backup og meta

6 nguyên nhân khiến da mặt sần sùi nhiều mụn cám và cách điều trị dứt điểm

6 nguyên nhân khiến da mặt sần sùi nhiều mụn cám và cách điều trị dứt điểm

Da mặt sần sùi nhiều mụn cám không những làm kém thẩm mỹ trên khuôn mặt, mà còn phản ánh cách chăm sóc da và sức khỏe bên trong của bạn. Nếu phát hiện sớm nguyên nhân khiến da bị sần sùi nổi mụn và điều trị đúng cách, da có thể sớm phục hồi để mịn màng, khỏe mạnh trở lại.

Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu cụ thể nguyên nhân khiến da mặt sần sùi nhiều mụn cám và cách khắc phục hiệu quả ngay sau đây!

6 nguyên nhân khiến da mặt sần sùi nhiều mụn cám

1. Rối loạn nội tiết tố

Da mặt sần sùi nhiều mụn cám có thể do những thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể kích thích tăng sản xuất chất nhờn trên da gây mụn cám. Tình trạng này thường gặp ở các giai đoạn như:

  • Thai kỳ
  • Tuổi dậy thì
  • Thời điểm có kinh nguyệt
  • Phụ nữ sử dụng các thuốc có tác động đến hormone như thuốc tránh thai.

Da mặt sần sùi nhiều mụn cám

2. Vệ sinh da mặt sai cách

Nếu nhận thấy da mặt sần sùi nhiều mụn cám hơn trước, có thể bạn cần chú ý hơn về cách chăm sóc da mặt hằng ngày. Việc rửa mặt quá nhiều hoặc sử dụng loại sữa rửa mặt có chứa hóa chất mạnh có thể làm mất cân bằng lượng dầu tự nhiên trên da, dẫn đến da phải tăng sinh thêm dầu để bù đắp lại. Điều này khiến các nang lông tiết nhiều dầu gây mụn.

3. Không tẩy tế bào chết

Tẩy tế bào chết có tác dụng giúp thông thoáng lỗ chân lông. Ngược lại, nếu bạn không tẩy tế bào chết định kỳ, vi khuẩn, bã nhờn, tế bào da chết, kem chống nắng tích tụ lại quá lâu sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và bùng phát mụn. Lúc này, da không những sần sùi nhiều mụn cám, mà có thể dẫn đến mụn viêm.

4. Lạm dụng mỹ phẩm

Một số mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm chứa corticoid có thể gây tổn thương da nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại kem dưỡng không phù hợp với tình trạng da cũng có thể khiến da mặt bị sần sùi. Do đó, phái đẹp cần lựa chọn cẩn thận các sản phẩm làm đẹp chất lượng, phù hợp với tình trạng da để tránh làm da mặt sần sùi nhiều mụn cám.

5. Chế độ ăn uống và lối sống

Da mặt sần sùi nhiều mụn cám có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang có lối sống và chế độ ăn thiếu lành mạnh. Thói quen thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn dầu mỡ, cay nóng sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động và tăng tiết dầu, khiến da sần sùi, nổi nhiều mụn cám, mụn viêm hơn.

Để sở hữu làn da mịn màng, việc chăm sóc da bên ngoài là không đủ, bạn cần duy trì thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh cải thiện sức khỏe tổng thể. Từ đó, sức khỏe làn da cũng được hưởng lợi.

6. Căng thẳng

Căng thẳng do học tập, làm việc kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động hormone nội tiết bên trong, làm tăng tiết bã nhờn, gây mụn cám, khiến làn da trở nên sần sùi.

Stress khiến da mặt sần sùi nhiều mụn cám

Cách điều trị da mặt sần sùi nhiều mụn cám

Để khắc phục tình trạng da mặt sần sùi nhiều mụn cám, bạn nên xác định nguyên nhân cụ thể để có cách xử lý phù hợp, bao gồm:

Chăm sóc da mỗi ngày đúng cách

Bạn nên tẩy trang và cấp ẩm cho da vào cuối ngày, trước khi đi ngủ.

Da mặt sần sùi nhiều mụn cám

Tẩy da chết định kỳ

Bạn có thể sử dụng các loại kem tẩy tế bào chết có chứa AHA (Alpha Hydroxy Acids) hoặc BHA (Beta Hydroxy Acids) giúp loại bỏ tế bào chết và làm thông thoáng lỗ chân lông trên bề mặt da. Lưu ý tần suất tẩy tế bào chết chỉ nên 1 lần/tuần để tránh tẩy da quá mức, làm tổn thương da. Bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết về cách tẩy tế bào chết AHA, BHA

Sử dụng sản phẩm chăm sóc da chuyên biệt

Nếu tình trạng da mặt sần sùi nhiều mụn cám ngày càng nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa acid salicylic hoặc benzoyl peroxide giúp làn da sạch lỗ chân lông và giảm vi khuẩn gây mụn cám.

Ngoài ra, các sản phẩm chứa niacinamide hoặc retinoid có thể hiệu quả trong việc cải thiện da sần sùi và cho da mịn màng, tươi khỏe hơn.

Hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn

  • Hạn chế chạm tay vào mặt: Bạn tuyệt đột không tự ý nặn mụn để tránh gây mụn viêm và để lại sẹo trên da.
  • Thay ga giường, vỏ gối và gội đầu thường xuyên để hạn chế vi khuẩn từ những nơi này tiếp xúc với da.

Giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh

  • Luôn uống đủ lượng nước khoảng 2 – 2.5 lít/ngày để da được cấp ẩm đủ mỗi ngày.
  • Duy trì thói quen đi ngủ sớm, xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và thực phẩm giàu vitamin dưỡng chất, nuôi dưỡng da khỏe từ bên trong.

Thăm khám với bác sĩ da liễu

Nếu bạn đã chăm sóc da rất cẩn thận, sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp, cũng như thay đổi lối sống lành mạnh nhưng tình trạng da mặt sần sùi nhiều mụn cám không cải thiện, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và kê đơn thuốc hoặc liệu pháp phù hợp.

Tóm lại, việc điều trị da mặt nổi hạt sần sùi và mụn có thể mất một thời gian và sự kiên nhẫn chăm sóc da và làm theo hướng dẫn của chuyên gia để đạt được kết quả tốt nhất. Hy vọng bạn đọc đã hiểu được nguyên nhân cũng như có được cách khắc phục da mặt sần sùi nhiều mụn cám phù hợp để phục hồi làn da tươi trẻ, mịn màng như mong muốn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Whiteheads

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22039-whiteheads

Ngày truy cập: 11/10/2023

Clogged Pores

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22773-clogged-pores

Ngày truy cập: 11/10/2023

What can treat large facial pores

https://www.aad.org/public/everyday-care/skin-care-secrets/face/treat-large-pores

Ngày truy cập: 11/10/2023

Treat different types of acne

https://www.aad.org/public/diseases/acne/diy/types-breakouts

Ngày truy cập: 11/10/2023

Whiteheads

https://www.mountsinai.org/health-library/symptoms/whiteheads

Ngày truy cập: 11/10/2023

Comedonal acne

https://dermnetnz.org/topics/comedonal-acne

Ngày truy cập: 11/10/2023

Phiên bản hiện tại

18/10/2023

Tác giả: Trần Thùy Linh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mụn cám ở trán: Nguyên nhân và cách khắc phục

Da mặt bị ngứa sần sùi phải làm sao? 8 cách điều trị an toàn, hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 18/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo