backup og meta

Bạn đã nặn mụn đúng cách chưa? Cùng tìm hiểu nhé!

Bạn đã nặn mụn đúng cách chưa? Cùng tìm hiểu nhé!

Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ da liễu không khuyến khích bạn trị mụn bằng cách nặn vì có nguy cơ dẫn đến một số biến cố khó lường. Tuy nhiên, đôi khi nặn mụn cũng có thể đem lại kết quả khả quan, chỉ cần bạn nặn mụn đúng cách.

Những nốt mụn xuất hiện trên da trông rất chướng mắt. Điều này khiến không ít người muốn giải quyết chúng ngay lập tức bằng cách nặn mụn, thay vì chờ chúng chín và tự rụng.

Thực tế, các bác sĩ da liễu chưa bao giờ khuyến khích mọi người nặn mụn. Theo họ, đây là biện pháp cuối cùng để điều trị mụn vì thao tác nặn mụn có thể can thiệp vào cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Điều này dẫn đến nguy cơ để lại vết thâm, sẹo cũng như nhiễm trùng sau khi nặng mụn cao hơn.

Nhiều chuyên gia cũng cho biết, bạn không nên tự thử bất kỳ cách nặn nào đối với một số loại mụn, ví dụ như mụn bọc. Mặt khác, đối với những nốt mụn lành hơn như mụn đầu trắng hay đầu đen, bạn có thể loại bỏ chúng nhanh chóng bằng biện pháp nặn mụn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo bạn nặn mụn đúng cách, nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan có nguy cơ phát sinh.

Làm thế nào để nặn mụn đúng cách?

Mụn là “tổ hợp” vi khuẩn cùng bụi bẩn, dầu thừa… mắc kẹt trong lỗ chân lông. Khi bạn nặn mụn, vi khuẩn sẽ lan đến những khu vực khác trên da. Do đó, biện pháp điều trị mụn an toàn nhất là chờ nó tự biến mất. Theo nghiên cứu, da có khả năng tự giải quyết các nốt mụn tốt hơn so với sự can thiệp từ bên ngoài của bạn.

Tuy nhiên, phương pháp này cần nhiều thời gian để thực hiện. Nếu bạn cần nhanh chóng điều trị các loại mụn như mụn đầu trắng hoặc đầu đen, những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn nặn mụn đúng cách.

Nặn mụn đầu đen

Vi khuẩn và mủ trong mụn sẽ chuyển sang màu đen khi tiếp xúc với không khí. Do đó, mọi người gọi loại mụn này là mụn đầu đen. Một trong các đặc tính của mụn đầu đen là lỗ chân lông hở, nên mụn đầu đen dễ nặn hơn so với các loại mụn còn lại.

Nặn mụn đúng cách 1

Bạn có thể muốn tìm hiểu: 3 cách trị mụn đầu đen tại nhà bằng mặt nạ tự nhiên.

Cách thực hiện

  • Hãy bắt đầu bằng cách thoa dung dịch chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide vào khu vực bạn sẽ nặn mụn. Bạn có thể chọn dùng toner (nước hoa hồng) hoặc serum chứa axit salicylic. Benzoyl peroxide thường có trong các sản phẩm đặc trị mụn.
  • Lưu ý bạn cần rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước ấm trước khi để tay tiếp xúc với da mặt.
  • Sử dụng tăm bông và nhẹ nhàng ấn hai bên mụn đầu đen cùng lúc. Lưu ý là không trực tiếp ấn lên mụn nhé.
  • Lúc này, dưới tác dụng của axit salicylic hoặc benzoyl peroxide cùng áp lực từ tăm bông, mụn đầu đen sẽ dễ dàng trồi ra khỏi lỗ chân lông.
  • Tiếp đến, hãy sử dụng toner chứa chiết xuất cây phỉ để làm se da, đồng thời khử trùng khu vực nặn mụn. Ngoài ra, bước này còn có công dụng ngăn ngừa mụn tái phát.

Có thể bạn chưa biết: Toner cho da mụn liệu có thật sự cần thiết

Nặn mụn đầu trắng

Mụn đầu trắng còn được xem là mụn trứng cá dạng nhẹ. Những nốt mụn đầu trắng lớn (có thể thấy phần mủ trắng kẹt trong lỗ chân lông) thường khiến bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình do sự hiện diện của chúng trên da rất bắt mắt người đối diện. Nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề này, các cô gái sẽ muốn biết làm thế nào để nặn mụn đầu trắng đúng cách.

Nặn mụn đúng cách 2

Bạn có thể muốn đọc thêm: Mụn đầu trắng và những điều bạn chưa biết.

Cách thực hiện

  • Đầu tiên, bạn nên rửa tay kỹ trước khi nặn mụn để giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm chéo giữa vi khuẩn gây mụn trên da và vi khuẩn ở tay.
  • Tương tự phương pháp nặn mụn đầu đen, trước hết bạn sẽ cần dùng dung dịch benzoyl peroxide hoặc axit salicylic lên khu vực xuất hiện mụn đầu trắng. Đây là những thành phần có khả năng giảm viêm, đồng thời hỗ trợ quá trình nặn mụn diễn ra thuận lợi hơn.
  • Đối với mụn đầu trắng, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ từ kim y tế để “mở đường” lấy nhân mụn ra ngoài. Bởi vì kim y tế đã tiệt trùng nên bạn có thể bỏ qua bước khử trùng kim. Tuy nhiên, sau khi dùng bạn cần vứt kim ngay, không tái sử dụng.
  • Cẩn thận đâm kim vào phần mủ trắng theo chiều ngang và nhẹ nhàng kéo đầu kim ra.
  • Kẹp bông gòn hoặc bông tẩy trang tiệt trùng giữa hai ngón tay để lấy hết mủ cũng như nhân mụn từ hai bên nốt mụn. Điều này hạn chế tình trạng vi khuẩn bị đẩy lại vào lỗ chân lông.
  • Cuối cùng, đừng quên sát trùng miệng vết thương và chất kháng khuẩn như tinh chất cây phỉ nhé.

Các biện pháp điều trị mụn khác

Nặn mụn đúng cách là phương pháp tương đối an toàn đối với các cô gái muốn giải quyết vấn đề mụn nhọt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến nghị trước khi tiến hành nặn mụn, bạn nên xem xét những lựa chọn thay thế sau:

Đến gặp bác sĩ da liễu

Khi người tiến hành nặn mụn là bác sĩ da liễu, họ sẽ thực hiện quy trình này bằng các dụng cụ đặc hiệu. Ngoài ra, công đoạn nặn mụn cũng sẽ diễn ra trong môi trường vô trùng. Hai yếu tố trên có khả năng giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm trùng da hiệu quả hơn hẳn so với biện pháp tự nặn mụn đúng cách ở nhà.

Áp dụng biện pháp nhiệt

Một chiếc túi chườm nóng hoặc miếng vải tiệt trùng nhúng qua nước nóng và vắt khô có thể làm dịu cơn đau ở khu vực nổi mụn do viêm. Đồng thời, nhiệt còn giúp mở lỗ chân lông dễ dàng. Khi lỗ chân lông mở ra, da có thể tự giải phóng những tác nhân gây hại mắc kẹt ở đây.

Sử dụng thuốc không kê đơn

Một số sản phẩm điều trị mụn không kê đơn có khả năng đẩy nhanh tốc độ trị mụn của da. Điều này nhờ vào các hoạt chất như:

  • Axit salicylic
  • Lưu huỳnh
  • Benzoyl peroxide

Nặn mụn đúng cách 3

Mặt khác, khi áp dụng biện pháp này, các chuyên gia khuyến nghị bạn nên bắt đầu với sản phẩm trị mụn chứa benzoyl peroxide với nồng độ thấp. Làm như vậy cũng sẽ giảm thiểu tình trạng da bị kích ứng với các thành phần trên.

Bạn có thể quan tâm: Tìm hiểu về các sản phẩm trị mụn để lấy lại làn da mịn màng!

Dùng sản phẩm chăm sóc da mụn

Bên cạnh việc giải quyết các nốt mụn khó coi, chăm sóc da mụn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị mụn. Một số sản phẩm chăm sóc da mụn thường được các cô gái tin dùng bao gồm:

  • Baking soda
  • Tinh dầu tràm trà
  • Mặt nạ than hoạt tính

Tổng kết

Theo nhiều chuyên gia, bạn không nên thử nặn một số loại mụn dưới đây, bao gồm:

  • Mụn nhọt (một loại áp xe do nhiễm trùng nang lông)
  • Mụn trứng cá dạng nang
  • Mụn ẩn

Nếu không nhìn thấy đầu trắng hoặc đen ở nốt mụn, bạn tuyệt đối đừng cố gắng nặn chúng. Việc cố tình nặn những nốt mụn chưa chín hoặc thuộc các loại mụn trên có nguy cơ đẩy vi khuẩn đi sâu vào các lớp da bên trong. Điều này không chỉ khiến da tốn nhiều thời gian để chữa lành hơn mà còn có nguy cơ để lại sẹo mụn vĩnh viễn trên khuôn mặt.

Trong một số trường hợp, đôi khi việc nặn mụn không đem lại kết quả tiêu cực, chỉ cần bạn nặn mụn đúng cách. Tuy nhiên, bạn không nên hình thành thói quen này và luôn ghi nhớ vấn đề vệ sinh trước khi thực hiện để tránh nhiễm trùng.

Nặn mụn đúng cách 4

Ngoài ra, bạn còn cần chú ý không trang điểm ở khu vực mụn vừa nặn. Điều này có nguy cơ tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ ở lỗ chân lông.

Nếu mặt thường xuyên nổi mụn, bạn hãy lên lịch hẹn với bác sĩ da liễu để nhanh chóng có biện pháp điều trị. Một số phương pháp sau có thể giúp bạn giảm thiểu sự xuất hiện của mụn, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc trị mụn theo toa
  • Thay đổi chế độ ăn uống hợp lý
  • Dùng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Safely Pop a Pimple, If You Must. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/how-to-pop-a-pimple. Ngày truy cập 29/07/2019.

Popping a Pimple: Should You or Shouldn’t You? https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/should-you-pop-a-pimple. Ngày truy cập 29/07/2019.

Before You Pop a Pimple. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/features/pop-a-zit#1. Ngày truy cập 29/07/2019.

Phiên bản hiện tại

04/01/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng

Giúp bạn bỏ túi 8 cách thu nhỏ lỗ chân lông


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 04/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo