backup og meta

Nguyên nhân bị nấm da và cách trị dứt điểm tại nhà

Nguyên nhân bị nấm da và cách trị dứt điểm tại nhà

Bạn có thể bị nấm da do điều kiện môi trường sống không sạch sẽ hoặc bị lây từ người khác. Cụ thể nguyên nhân bị nấm da là gì? Cách trị nấm tại nhà sao cho dứt điểm? Mời bạn tìm hiểu!

Bị nấm da là gì?

Nấm da là bệnh thường thấy ở Việt Nam do nước ta ở trong vùng nhiệt đới (nóng ẩm), thích hợp cho các vi nấm phát triển. Nấm sống bằng cách ký sinh vào vật chủ như thực vật, động vật và người.

Khi bị nấm da, bạn sẽ thấy da xuất hiện dạng vòng tròn, đóng vảy, sưng đỏ, ngứa ngáy. Theo thời gian, các vòng tròn dần lan rộng ra, chồng chéo lên nhau. Khi gãi ngứa quá nhiều, da có thể gặp tình trạng sưng, chảy nước và tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng hơn.

Những bệnh nấm da thường hay gặp và phổ biến ở Việt Nam bao gồm nấm da đầu, nấm lang ben, hắc lào, nấm bẹn, nấm móng và nấm kẽ.

Các loại bệnh nấm da thường gặp

Một số loại nấm da thường gặp như:

Nấm thân

Còn gọi là nấm gây bệnh hắc lào. Bệnh gây ngứa đỏ, lan rộng thành nhiều hình vòng cung. Bệnh nhân thường ngứa gãi làm lây lan vào vùng da khác. Loại nấm này có khả năng gây bệnh cho người khác qua đồ dùng sinh hoạt như: khăn tắm, quần áo, chăn mềm,…Vì vậy bạn cần giữ vệ sinh và phơi nắng chăn chiếu để hạn chế nấm phát triển gây bệnh.

Nấm móng

Là tình trạng do nấm trichophyton gây nên, tạo vết thương ở góc móng hoặc ở 2 bên canh của móng. Biểu hiện của nấm móng là móng mất màu bóng, trên mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh. Theo thời gian móng bị màu vàng đục. Bệnh có khả năng lây từ móng này sang móng khác.

Bệnh lang ben

Lang ben do nấm pityrosporum gây nên. Nấm bệnh gây ngứa và châm chích khi người bệnh ra nắng hay ra nhiều mồ hôi. Việc điều trị bệnh lang ben tùy thuộc vào sức đề kháng cơ thể, thói quen vệ sinh cũng như độ ẩm và  độ pH của da.

Nấm tóc

Bệnh này do nấm piedra hortae gây nên. Triệu chứng bệnh thường là nhiều hạt màu đen bám vào trên mỗi một sợi tóc và gây tổn thương trên da đầu nhưng không gây rụng tóc. Trên da đầu xuất hiện nhiều vết tròn nhỏ, kích thước bé khoảng từ 3 – 5mm, hoặc bong vảy hay ngứa da vùng đầu,…

Nguyên nhân bị nấm da

Bị nấm da
Bệnh nấm da có thể lây lan từ người này sang người khác khi có tiếp xúc gần hoặc dùng chung vật dụng cá nhân

Bệnh nấm da do vi nấm gây ra và có khả năng lây truyền qua 4 con đường:

  • Người qua người
  • Động vật qua người
  • Tiếp xúc trực tiếp với vi nấm
  • Đồ vật nhiễm nấm lây sang người.

Dưới đây là những nguyên nhân gây bệnh nấm thường gặp.

1. Bị nấm da do thói quen vệ sinh cá nhân kém

Bạn sẽ dễ mắc bệnh nấm da nếu như không vệ sinh cá nhân sạch sẽ trong các trường hợp dưới đây:

  • Không tắm rửa hàng ngày
  • Không gội đầu thường xuyên
  • Không vệ sinh vùng kín sạch sẽ
  • Để tay, chân bẩn ngay sau khi ăn uống, đi vệ sinh.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nấm da do mồ hôi hoặc để da ẩm ướt trong các trường hợp:

  • Để đầu tóc ướt đi ngủ  
  • Mặc đồ lót hoặc quần áo quá chật
  • Không thay quần áo mới ngay sau khi tập thể dục
  • Đi chân trần trên những nơi có nhiều hóa chất tẩy mạnh
  • Sử dụng phòng tắm, hồ bơi, nhà vệ sinh công cộng ẩm ướt
  • Mặc quần áo ẩm ướt khi không được phơi khô dưới trời nắng
  • Không rửa lại chân sau khi chảy mồ hôi do mang giày quá bít…

2. Nguyên nhân bị nấm da: thường xuyên tiếp xúc với hóa chất

Những người bị nấm da thường có hệ miễn dịch yếu. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong sữa tắm, dầu gội đầu, nước rửa chén, nước giặt, dung dịch tẩy rửa đa năng mà không lau khô hay dưỡng ẩm da thì sẽ tạo điều kiện cho nấm sinh trưởng.

Ngoài ra, nếu đang bị nấm mà bạn thường xuyên tiếp xúc với những sản phẩm chứa nhiều hóa chất kích ứng mạnh cũng sẽ khiến cho tình trạng nấm da trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh nấm da

Virus nấm có thể bám trên đồ dùng cá nhân và lây sang người. Do đó, nếu bạn dùng chung đồ đạc với người bị nhiễm nấm thì khả năng nhiễm bệnh là rất cao.

4. Bị nấm da do tiếp xúc với thú cưng

Bị nấm da
Bạn có thể bị nấm da do tiếp xúc với thú cưng

Nấm có thể sống ký sinh trên cơ thể của chó, mèo… Do đó, nếu bạn tiếp xúc với những con vật này thì khả năng cao bạn sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh nấm từ chúng.

5. Tiếp xúc với vùng nhiễm nấm da ở người bệnh khác

Bạn sẽ tăng nguy cơ bị mắc bệnh nếu sống tập thể khi dùng chung chăn, mùng, mền, chiếu, gối… Ngoài ra, bạn cũng sẽ dễ bị nấm da nếu tiếp xúc với vùng nhiễm nấm ở người bệnh qua các hoạt động thể thao hay sinh hoạt hàng ngày.

6. Bị nấm da do sống trong môi trường nóng và ẩm ướt

Môi trường nóng và ẩm ướt ở Việt Nam dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển và dễ khiến bạn mắc bệnh nấm da. Môi trường kiềm có độ pH từ 7 đến 7,2 cũng dễ khiến cho vi nấm sinh sôi.

7. Nguyên nhân bị nấm da: Suy giảm miễn dịch

Người bị suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh về da do bị suy giảm chức năng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và các mối đe dọa khác. Vì thế, đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nấm.

Cách trị nấm da tại nhà

Bị nấm da

Để chữa trị nấm da dứt điểm, bạn cần lưu ý thực hiện những điều dưới đây:

Tuân thủ cách trị nấm da theo chỉ định từ bác sĩ

Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng một số loại thuốc như kem, thuốc mỡ bôi da hoặc bột trị nấm đối với các trường hợp nhẹ. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc đường uống cho bạn và kết hợp dùng kem trị nấm để thoa lên vùng da nhiễm bệnh.

Khi được chỉ định dùng thuốc, bạn cần nên làm đúng theo chỉ định từ bác sĩ để bệnh không tái phát. Tùy vào dạng nấm mà thời gian điều trị bệnh có thể dài khác nhau, dao động từ 1 tuần đến 2 tháng. Vì thế, bạn không nên nản lòng hay bỏ cuộc mà hãy kiên nhẫn trong việc điều trị.

Kiểm soát bệnh nấm da qua lối sống

Lối sống lành mạnh và chăm sóc cá nhân cẩn thận đóng vai trò lớn trong việc trị nấm da tại nhà. Điều này cũng giúp bệnh nấm da không tiếp tục tái diễn. Để trị nấm da dứt điểm, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để không bị nấm da

  • Bạn nên tắm rửa mỗi ngày, vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi ăn uống, đi vệ sinh. Điều bạn cần lưu ý là phải lau khô người cẩn thận sau khi tiếp xúc với nước để cơ thể luôn khô ráo, thoáng mát bởi môi trường ẩm ướt sẽ dễ khiến vi nấm phát triển.
  • Sau khi tập thể dục xong, bạn cần thay quần áo thấm ướt mồ hôi và giặt đồ cẩn thận. Quần áo cần phải được phơi khô dưới nắng, bạn không nên mặc đồ ẩm ướt.

Sử dụng sản phẩm gốc thực vật để nấm da không trở lại

Bạn không nên sử dụng những sản phẩm có chứa hóa chất tẩy mạnh hay mùi hương độc hại khi làm việc nhà và khi tắm rửa bởi những thành phần này sẽ làm bệnh nấm da trở nặng hơn.

Bạn cần cân nhắc và lựa chọn kỹ những sản phẩm tắm gội, nước rửa chén, nước giặt, nước lau đa năng có thành phần từ thiên nhiên lành tính được cơ quan uy tín chứng nhận về độ an toàn khi sử dụng.

Không dùng chung đồ với người khác 

Bị nấm da

Để không bị nấm da, bạn chỉ nên sử dụng đồ cá nhân của mình và không chia sẻ những vật dụng này cho người khác dùng. Nếu ngại, bạn có thể thành thật chia sẻ với người đối diện để bảo vệ sức khỏe chính mình và mọi người xung quanh.

Điều bạn cũng cần lưu ý là thường xuyên vệ sinh đồ đạc cá nhân bằng sản phẩm từ thiên nhiên như quần áo, giày dép, chăn, mùng, mền, chiếu, gối, ly uống nước, bàn chải đánh răng…

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ

Bạn nên giữ nhà cửa sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng, đặc biệt là phòng tắm để tránh môi trường ẩm ướt làm nấm phát triển và gây bệnh.

Khi sử dụng nhà vệ sinh hay phòng tắm công cộng, bạn cần hạn chế để chân trần tiếp xúc với sàn. Thay vào đó, bạn nên mang dép của mình và phơi khô sau khi sử dụng.

Tăng cường hệ miễn dịch

Bạn nên giữ sức khỏe của mình thật tốt để chống lại bệnh tật, đặc biệt là bệnh nấm da. Dưới đây là những cách giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch tại nhà mà bạn nên nghiêm túc thực hiện.

• Cải thiện chế độ ăn uống: Bạn nên ăn nhiều rau, củ, quả, các loại hạt, thực phẩm lợi khuẩn, nấm, tỏi,… Ngoài ra, bạn cần hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá, các chất kích thích.

• Kiểm soát căng thẳng và ngủ sớm: Bạn cần cân bằng công việc và cuộc sống để tránh stress. Ngoài ra, bạn cũng cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc để da khỏe mạnh và bảo vệ sức khỏe tổng thể.  

• Tập thể dục: Bạn hãy dậy sớm và tập thể dục mỗi ngày 30 phút để giúp giảm stress và tăng cường năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Bị nấm da gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để trị bệnh nấm da, điều quan trọng là bạn cần kiên trì chữa bệnh theo chỉ định từ bác sĩ đồng thời giữ vệ sinh cá nhân thật cẩn thận. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ringworm

http://aad.org/public/diseases/a-z/ringworm-treatment

Ngày truy cập: 5/6/2024

Ringworm body: Symptoms and cause

hrrp://mayoclinic.org/diseases-conditions/ringworm-body/symptoms-causes/syc-20353780

Ngày truy cập: 5/6/2024

Fungal ringworm

http://kidshealth.org/en/parents/fungal-ringworm.html

Ngày truy cập: 5/6/2024

Ringworm

http://familydoctor.org/condition/ringworm/

Ngày truy cập: 5/6/2024

Ringworm

http://rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Ringworm/

Ngày truy cập: 5/6/2024

Phiên bản hiện tại

16/07/2024

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lạc Thị Kim Ngân

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

BHA cho da dầu mụn: Những lưu ý về cách chọn và cách dùng

Da nổi mẩn đỏ ngứa: 15 "thủ phạm" và cách kiểm soát hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lạc Thị Kim Ngân

Da liễu · Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 16/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo