backup og meta

Mật ong và quế có giúp điều trị mụn hay không?

Mật ong và quế có giúp điều trị mụn hay không?

Điều trị mụn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chị em mỗi khi chăm sóc da. Mụn có thể gây tổn thương làn da, dai dẳng và tạo cảm giác không tự tin cho những ai đang gặp phải tình trạng này.

Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại thuốc kê đơn có thể đem lại tác dụng trong việc điều trị mụn, nhưng chúng cũng chứa các thành phần hóa học làm khô da. Một số bạn trẻ lại ưu tiên tìm kiếm các biện pháp tự nhiên hoặc sử dụng mặt nạ với nguyên liệu tự nhiên. Và có nhiều ý kiến cho rằng mặt nạ làm từ mật ong và quế có thể điều trị mụn.

Những lợi ích của mật ong và quế

Mật ong với thành phần chủ yếu là đường fructose và glucose. Những loại đường này chứa protein, axit amin, vitamin, khoáng chất và enzyme. Trong nhiều thế kỷ, người ta đã sử dụng mật ong như một phương thuốc chữa bệnh, như được sử dụng để điều trị gàu, bệnh vẩy nến, bỏng và nhiễm nấm. Mật ong cũng được thêm vào nhiều sản phẩm chăm sóc da.

Lý do chính cho việc sử dụng mật ong và quế để điều trị mụn trứng cá là vì nó có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra tình trạng viêm lỗ chân lông.

Các vi khuẩn Proionibacterium acnes hoặc P. Acnes là nguyên nhân chính được tìm thấy trong nhiều mụn đỏ và viêm. Các vi khuẩn này ăn bã nhờn, đó là chất nhờn được tích tụ và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, góp phần phát sinh tình trạng mụn trứng cá.

Và mật ong có một số tính chất hóa học cho phép nó tiêu diệt vi khuẩn, bao gồm:

  • Nồng độ đường cao, gây áp lực lên tế bào vi khuẩn, ngăn chặn khả năng sinh sôi của chúng.
  • Một môi trường axit nơi vi khuẩn không thể dễ dàng phát triển.
  • Các thành phần trong hợp chất keo mà ong sử dụng để xây tổ ong có đặc tính kháng khuẩn.
Đặc tính kháng khuẩn trong mật ong và quế có thể giúp điều trị mụn
Đặc tính kháng khuẩn trong mật ong và quế có thể giúp điều trị mụn

Quế cũng có đặc tính kháng khuẩn. Theo một bài báo trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Dược phẩm, quế có thể tiêu diệt hoặc ức chế các vi khuẩn E. coli, Staphylococcus và Candida albican. Quế cũng có tính chất làm se khít, giúp thu nhỏ lỗ chân lông, có thể làm cho làn da trông mịn màng và đều màu hơn.

Mặt nạ này có hiệu quả không?

Lợi ích của việc sử dụng mật ong và quế như một mặt nạ chưa thực sự được nghiên cứu. Cả hai đã được nghiên cứu riêng biệt về tính năng cũng như khả năng điều trị mụn, nhưng chưa có nghiên cứu nói về việc kết hợp hay trộn lẫn chúng có hiệu quả hay không.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc kết hợp mật ong vào quá trình điều trị mụn chỉ giúp cải thiện 4 trong số 53 người bị mụn.

Sau khi đã nghiên cứu 70 bài viết về quế, có một đánh giá được đưa ra rằng quế có đặc tính kháng khuẩn cũng như các đặc tính chữa lành vết thương. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng quế có thể có đặc tính chống lão hóa ở da.

Chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh được sự hiệu quả của mật ong trong điều trị mụn
Chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh được sự hiệu quả của mật ong trong điều trị mụn

Và một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Nhiệt đới Sinh học châu Á Thái Bình Dương cho thấy mật ong có chứa các enzyme tạo ra hydrogen peroxide, có đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại mật ong đều có tính chất này, ví dụ như mật ong Manuka. Nhưng mật ong Manuka vẫn hiển thị các tác dụng kháng khuẩn vì nó có độ pH thấp và hàm lượng đường cao.

Một bài báo được công bố trên Tạp chí Vi sinh, Miễn dịch và Nhiễm trùng cho thấy một số loại mật ong từ Iran có hoạt tính kháng khuẩn nhiều như một số chất kháng sinh. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong chưa được nghiên cứu rộng rãi về khả năng tiêu diệt vi khuẩn P. Acnes, loại vi khuẩn có xu hướng phát triển mạnh trong nhân mụn.

Giống như nhiều phương pháp điều trị tự nhiên, mật ong và quế là một phương pháp chăm sóc da không được nghiên cứu rộng rãi. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu về tình trạng mụn của mình trước khi sử dụng mặt nạ quế và mật ong, để đảm bảo nó sẽ không ảnh hưởng đến da.

Lưu ý khi sử dụng

Mật ong thường an toàn khi thoa lên da, nhưng một người có thể bị dị ứng với mật ong. Ví dụ về tác dụng phụ của dị ứng có thể bao gồm nổi mề đay, ngứa, sưng và thở khò khè.

Quế cũng có thể gây kích ứng cao cho da. Vì lý do này, điều quan trọng là luôn luôn sử dụng một miếng dán thử nghiệm trên một vùng nhỏ của da tay trước khi đắp mặt nạ mật ong và quế lên toàn bộ khuôn mặt.

Bí quyết điều trị mụn

Khi nói đến việc điều trị mụn, điều quan trọng là giữ cho làn da sạch sẽ, ẩm mượt, không có dầu khiến lỗ chân lông tắc nghẽn và không làm khô da.

Có nhiều phương pháp điều trị mụn tự nhiên lành tình có thể được sử dụng ngoài mặt nạ mật ong và quế, ví dụ như:

  • Tinh dầu cây tràm trà: Dầu cây tràm trà có tác dụng mạnh trong việc chống lại mụn trứng cá, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó giúp làm giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của mụn. Trong một nghiên cứu, việc sử dụng sản phẩm có chứa 5% tinh dầu tràm trà để điều trị mụn cho thấy hiệu quả hơn gấp 3 lần so với các sản phẩm dược mỹ phẩm khác, và đem lại hiệu quả gấp 6 lần trong việc giảm tình trạng mụn sưng đỏ. Dầu tràm được chứng minh có hiệu quả tương đương benzoyl peroxide, thuốc chống mụn trứng cá phổ biến nhất.
  • Chiết xuất trà xanh: Sử dụng các sản phẩm kem dưỡng da có 2% chiết xuất trà xanh có thể giúp giảm mụn trứng cá từ mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Các axit alpha hydroxy: Các axit trái cây tự nhiên này có thể giúp làm thông thoáng lỗ chân lông và thúc đẩy sự phát triển của tế bào da nhưng không làm tăng độ nhạy cảm của da.
Có nhiều mặt nạ tự nhiên lành tính khác ngoài mặt nạ mật ong và quế, đem lại hiệu quả điều trị mụn
Có nhiều mặt nạ tự nhiên lành tính khác ngoài mặt nạ mật ong và quế, đem lại hiệu quả điều trị mụn

Quy trình điều trị mụn có thể bao gồm các bước sau

  • Làm sạch da hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt có thành phần dịu nhẹ và nước ấm.
  • Tùy vào từng loại da mà bạn có thể chọn sản phẩm đặc trị mụn phù hợp với riêng mình.
  • Thoa kem chống nắng không dầu lên da vào buổi sáng để tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
  • Đắp mặt nạ điều trị làm sạch da, như mặt nạ tràm trà, một hoặc hai lần mỗi tuần.

YẾN DƯƠNG / HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can Honey and Cinnamon Treat Acne?

https://www.healthline.com/health/honey-and-cinnamon-for-acne#treatment

Ngày truy cập: 29/08/2019

How Applying Honey to Your Face Can Help Your Skin

https://www.healthline.com/health/honey-for-face

Ngày truy cập: 29/08/2019

Can honey and cinnamon help treat acne?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/315877.php

Ngày truy cập: 29/08/2019

Phiên bản hiện tại

09/01/2020

Tác giả: Yến Dương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng

Nguyên nhân gây mụn cám và cách trị mụn hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Yến Dương · Ngày cập nhật: 09/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo