Chúng ta đều biết việc chăm sóc da đúng cách, cùng sản phẩm phù hợp sẽ giúp duy trì làn da khoẻ mạnh và mịn màng. Tuy nhiên, không ít người bối rối không biết tẩy da chết trước hay rửa mặt trước trong quy trình chăm sóc da. Vậy nên tẩy da chết trước hay sau khi rửa mặt?
Cùng Hello Bacsi giải đáp tẩy da chết trước hay rửa mặt trước qua bài viết dưới đây!
Tác dụng của tẩy tế bào chết và rửa mặt
Trước khi giải đáp tẩy da chết trước hay rửa mặt trước, bạn cũng cần hiểu lợi ích của mỗi bước chăm sóc da và tại sao chúng ta nên thực hiện phương pháp skincare này.
Tác dụng việc rửa mặt
Rửa mặt là bước làm sạch da cần thiết để giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa trên bề mặt da, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông, từ đó hạn chế các nguy cơ nổi mụn. Đặc biệt, rửa mặt còn giúp duy trì làn da tươi tắn, mịn màng hơn.
Ngoài ra, một số bệnh về da có thể kiểm soát và ngăn ngừa nhờ việc làm sạch da hằng ngày như viêm da dị ứng.
Tác dụng của tẩy tế bào chết
Để hiểu được bản chất việc nên tẩy da chết trước hay rửa mặt trước, bạn cần hiểu rằng việc tẩy tế bào chết là bước chăm sóc da sâu và có tác dụng:
- Thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn: Nguyên nhân gây mụn thường do các tế bào chết tích tụ lại, làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn. Do đó, tẩy tế bào chết còn là phương pháp hỗ trợ ngừa mụn hiệu quả.
- Tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất và thuốc: Khi loại bỏ hết các tế bào da chết, bụi bẩn và dầu thừa ở dưới da, các thành phần của kem dưỡng ẩm hoặc thuốc bôi trị mụn sẽ thẩm thấu và phát huy hiệu quả hơn.
- Cho da mịn màng: Tẩy da chết không chỉ loại bỏ tế bào sừng già cõi bên ngoài mà còn kích thích sản sinh tế bào mới, cho da mịn màng, sáng khoẻ hơn.
- Da săn chắc: Tẩy tế bào chết cũng là một cách kích thích sản xuất collagen, tăng độ đàn hồi cho da.
Tẩy da chết trước hay rửa mặt trước?
Với câu hỏi “tẩy da chết trước hay rửa mặt trước”, bạn nên sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch da mặt trước rồi tẩy da chết sau đối với tẩy tế bào chết vật lý dạng hạt, crub,…. Việc rửa mặt trước sẽ giúp loại bỏ lớp bụi bẩn và dầu trên bề mặt da, tạo tiền đề để tẩy tế bào chết đảm nhiệm việc làm sạch sâu hiệu quả hơn.
Hơn hết, bước tẩy da chết sẽ giúp lấy đi lớp dầu thừa, lớp trang điểm hoặc tế bào chết ở dưới sâu còn sót lại, cũng như giúp tế bào mới phát triển mà việc rửa mặt đơn thuần không thực hiện được. Đối với tẩy tế bào chết hoá học ví dụ Acid glycolic, acid salicylic,… bạn nên tẩy trang rửa mặt làm sạch da tốt sau đó là tới bước tẩy tế bào chết, để sản phẩm trên da 5-10 phút sau đó đến các bước chăm sóc da tiếp theo.
Quy trình chăm sóc da đúng cách, hiệu quả
Để làm rõ hơn việc tẩy da chết trước hay rửa mặt trước, bạn có thể tham khảo các bước chăm sóc da dưới đây:
Bước 1: Làm sạch da: Tẩy trang + sữa rửa mặt
Để có thể lấy lớp makeup dễ dàng hơn, bạn nên dùng bông tẩy trang thấm nước tẩy trang, lau trực tiếp lên da theo hướng từ dưới lên. Sau đó, dùng sữa rửa mặt để massage nhẹ nhàng lên da theo hình tròn, rồi rửa lại sạch với nước. Lưu ý nên rửa tay bằng xà bông trước khi tiếp xúc với da mặt.
Bước 2: Toner (tuỳ chọn)
Tùy vào lựa chọn của mỗi người, bạn có thể sử dụng toner hoặc không. Theo chuyên gia, nếu không dùng nước tẩy trang để làm sạch thì bạn có thể dùng toner để lấy bụi bẩn và lớp trang điểm mà sữa rửa mặt không lấy được. Đặc biệt, toner có xu hướng phù hợp cho da dầu hơn, vì một số sản phẩm chứa cồn có thể lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da, dẫn đến khô hoặc kích ứng.
Bước 3: Tẩy tế bào chết
Thông thường, quá trình tẩy da chết thường sử dụng các hoạt chất như axit salicylic, glycolic, cũng như các enzym và retinol giúp hỗ trợ loại bỏ các tế bào không lành mạnh và hình thành các tế bào da khỏe mạnh mới (tẩy tế bào chết hóa học).
- Axit glycolic: Đây là thành phần phổ biến trong các sản phẩm tẩy tế bào chết tại chỗ, ở nồng độ lên đến 10%.
- Axit salicylic: Thành phần này hoạt động vừa là chất tẩy tế bào chết, vừa có khả năng giảm viêm, chống mụn trứng cá. Bạn có thể sử dụng axit salicylic ở nồng độ lên đến 2%.
Ngoài tẩy tế bào chết hóa học, tẩy da chết cơ học là phương pháp sử dụng công cụ chuyên dụng như lăn kim hoặc sản phẩm dạng hạt như tẩy tế bào chết bằng cà phê. Tuy nhiên, những người có da mụn nên cân nhắc vì phương pháp này có thể gây kích ứng cho da, làm cho mụn trứng cá nghiêm trọng hơn.
Lưu ý bạn không nên tẩy tế bào chết thường xuyên để tránh gây khô da, mà có thể bắt đầu với tần suất 1-2 lần/tuần tùy vào tình trạng của mỗi làn da.
Bước 4: Dưỡng ẩm
Đây là bước cuối không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da buổi tối. Vì da dễ bị khô sau khi tẩy tế bào chết, nên bước cấp ẩm bằng kem dưỡng có chứa ceramide hoặc axit hyaluronic sẽ giúp làm dịu da, đồng thời giữ ẩm cho da suốt cả đêm.
Lưu ý khi tẩy tế bào chết theo từng loại da
Không phải ai cũng nên tẩy tế bào chết giống nhau, điều này còn tùy vào loại da và tình trạng da khác nhau mà bạn nên cân nhắc phương pháp tẩy da chết đúng cách:
- Làn da khô, nhạy cảm hoặc dễ bị mụn trứng cá: Bạn nên thực hiện tẩy tế bào chết hóa học nhẹ, tránh tẩy da chết cơ học để hạn chế gây kích ứng quá mức da.
- Da dầu: Có thể sử dụng phương pháp peel da hóa học mạnh hơn hoặc tẩy da chết cơ học (cần có tham vấn của bác sĩ da liễu về liều lượng và cách làm)
- Người có màu da tối màu, da bị bỏng, côn trùng cắn cũng nên hạn chế áp dụng các phương pháp tẩy da chết mạnh.
Bên cạnh lựa chọn cách tẩy tế bào chết, bạn cũng nên lưu ý tìm các sản phẩm chăm sóc da sữa rửa mặt, dưỡng ẩm hợp với loại da của mình.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “tẩy da chết trước hay rửa mặt trước”, để từ đó có thể chăm sóc da đúng quy trình cho làn da khoẻ và sáng mịn tự nhiên!