backup og meta

Vắc xin HPV là gì? Vì sao cần phải tiêm HPV cho trẻ?

1. Tìm hiểu về HPV và vắc xin HPV là gì2. Vì sao cần tiêm HPV cho trẻ?3. Tác dụng của việc tiêm HPV cho trẻ em4. Các loại vắc xin HPV ở trẻ em và lịch tiêm chi tiết5. Tác dụng phụ thường gặp sau tiêm HPV cho trẻ và cách xử lý6. Tiêm HPV cho trẻ bao nhiêu tiền? Tiêm ở đâu?7. Các câu hỏi thường gặp về tiêm HPV cho trẻKết luận

Virus HPV là nguyên nhân chính gây ra mụn cóc sinh dục và nhiều loại ung thư nguy hiểm, đặc biệt là ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Tuy nhiên, không chỉ người lớn mới có nguy cơ nhiễm virus này – trẻ em và trẻ vị thành niên cũng có thể bị lây nhiễm nếu không được bảo vệ sớm. Việc tiêm HPV cho trẻ từ sớm chính là cách chủ động giúp con phòng tránh các nguy cơ trên một cách hiệu quả và lâu dài.

Vậy virus HPV là gì? Lây truyền ra sao và tại sao nên tiêm vắc xin HPV cho trẻ? Mời bố mẹ cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây để có quyết định đúng đắn, bảo vệ sức khỏe tương lai cho con từ hôm nay.

1. Tìm hiểu về HPV và vắc xin HPV là gì

HPV (hay Human Papilloma Virus) là một loại virus gây u nhú ở người. Hầu hết các chủng virus HPV đều vô hại, tuy nhiên, vẫn có khoảng hơn 40 chủng virus HPV, đặc biệt là 14 chủng virus có nguy cơ cao gây ra một số bệnh về đường sinh dục nguy hiểm như: ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo…

Do đó, việc tiêm vắc xin HPV cho trẻ để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm là cực kỳ cần thiết. Đây là loại vắc xin bảo vệ cơ thể trước mụn cóc sinh dục và đa số các trường hợp ung thư do HPV gây ra. Việc tiêm vắc xin HPV xây dựng cho hệ thống miễn dịch của trẻ nhận thức đối với một số chủng HPV. Nhờ đó, cơ thể dễ dàng loại bỏ các chủng virus đó hơn trong trường hợp mắc phải.

Tiêm HPV cho trẻ để bảo vệ con trước nguy cơ nhiễm mụn cóc sinh dục.
Tiêm HPV cho trẻ để bảo vệ con trước nguy cơ nhiễm mụn cóc sinh dục.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

2. Vì sao cần tiêm HPV cho trẻ?

Việc tiêm vắc xin HPV giúp cho trẻ ngăn ngừa sự lây nhiễm của HPV, cũng như mụn cóc sinh dục và các loại ung thư nguy hiểm gây ra bởi virus này. Trên cơ sở đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo cho trẻ em nên tiêm vắc xin HPV ở độ tuổi 11 hoặc 12, tuy nhiên từ 9 tuổi là đã có thể bắt đầu tiêm vắc xin.  

HPV lây chủ yếu qua đường tình dục, do đó cần phải cho trẻ tiêm vắc xin HPV trước khi bước vào độ tuổi tuổi dậy thì. Điều này là do, khi một người đã bị nhiễm HPV, thì việc tiêm vắc xin có thể không còn hiệu quả như ban đầu.

3. Tác dụng của việc tiêm HPV cho trẻ em

Tiêm vắc xin HPV cho cả bé trai và bé gái trong khoảng từ 9 – 12 tuổi có thể ngăn ngừa hơn 90% các bệnh ung thư liên quan đến HPV khi bé lớn lên. Do đó, phòng ngừa HPV từ sớm là việc làm vô cùng cần thiết.

Việc tiêm vắc xin HPV thường được khuyến nghị cho các bé gái. Bởi tiêm vắc xin giúp bảo vệ bé trước nguy cơ loại virus này phát triển ung thư cổ tử cung và các bệnh lý nguy hiểm do HPV gây ra trong tương lai.

Có nên tiêm HPV cho bé trai không? Việc tiêm phòng vẫn là rất cần thiết. Theo CDC, nam giới có tỉ lệ mắc HPV cao hơn nữ giới ở bất kỳ chủng loại nào. HPV từ đó có thể dẫn đến ung thư dương vật, hậu môn, đầu và cổ cho bé.

Trẻ từ 9 - 12 tuổi là đã có thể bắt đầu tiêm HPV.
Trẻ từ 9 – 12 tuổi là đã có thể bắt đầu tiêm HPV.

4. Các loại vắc xin HPV ở trẻ em và lịch tiêm chi tiết

Hiện nay, Gardasil và Cervarix là những vắc xin HPV phổ biến có tác dụng ngăn ngừa virus gây u nhú ở trẻ em. Hai loại vắc xin này chỉ khác nhau về số chủng virus mà mỗi loại có thể ngăn ngừa.

Gardasil 4 chủng 

Loại vắc xin này bảo vệ cơ thể trước 4 chủng virus gây u nhú ở người là 6, 11, 16 và 18. Nó này phù hợp cho người từ 9 – 26 tuổi, nhằm phòng tránh mụn cóc sinh dục, ung thư ở cổ tử cung, âm đạo, âm vật và ung thư hậu môn.

Lịch tiêm Gardasil 4 chủng gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: ngày tiêm mũi đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Gardasil 9 chủng

Vắc xin Gardasil 9 bảo vệ cơ thể khỏi 9 loại virus HPV gồm: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Đây là những chủng có khả năng gây bệnh ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục. Lịch tiêm vắc xin HPV Gardasil 9 chủng cho trẻ và người lớn sẽ khác nhau theo từng độ tuổi, cụ thể như sau:

Nhóm từ 9 – 14 tuổi:

  • Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm.
  • Mũi 2: Ít nhất 2 tháng sau mũi đầu tiên.
  • Mũi 3: Ít nhất 4 tháng sau mũi đầu tiên.

Đối với vắc xin HPV cho thanh thiếu niên, tức là nhóm từ 15 – 45 tuổi thì:

  • Mũi 1: ngày tiêm mũi đầu tiên.
  • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
  • Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

Cervarix 

Loại vắc xin HPV này bảo vệ chúng ta trước 2 chủng virus gây u nhú ở người là 16 và 18. Đồng thời, nó cũng được sử dụng cho nữ giới trong độ tuổi từ 10 – 25 nhằm phòng tránh ung thư cổ tử cung.

Lịch tiêm Cervarix gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.
  • Mũi 2: 1 tháng sau mũi đầu tiên.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.

5. Tác dụng phụ thường gặp sau tiêm HPV cho trẻ và cách xử lý

Nhìn chung, tiêm vắc xin HPV cho trẻ cũng gây ra những dấu hiệu như tiêm các loại vắc xin khác, tiêu biểu như:

  • Sốt.
  • Buồn nôn.
  • Đau cơ hoặc khớp.
  • Giảm cảm giác thèm ăn. 
  • Đau đầu hoặc cảm thấy mệt mỏi.
  • Đau, đỏ hoặc sưng ở cánh tay nơi tiêm.
  • Chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

Sau khi tiêm ngừa HPV, nếu trẻ có dấu hiệu sốt từ 38,5°C trở lên, bạn hãy dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol) với liều dùng phù hợp. Đối với các vết tiêm bị sưng, đỏ, bạn có thể chườm lạnh xung quanh vùng da đó. 

Còn với các triệu chứng toàn thân thông thường như mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc đau cơ, thì nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước là các biện pháp xử lý hiệu quả nhất.

Sau khi tiêm HPV, bé có thể sốt, buồn nôn hoặc sưng tấy quanh vùng da tiêm.
Sau khi tiêm HPV, bé có thể sốt, buồn nôn hoặc sưng tấy quanh vùng da tiêm.

6. Tiêm HPV cho trẻ bao nhiêu tiền? Tiêm ở đâu?

Tại Việt Nam, các cơ sở y tế thường cung cấp hai loại vắc xin HPV dùng để tiêm cho trẻ là Gardasil 4 và Gardasil 9. Cụ thể, giá tiêm HPV theo từng loại như sau:

  • Gardasil 4: 1.790.000.
  • Gardasil 9: 2.950.000.

Tiêm HPV ở đâu? Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và tiêm vắc xin HPV cho trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ tiêm phòng HPV tại các trung tâm tiêm chủng uy tín, hoặc các bệnh viện có dịch vụ tiêm chủng cho trẻ em.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bạn còn có thể đến Viện Pasteur, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, Bệnh viện Nhiệt đới… để làm thủ tục tiêm vắc xin HPV cho trẻ.

7. Các câu hỏi thường gặp về tiêm HPV cho trẻ

7.1. Có nên tiêm HPV cho bé trai không?

Câu trả lời là “Có”. Bởi vì theo CDC, nam giới có tỉ lệ mắc HPV cao hơn nữ giới ở bất kỳ chủng loại nào. HPV ở nam giới có thể dẫn đến ung thư dương vật, hậu môn, đầu và cổ.

7.2. Có nên tiêm HPV cho bé gái không?

Có, bạn nên tiêm HPV cho bé gái. Vì HPV có liên quan đến hơn 90% ca ung thư hậu môn và cổ tử cung, khoảng 70% ca ung thư âm đạo và âm hộ, 70% ca ung thư vòm họng và hơn 60% ca ung thư dương vật. Do đó việc tiêm vắc xin HPV cho trẻ phòng ngừa các loại bệnh này.

7.3. Tiêm HPV cho trẻ từ bao nhiêu tuổi?

Sau khi biết được lợi ích của việc tiêm vắc-xin HPV sớm, bố mẹ lưu ý trẻ từ 9 tuổi đã có thể bắt đầu tiêm. Theo khuyến nghị của CDC, trẻ tốt nhất nên tiêm vắc xin này trong khoảng từ 11 – 12 tuổi.

7.4. Tiêm HPV bao nhiêu mũi?

Theo lịch tiêm của CDC thì các số mũi tiêm ở các bé sẽ dao động theo độ tuổi, cụ thể là:

  • Trẻ em từ 9–14 tuổi đã tiêm 2 liều vắc xin HPV, nhưng các mũi cách nhau dưới 5 tháng thì bé sẽ cần tiêm liều thứ ba.
  • Trẻ em từ 11 – 12 tuổi nên tiêm 2 liều vắc xin HPV, mỗi mũi cách nhau 6 đến 12 tháng. Bé chỉ cần tiêm 2 liều sau nếu liều đầu tiên được tiêm trước sinh nhật lần thứ 15.
  • Ngoài ra, những người từ 15 – 26 tuổi có thể sẽ cần tiêm 3 mũi vắc xin HPV [9].

7.5. Trước khi tiêm HPV cho trẻ cần làm gì?

Nhìn chung, trước khi cho trẻ đi tiêm vắc xin HPV, bố mẹ lưu ý những điều sau đây:

  • Tránh để bụng đói. Việc nhịn ăn trước tiêm có thể làm lượng đường trong máu giảm, khiến cơ thể mệt mỏi và giảm khả năng chịu đau khi tiêm. 
  • Tránh căng thẳng quá mức. căng thẳng quá mức có thể dẫn đến một số phản ứng sau tiêm như: chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, ngất xỉu,…
  • Kiêng sử dụng rượu bia hay các chất kích thích trước và vào ngày tiêm. Bởi thức uống có cồn gây những tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, ức chế hoạt động của các tế bào bạch cầu và gây ảnh hưởng đến hiệu quả tiêm phòng.

Kết luận

Như vậy, trên đây là những thông tin mà bạn cần biết về việc tiêm vắc xin HPV cho trẻ. HPV là một loại virus phổ biến và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm về đường sinh dục cho bé, vì vậy bố mẹ hãy đưa bé đi tiêm càng sớm càng tốt nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Human papillomavirus (HPV)

https://www.nhs.uk/conditions/human-papilloma-virus-hpv/ 

Ngày truy cập: 21/5/2025.

HPV Vaccines

https://www.cancer.org/cancer/risk-prevention/hpv/hpv-vaccines.html 

Ngày truy cập: 21/5/2025.

HPV Vaccine

https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/21613-hpv-vaccine 

Ngày truy cập: 21/5/2025.

HPV Vaccination

https://www.cdc.gov/hpv/vaccines/index.html 

Ngày truy cập: 21/5/2025.

Prevalence of HPV in Adults Aged 18–69: United States, 2011–2014

https://www.cdc.gov/nchs/products/databriefs/db280.htm 

Ngày truy cập: 21/5/2025.

HPV vaccine: Who needs it, how it works – Mayo Clinic 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hpv-infection/in-depth/hpv-vaccine/art-20047292 

Ngày truy cập: 21/5/2025.

Phiên bản hiện tại

23/05/2025

Tác giả: Uyên Trần

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Uyên Trần · Ngày cập nhật: 23/05/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo