.
Nhận biết triệu chứng dị ứng với nước biển
Trong khoảng vài phút đến vài ngày sau khi đi tắm, bơi hoặc lặn biển, bạn có thể cảm thấy ngứa ran, nóng rát hoặc ngứa da. Các mụn nhỏ màu đỏ có thể xuất hiện trong vòng 12 giờ. Sau đó, mụn có thể phát triển thành mụn nước nhỏ.
Thông thường, bạn chỉ cảm thấy ngứa, nổi mẩn đỏ trên vùng da đã tiếp xúc với nước bị ô nhiễm. Điều này đồng nghĩa rằng phát ban thường chỉ ảnh hưởng đến vùng da không được che bởi đồ bơi hoặc đồ lặn. Tình trạng ngứa thường kéo dài 1 tuần hoặc hơn nhưng sẽ dần biến mất.
Tuy nhiên, độ nhạy cảm của bạn đối với chứng ngứa do dị ứng nước biển có thể tăng lên mỗi khi tiếp xúc với ký sinh trùng gây bệnh. Do đó, nếu bạn càng tiếp xúc với nước bị ô nhiễm nhiều lần thì các triệu chứng ngứa sẽ càng dữ dội hơn.
Cách xử lý, điều trị khi bị dị ứng nước biển
Thông thường, người bị dị ứng nước biển không cần đi khám tại bệnh viện. Trong hầu hết trường hợp, tình trạng nổi mẩn ngứa có thể biến mất trong vòng khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng thêm một số giải pháp sau đây để làm thuyên giảm các triệu chứng:
- Thoa kem corticosteroid lên vùng da bị ảnh hưởng
- Chườm mát vùng da bị ngứa ran, nóng ran
- Sử dụng sản phẩm lotion có tác dụng giảm ngứa, rát, đau do vấn đề về da
- Ngâm mình trong bồn tắm có pha bột yến mạch dạng keo hoặc tắm muối Epsom
- Bôi hỗn hợp bột baking soda với nước lên vùng da bị phát ban.
Bạn thường không tránh khỏi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khi bị dị ứng nước biển. Thế nhưng, hãy cố gắng hạn chế việc gãi lên vùng da bị ngứa vì điều này có thể gây xước da dẫn tới nhiễm trùng. Nếu tình trạng ngứa nghiêm trọng, bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về việc dùng thuốc bôi giảm ngứa.
Biện pháp phòng ngừa phát ban, ngứa da do dị ứng với nước biển
Tình trạng dị ứng với nước biển hoặc bất kỳ nguồn nước nào khác chủ yếu do nhiễm ký sinh trùng có trong nước. Vì vậy, để tránh tình trạng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ khi tắm biển hay hồ bơi, sông suối… thì bạn nên:
- Tắm rửa, gội đầu lại bằng nước sạch sau khi tắm biển. Sau đó, đảm bảo lau khô da bằng khăn sạch.
- Tránh các bãi biển đã được thông báo là ô nhiễm, có thể gây hại cho người dân khi đi bơi.
- Nếu có thể, bạn không nên chơi hoặc bơi lội ở vùng nước nông hoặc gần bờ biển. Bởi vì khu vực này thường có nguy cơ xuất hiện ký sinh trùng.
- Nếu tắm, chơi ở các vùng nước ngọt (ao, hồ, sông…) cần tránh khu vực đầm lầy, có nhiều ốc sên vì đây có thể là nguồn phát tán ấu trùng gây ô nhiễm cho nguồn nước.
- Không cho chim hoặc động vật đến gần khu vực biển, sông… đặc biệt là khi có nhiều người bơi lội ở đây. Bởi chúng sẽ thải phân làm phát tán ấu trùng gây ô nhiễm nguồn nước.
- Bạn có thể thoa kem chống nắng không thấm nước cho cơ thể trước khi bơi lội, tắm biển. Sản phẩm có thể tạo ra một lớp màng bảo vệ trên da để ngăn ký sinh trùng xâm nhập.
Mặc dù tình trạng dị ứng nước biển không cần đi khám, nhưng nếu bạn gặp phải những vấn đề như phát ban kéo dài hơn một tuần, có mủ ở vị trí phát ban, ngứa ngáy nghiêm trọng… thì cần đến bệnh viện để được tư vấn, điều trị hiệu quả hơn.