Bệnh vảy nến có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người khi mắc phải căn bệnh này. Nguyên do là phần lớn họ không biết nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn hệ miễn dịch. Do đó, khi thấy căn bệnh này kéo dài trở thành mạn tính, họ rất lo lắng và tìm mọi cách điều trị sao cho có hiệu quả.
Vảy nến (vẩy nến) là một bệnh ngoài da liên quan đến hệ miễn dịch. Đặc trưng của bệnh là trên da xuất hiện các tổn thương như sưng tấy, đỏ rát, có vảy trắng và ngứa ngáy. Đầu tiên, các triệu chứng vảy nến chỉ xuất hiện trên da nhưng nếu không được điều trị sớm, biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến xương khớp, tim mạch, gan, thận… tác động xấu đến sức khỏe.
Tùy thuộc vào loại vảy nến mà bệnh có các triệu chứng khác nhau. 5 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh vảy nến bao gồm:
- Phát ban hoặc các mảng da đỏ, viêm, thường được phủ vảy mỏng màu bạc. Trong trường hợp nghiêm trọng, các mảng bám sẽ phát triển và hợp nhất với nhau, bao phủ những vùng da rộng lớn trên cơ thể.
- Ngứa, đau, có thể bị nứt da hoặc chảy máu.
- Chảy máu ở nơi da bị khô và trầy xước.
- Các vấn đề với móng tay và móng chân như: Móng bị đổi màu, bề mặt bị sần, rỗ. Móng có thể trở nên giòn, dễ gãy hoặc bị mất móng.
- Mảng vảy xuất hiện trên da đầu.
>>> Xem thêm chuyên gia Lê Hữu Doanh phân tích về các triệu chứng bệnh vảy nến thường gặp.
Khoảng 10 – 30% người bị bệnh vảy nến có nguy cơ phát triển thành viêm khớp vảy nến, gây đau, sưng khớp.
Nguyên nhân bệnh vảy nến là gì?
Các tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch có chức năng phát hiện và tiêu diệt những yếu tố ngoại lai như vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó như bị tấn công, oxy hóa hoặc thiếu dưỡng chất, hệ miễn dịch bị suy yếu làm rối loạn chức năng của bạch cầu. Điều này khiến bạch cầu tấn công nhầm các tế bào biểu bì của da, khiến quá trình sản xuất da bị thúc đẩy nhanh hơn.
Thông thường, tế bào biểu bì phát triển và chết đi với một chu kỳ kéo dài khoảng 28 – 30 ngày theo các giai đoạn: Sinh ra, chết đi, nâng dần lên bề mặt da và rơi ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên khi bị vảy nến, chu kỳ phát triển các tế bào da chỉ còn diễn ra trong khoảng 3 – 4 ngày. Tế bào da chết liên tục và tích tụ trên mặt da mà không thể rơi ra ngoài, dẫn đến các tổn thương sưng, viêm, đỏ, có vảy trắng, ngứa ngáy và đôi khi nứt, chảy máu.
Ngoài nguyên nhân trên, các yếu tố như tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến, thói quen sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, tình trạng căng thẳng kéo dài, chấn thương da và sử dụng một số loại thuốc, thời tiết hanh khô,… cũng làm tăng nguy cơ bị chứng bệnh này.
Bệnh vảy nến có chữa được không?
Hiện nay, chưa có loại thuốc điều trị hay phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh vảy nến. Tùy thuộc vào các yếu tố tác động mà người mắc có thể sẽ thấy những đợt bùng phát bệnh dữ dội. Khi vảy nến đang thuyên giảm, các triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện. Tuy nhiên sau đó, nếu bạn không duy trì điều trị, bệnh sẽ lại tái phát.
Đa phần người bị vảy nến không biết trước thời điểm bệnh bùng phát nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người, vảy nến sẽ tái phát khi bị stress kéo dài, mệt mỏi, sang chấn tâm lý… Đây là những yếu tố khiến hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, người mắc bệnh này nên áp dụng các phương pháp kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian ổn định cũng như ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
Cách kiểm soát triệu chứng bệnh vảy nến hiệu quả
Do chưa có thuốc hay phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn vảy nến nên các bác sĩ chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng bệnh và ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra. Các phương pháp bao gồm:
Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị vảy nến gồm nhiều dạng như bôi, tiêm, uống hoặc truyền tĩnh mạch. Đây là các thuốc ức chế miễn dịch, chống viêm nên giúp cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ nên người dùng cần thận trọng.
Quang hóa trị liệu
Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo tia UV chiếu vào các tổn thương da, từ đó khôi phục lại làn da bị vảy nến. Tuy phương pháp này khá an toàn nhưng thực tế vẫn có một số tác dụng phụ bao gồm: Bỏng, nhạy cảm với ánh sáng hoặc ung thư da. Vì vậy, nếu áp dụng hình thức quang hóa trị liệu, bạn nên thực hiện dưới sự hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế.
Thay đổi lối sống
Ngoài áp dụng các phương pháp y tế, bạn cũng cần phải thay đổi lối sống để giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Một số việc bạn nên làm:
- Giảm căng thẳng
- Hạn chế uống rượu bia
- Bỏ hút thuốc
- Nên tham khảo và tuân theo ý kiến bác sĩ về việc tắm gội hàng ngày
- Cung cấp thêm độ ẩm cho da
Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Một số dưỡng chất rất tốt cho người bị vảy nến mà bạn có thể bổ sung thông qua thực phẩm hàng ngày như:
- Chất chống oxy hóa có nhiều trong hoa quả, các loại đậu, mơ, nho khô, các loại thảo mộc (đinh hương, quế)…
- Carotene có trong cà rốt, rau lá xanh…
- Folate trong lúa mì, cải xanh, cải bắp, giá…
- Omega-3 có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu…
Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế các loại thức phẩm chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa…
Vảy nến là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng bằng các phương pháp nêu trên. Ngoài ra, bạn nên thăm khám thường xuyên và tham khảo ý kiến bác sĩ về những cách chăm sóc hiệu quả khi mắc căn bệnh này nhé.