Mụn trứng cá tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng đôi khi chúng khiến nhiều người mang tâm lý căng thẳng, mất tự tin, lo âu kéo dài và đem lại những tác động tiêu cực đến cuộc sống. Điều trị mụn đúng cách và kịp thời có thể giúp chúng ta vượt qua được những tác động này. Hiểu biết được nguyên nhân và các phương pháp trị mụn trứng cá sẽ giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Tổng quan về mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một loại bệnh lý về da cực kỳ phổ biến. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dậy thì, khi sự thay đổi hormone trong cơ thể xảy ra và có thể kéo dài đến độ tuổi trưởng thành. Có khoảng 80 – 90% thanh thiếu niên bị mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau và có đến 20 – 30% trong số đó cần được hỗ trợ bởi các phương pháp điều trị chuyên sâu. Bên cạnh đó, số lượng người trưởng thành bị mụn trứng cá cũng ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân gây ra mụn chính là do sự tích tụ của bã nhờn, bụi bẩn, vi khuẩn ở các lỗ chân lông cùng với sự tích tụ các lớp tế bào chết trên bề mặt da. Dần dần khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn và gây ra các ổ viêm dưới da. Mụn trứng cá có nhiều loại và có thể biến chứng thành mụn nang hoặc bị viêm nhiễm nặng nếu không có những biện pháp điều trị hợp lý.
Điều gì khiến tình trạng mụn trứng cá ngày càng tồi tệ hơn?
Có thể nói rằng nội tiết tố đóng vai trò trong việc gây ra mụn bằng cách gây tăng tiết bã nhờn của da. Do đó, mụn phổ biến ở tuổi dậy thì và ở phụ nữ trước kỳ kinh nguyệt – những đối tượng dễ bị tác động bởi nội tiết tố.
Căng thẳng và lo âu kéo dài cũng làm tăng hàm lượng cortisol trong máu tăng cao, kích thích hormone androgen tăng trưởng, dẫn đến các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.
Không khí nóng, ẩm cộng với việc đổ nhiều mồ hôi khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Tình trạng mụn từ đó cũng nghiêm trọng hơn.
Sự tăng tiết bã nhờn tạo một môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn mụn trứng cá P. acnes (Propionibacterium acnes) sinh sôi nảy nở. Điều này làm cho tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn do viêm nhiễm.
Gene (gien) cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của mụn trứng cá ở mỗi người. Nếu cả cha và mẹ đều bị mụn trứng cá, tỷ lệ bị mụn ở con cái của họ cũng sẽ cao hơn.
Làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ và hơi nóng như nấu ăn có thể làm tình hình mụn trứng cá thêm tồi tệ. Nguyên nhân là do chất béo và hơi nóng bốc lên sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo sẽ gây mụn trứng cá.
Mặc dù chưa được chứng minh là nguyên nhân trực tiếp gây nên mụn trứng cá, các yếu tố sau đây có thể khiến mụn trở nên trầm trọng hơn:
- Tiêu thụ quá nhiều thức ăn chứa carbohydrate (đường và tinh bột)
- Sử dụng sữa bò và các chế phẩm từ sữa
- Ăn chocolate
3 phương pháp trị mụn trứng cá từ cơ bản đến chuyên sâu
Dưới đây là 3 phương pháp mà bạn có thể lựa chọn để đánh bay lũ mụn đáng ghét trên làn da của mình. Bạn có thể áp dụng các phương pháp này tùy thuộc vào tình trạng mụn và chi phí bạn có thể bỏ ra.
Phương pháp 1: Thực hiện các thói quen và phương pháp trị mụn trứng cá tại nhà
Một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng mỗi ngày sẽ giúp hạn chế và ngăn ngừa sự xuất hiện của mụn trứng cá.
Tránh chạm lên da mặt
Hãy hạn chế bất cứ tiếp xúc nào lên da mặt càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày, bàn tay của chúng ta tiếp xúc với rất nhiều đồ vật chứa bụi bặm và vi khuẩn. Do đó, việc chạm tay lên mặt đã vô tình trở thành một cầu nối để một lượng lớn vi khuẩn “đổ bộ” lên da. Những vi khuẩn này khi kết hợp với bụi bẩn, bã nhờn sẽ gây ra viêm nhiễm, sinh ra mụn trứng cá. Vì vậy, trước khi chạm tay vào mặt, hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng.
Điện thoại di động và mắt kính cũng chứa rất nhiều vi khuẩn, vì vậy hãy vệ sinh chúng thường xuyên. Khi nghe điện thoại, bạn cũng nên hạn chế áp lên da.
Bên cạnh đó, có rất nhiều bã nhờn và da chết bám trên tóc. Vì vậy, hãy giữ cho tóc sạch và tránh xa da mặt bằng cách gội đầu sạch và buộc tóc gọn gàng. Một số sản phẩm tóc có chứa ca cao hoặc dầu dừa có thể làm tình trạng mụn trứng cá trầm trọng thêm.
Lưu ý khi cạo râu
Những bạn nam nên sử dụng loại dao cạo an toàn với lưỡi dao sắc hoặc máy cạo râu. Bên cạnh đó, trước khi cạo râu, bạn nên làm mềm da bằng nước ấm hoặc rửa mặt với nước ấm và sữa rửa mặt.
Thường xuyên vệ sinh lưỡi dao và giữ dụng cụ cạo râu ở nơi khô ráo. Trong quá trình cạo râu, bạn cũng nên giữ tay sạch sẽ và cắt ngắn móng tay. Những biện pháp trên sẽ hạn chế vi khuẩn gây mụn lây lan.
Không tự ý nặn mụn
Nặn mụn sai cách sẽ tạo ra sức ép lên da, làm các ổ viêm, nhiễm trùng lan vào da sâu hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông nghiêm trọng hơn. Thêm vào đó, nặn mụn còn khiến da dễ bị sẹo, thâm sau khi phục hồi.
Nếu có nhu cầu làm sạch mụn trứng cá, tốt nhất bạn nên gặp chuyên gia để được lấy mụn bằng các biện pháp chuyên nghiệp.
Mặc quần áo rộng rãi
Mặc quần áo chật chội, khó thoát mồ hôi sẽ làm nang lông bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và khiến người chúng ta bị nổi mụn. Nếu mụn xuất hiện ở lưng, vai hoặc những nơi tiếp xúc thường xuyên với quần áo, bạn nên chọn những loại trang phục rộng rãi, có chất liệu cotton.
Nên hạn chế sử dụng các loại cài tóc, nón và khăn choàng hoặc vệ sinh thường xuyên sau khi sử dụng.
Lưu ý khi trang điểm
Nguyên nhân trực tiếp gây mụn không hẳn là do các sản phẩm trang điểm mà chính là do thói quen không làm sạch lớp makeup này. Bạn phải luôn tẩy trang thật sạch trước khi đi ngủ và có thể thực hiện phương pháp double cleansing để đảm bảo hiệu quả làm sạch tối đa.
Một số sản phẩm có nguy cơ thấp gây ra mụn viêm. Hãy tìm những sản phẩm có nhãn “non-comedogenic – không gây tắc nghẽn lỗ chân lông” hoặc “non-acnegenic – không gây mụn”.
Rửa mặt
Chỉ nên rửa mặt không quá hai lần mỗi ngày vì nếu lạm dụng việc làm sạch quá mức sẽ khiến da dễ bị kích ứng do lớp màng bảo vệ da bị phá vỡ.
Một số lời khuyên cho việc rửa mặt:
- Sử dụng sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ và dùng nước ấm hoặc mát
- Rửa mặt một cách nhẹ nhàng và không chà xát quá mạnh
- Sử dụng sản phẩm dưỡng da có chứa benzoyl peroxide sau bước rửa mặt
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Phơi nắng quá nhiều có thể làm da tiết nhiều dầu thừa hơn. Tia UV cũng khiến da dễ bị tổn thương, gây ra sẹo và thâm mụn hay thậm chí là ung thư. Do đó, bạn nên có những biện pháp bảo vệ da khi ra ngoài như thoa kem chống nắng và che chắn da cẩn thận.
Một số sản phẩm điều trị mụn có thể khiến da dễ bị bắt nắng hơn, vì vậy, bạn nên lưu ý khi sử dụng các sản phẩm này.
Phương pháp 2: Sử dụng những thành phần hoạt chất điều trị mụn trứng cá
Các sản phẩm trị mụn thường có dạng gel, miếng dán, kem, lotion hoặc xà phòng. Đa số chúng sẽ chứa các thành phần dưới đây:
Resorcinol
Hoạt chất này giúp làm phân hủy cấu trúc của mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Các thành phần hoạt tính tương tự được sử dụng để điều trị gàu, eczema và bệnh vẩy nến.
Benzoyl peroxide
Nó có khả năng tấn công, tiêu diệt vi khuẩn và làm chậm quá trình sản xuất dầu của các tuyến bã nhờn. Benzoyl hoạt động như một chất “lột” da, đẩy chu kỳ thay da và làm sạch lỗ chân lông. Nhờ đó làm giảm lượng vi khuẩn trong ở vùng da bị mụn.
Salicylic acid
Chất này có khả năng phá vỡ kết cấu mụn đầu đen, mụn đầu trắng, giúp những thành phần thừa có thể dễ dàng bị bong tróc nhờ khả năng dễ dàng thâm nhập vào sâu trong lỗ chân lông. Từ đó, lớp biểu bì bong ra một cách dễ dàng hơn, làm thông thoáng lỗ chân lông và tạo điều kiện cho các tế bào mới phát triển.
Bên cạnh đó, salicylic acid tuy không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn nhưng lại có tác dụng hỗ trợ kháng viêm hiệu quả, giúp thu hẹp kích thước mụn trứng cá cũng như tình trạng viêm đỏ nhờ tính chất làm dịu da.
Sulfur (lưu huỳnh)
Lưu huỳnh đã được ứng dụng trong y tế trong hàng thế kỷ nhờ mang lại tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, để điều trị mụn trứng cá, vẩy nến và eczema. Mặc dù được đánh giá là một chất trị mụn hiệu quả và lành tính nhưng hiện tại chưa có nghiên cứu nào tìm ra tác động của sulfur đối với mụn. Bằng thực nghiệm, người ta đã kết luận sulfur làm xẹp nốt mụn một cách nhanh chóng nhờ khả năng kháng viêm và kháng khuẩn cao.
Retin-A
Hoạt chất này giúp làm thông thoáng lỗ chân lông. Retin-A chứa tretinoin, một dạng vitamin A có tính acid. Thành phần này thường được ứng dụng trong việc thay da hóa học.
Azelaic acid
Giảm mụn trứng cá bằng cách giảm số lượng vi khuẩn gây mụn trên da và giữ cho lỗ chân lông thông thoáng, hạn chế tiết dầu. Ưu điểm của azelaic acid chính là khả năng thấm sâu vào các lỗ chân lông và loại bỏ triệt để những vi khuẩn trong nang lông, giảm sưng viêm.
Các sản phẩm không cần kê đơn sẽ có nồng độ các hoạt chất khác nhau. Bạn nên bắt đầu sử dụng với nồng độ thấp nhất. Khi bắt đầu dùng, da bạn có thể bị kích ứng, mẩn đỏ hoặc châm chích nhưng những triệu chứng này sẽ giảm dần khi da thích nghi được với sản phẩm.
Phương pháp 3: Áp dụng phương pháp điều trị mụn trứng cá chuyên sâu
Bác sĩ sẽ chỉ định bạn một số biện pháp điều trị mụn trứng cá khác nếu các sản phẩm không kê đơn không thể khiến tình trạng mụn của bạn khả quan hơn. Dưới đây là một số phương pháp thường gặp:
Kháng sinh
Kháng sinh đường uống thường là tetracycline, có thể được sử dụng cho những trường hợp mụn trứng cá nặng. Bà mẹ mang thai hoặc cho con bú nên dùng thuốc có thành phần erythromycin thay vì tetracyclin. Không nên sử dụng thuốc tránh thai và hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời khi dùng tetracyclin.
Hầu hết thuốc kháng sinh đường uống sẽ mang lại hiệu quả sau khoảng 6 tuần. Có thể mất 4-6 tháng để mụn biến mất hoàn toàn.
Kháng kháng sinh là một vấn đề dễ dàng xảy ra đối với những người sử dụng thuốc. Do đó, các bác sĩ sẽ khuyên bạn giảm kháng sinh khi các triệu chứng dần được cải thiện hoặc ngay khi các loại thuốc mất đi hiệu quả. Bôi benzoyl peroxide kết hợp với kháng sinh đường uống sẽ giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
Isotretinoin
Isotretinoin hay còn được biết đến với tên gọi Accutane hoặc Roaccutane. Đây là một loại thuốc dùng qua đường uống, có nghĩa nó có thể sẽ tác động đến toàn bộ cơ thể. Phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai không nên sử dụng isotretinoin vì nó có nguy cơ làm thai nhi bị dị tật.
Một liệu trình chữa trị sẽ mất từ 15-20 tuần. Trong thời gian này, bạn sĩ sẽ theo dõi tình trạng của bệnh nhân sát sao vì có thể xảy ra một số tác dụng phụ, bao gồm: làm da khô và nứt nẻ nghiêm trọng, chảy máu cam, đau khớp và tổn thương gan.
Trầm cảm và khuynh hướng tự sát có thể có liên quan đến isotretinoin, nhưng mối liên hệ này chưa được xác nhận. Có đến 2/3 số người dùng thấy rằng các triệu chứng mụn trứng cá của họ biến mất sau thời gian dài điều trị.
Thuốc tránh thai
Phụ nữ có mụn trứng cá có thể sử dụng thuốc có kết hợp của norgestimate và ethinyl estradiol. Tuy nhiên, thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, huyết khối và bệnh tim.
Liệu pháp ánh sáng và laser
Laser và liệu pháp ánh sáng sẽ nhắm đến P. Acnes – một loại vi khuẩn gây mụn trứng cá. Liệu pháp này xâm nhập sâu vào trong da mà không ảnh hưởng bề mặt. Bằng cách làm tổn hại đến tuyến bã nhờn, nó khiến cho việc sản xuất dầu thừa bị kìm hãm.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị này gây ra các tranh cãi vì sự an toàn và hiệu quả của nó vẫn chưa được chứng minh.
Thay da hóa học (chemical peeling) và siêu mài mòn da (microdermabrasion)
Microdermabrasion thường được sử dụng để trẻ hóa da và làm giảm thiểu sự xuất hiện của sẹo mụn trứng cá.
Quy trình thay da hóa học sẽ được thực hiện tại các phòng khám chuyên nghiệp. Đây là phương pháp dùng hoạt chất có tính acid thoa lên da, giúp các tế bào da mới hình thành, thay thế các tế bào da cũ, đồng thời hỗ trợ quá trình sản xuất collagen, elastin để làn da căng mịn hơn.
Những phương pháp thẩm mỹ này có thể mang lại nhiều hiệu quả hơn khi kết hợp sử dụng cùng với những phương pháp điều trị mụn trứng cá khác.