backup og meta

Nám da

Tìm hiểu chung

Nám da là bệnh gì?

Bệnh nám da là một vấn đề da phổ biến, gây ra các mảng màu nâu đến màu xám nâu trên mặt. Hầu hết mọi người bị tình trạng này trên má, sóng mũi, trán, cằm và ở môi trên. Bệnh cũng có thể xuất hiện trên các bộ phận khác của cơ thể, nơi tiếp xúc nhiều với mặt trời chẳng hạn như cánh tay và cổ.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nám da là gì?

Bệnh nám da gây ra các mảng da đổi màu, có màu đậm hơn màu da bình thường. Bệnh thường xảy ra trên mặt và đối xứng ở cả hai bên của khuôn mặt. Các nơi khác của cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể bị bệnh nám da.

Các mảng màu nâu thường xuất hiện trên má, trán, sóng mũi và cằm.

Bệnh cũng có thể xảy ra trên cổ và cánh tay. Sự đổi màu da không làm bất kỳ tổn hại nào, nhưng bạn có thể cảm thấy tự ti về ngoại hình.

Nếu bạn thấy các triệu chứng của bệnh nám da, hãy gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ da liễu, người chuyên về điều trị các rối loạn da.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh nám da?

Nguyên nhân gây ra bệnh nám da vẫn chưa rõ ràng. Bệnh xảy ra có lẽ là do các tế bào hắc tố trong da sản xuất ra quá nhiều màu sắc. Những người có da màu dễ bị bệnh nám hơn vì họ có các tế bào hắc tố làm việc tích cực hơn so với những người có làn da sáng. Một số yếu tố gây bệnh nám da phổ biến bao gồm:

  • Tiếp xúc mặt trời: tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời kích thích các tế bào hắc tố. Trong thực tế, chỉ một lượng nhỏ ánh nắng mặt trời có thể làm cho bệnh nám da trở lại sau khi chúng đã mờ dần, đó là lý do tại sao bệnh nám da thường nặng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong mùa hè. Đây cũng là lý do chính tại sao nhiều người bị bệnh nám da cứ tái đi tái lại;
  • Thay đổi nội tiế tố: phụ nữ mang thai thường hay bị bệnh nám da. Thuốc ngừa thai và thuốc thay thế nội tiết tố cũng có thể kích hoạt bệnh nám da;
  • Mỹ phẩm: sản phẩm chăm sóc da gây kích ứng có thể làm trầm trọng thêm bệnh nám da.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường hay mắc bệnh nám da?

Theo Viện da liễu Hoa Kỳ, 90% người bị bệnh nám da là phụ nữ. Những người có làn da sẫm màu hơn chẳng hạn như những người gốc Latinh/Tây Ban Nha, Bắc Phi, người Mỹ gốc Phi, châu Á, Ấn Độ, Trung Đông và địa Trung Hải dễ bị bệnh nám da. Những người có người thân trong gia đình bị nám da cũng có khả năng dễ bị bệnh hơn.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nám da?

Nguyên nhân gây bệnh nám da vẫn chưa rõ ràng. Người da sẫm màu hơn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da sáng màu. Tình trạng nhạy cảm với estrogenprogesterone cũng được cho là có liên quan với bệnh này, điều này có nghĩa là thuốc ngừa thai, mang thai và liệu pháp nội tiết tố tất cả có thể kích hoạt bệnh nám da. Căng thẳng và bệnh tuyến giáp cũng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh nám da.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nám da?

Bác sĩ thường khám vùng da bị ảnh hưởng thường để chẩn đoán bệnh nám da. Để tìm ra nguyên nhân cụ thể, bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm.

Khám bằng đèn Wood là một loại ánh sáng đặc biệt để khám da, cho phép bác sĩ xem có nhiễm trùng không và xác định có bao nhiêu lớp da bị ảnh hưởng bởi bệnh nám da. Để kiểm tra bất kỳ vấn đề da nghiêm trọng nào, bác sĩ cũng có thể thực hiện sinh thiết, điều này liên quan đến việc lấy một mảnh da nhỏ bị ảnh hưởng để xét nghiệm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nám da?

Bệnh nám da có thể tự phai, điều này thường xảy ra khi tác nhân kích hoạt gây ra bệnh nám da chẳng hạn như là mang thai hay dùng thuốc ngừa thai. Khi phụ nữ sinh em bé hoặc ngưng dùng thuốc ngừa thai, nám da có thể phai mờ.

Tuy nhiên, một số người bị bệnh nám da nhiều năm hoặc thậm chí cả đời. Nếu nám da không mất hoặc phụ nữ muốn tiếp tục dùng thuốc ngừa thai, các phương pháp điều trị bệnh nắm da có thể gồm:

  • Hydroquinone: thuốc này thường dùng đầu tiên để điều trị bệnh nám da. Thuốc được bôi lên da và làm da sáng lên. Bạn sẽ tìm thấy hydroquinone ở trong thuốc dưới dạng kem, lotion, gel hoặc chất lỏng. Bạn có thể mua chúng mà không cần toa bác sĩ. Các sản phẩm này chứa ít hydroquinone hơn so với sản phẩm mà bác sĩ da liễu có thể kê toa cho bạn;
  • Tretinoin và corticosteroid: để tăng cường sáng da, bác sĩ da liễu có thể chỉ định một loại thuốc thứ hai. Thuốc này có thể là tretinoin hoặc một corticosteroid. Đôi khi, một loại thuốc có chứa 3 loại thuốc (hydroquinone, tretinoin và corticosteroid) dưới dạng 1 loại kem, được gọi là kem ba thành phần;
  • Thuốc bôi da khác: bác sĩ da liễu có thể kê toa azelaic axit hay kojic axit để giúp làm mờ nám da;
  • Thủ thuật: nếu thuốc bôi tại chỗ không điều trị khỏi bệnh, thủ thuật có thể được dùng để điều trị thành công. Thủ thuật điều trị bệnh nám da bao gồm lột da bằng hóa chất (chẳng hạn như axit glycolic), mài da vi thể và mài da. Bác sĩ da liễu là người thực hiện những quy trình này. Các vấn đề mới về da có thể xảy ra khi bác sĩ điều trị không điều chỉnh theo loại da của bệnh nhân.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nám da?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tránh ánh nắng mặt trời: một trong cách điều trị thông thường nhất cho bệnh nám da là dùng khem chống nắng. Do ánh nắng mặt trời gây kích hoạt bệnh nám da nên điều quan trọng là bạn nên dùng kem chống nắng hằng ngày, thậm chí cả ngày nhiều mây và sau khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi. Bạn nên chọn kem chống nắng có độ bảo vệ phổ rộng, chỉ số SPF từ 30 trở lên, cùng với kẽm oxit và dioxit titan để làm giảm sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời lên bề mặt da. Bôi kem chống nắng 15 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ;
  • Mang mũ rộng vành khi ra ngoài: theo nguyên cứu gần đây, sử dụng duy nhất kem chống nắng không bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi ánh nắng mặt trời. Bất kể khi nào nếu có thể, bạn hãy tìm bóng râm và mang áo quần chống nắng, đồng thời bôi kem chống nắng;
  • Chọn sản phẩm bảo vệ da thích hợp: bạn nên chọn các sản phẩm bảo vệ da không làm ngứa hay cháy da, các sản phẩm kích ứng da làm bệnh nặng hơn;
  • Tránh cạo lông: việc cạo lông có thể làm viêm da, làm bệnh nám da nặng hơn, vì vậy điều quan trọng là bạn tránh cạo lông vùng da bị bệnh. Hãy hỏi bác sĩ da liễu về cách triệt lông phù hợp với bạn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chloasma. https://www.aad.org/public/diseases/color-problems/melasma#overview . Ngày truy cập 23/11/2016

Chloasma. http://www.healthline.com/health/melasma#Overview1  . Ngày truy cập 23/11/2016

Chloasma. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/melasma-directory  . Ngày truy cập 23/11/2016

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Top 5 sản phẩm nước tẩy trang cho da khô tốt nhất

Xịt khoáng cho da dầu mụn có công dụng gì và nên chọn như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo