backup og meta

Bakuchiol: Dưỡng chất dưỡng da triển vọng có thể thay retinol?

Bakuchiol: Dưỡng chất dưỡng da triển vọng có thể thay retinol?

Mặc dù không có gì bàn cãi về công dụng của retinol trong việc chăm sóc da, nhưng chúng ta cũng biết rằng các sản phẩm chứa retinol có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm. Thay vào đó, bakuchiol – một thành phần có nguồn gốc thực vật mạnh mẽ liệu có thể “soán ngôi” retinol và trở thành hoạt chất “chân ái” dành cho da nhạy cảm? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết sau đây nhé!

Bakuchiol là gì?

Bakuchiol là một chiết xuất thảo mộc thường được sử dụng trong các loại thuốc y học cổ truyền Ayurvedic của Ấn Độ và Trung Quốc. Tiến sĩ Debra Jaliman – trợ lý giáo sư khoa Da liễu tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai khẳng định rằng bakuchiol là một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong hạt và lá của cây Psoralea Corylifolia.

bakuchiol là gì

Do đó, bakuchiol có thể mang đến đặc tính chữa lành và làm dịu da nhờ các đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Dựa theo nghiên cứu 2019 kéo dài 12 tuần, trong khi nhóm đầu tiên được cho sử dụng retinol có nồng độ 0.5% 1 lần vào buổi tối, thì nhóm thứ 2 được cho thoa bakuchiol 0.5% 2 lần mỗi ngày. Kết quả cho rằng không có sự khác biệt nào được tìm thấy giữa retinol và bakuchiol trong việc điều trị nếp nhănchứng tăng sắc tố da, vì người tham gia đều cho rằng hiệu quả là tương đương nhau. Tuy nhiên, những người dùng retinol báo cáo về tình trạng khô và gây châm chích da trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác đã cho thấy về sự cải thiện về nếp nhăn, sắc tố da và độ đàn hồi, săn chắc của da khi sử dụng bakuchiol.

Công dụng của bakuchiol là gì?

Theo 1 nghiên cứu trên Tạp chí Da liễu Anh, bakuchiol không chỉ đem lại hiệu quả tương tự như retinol trong việc cải thiện các nếp nhăn và tình trạng da không đồng đều mà còn ít gây kích ứng hơn. Tương tự như retinol, bakuchiol cũng kích hoạt con đường di truyền trong tế bào da để tạo ra một số loại collagen có ích cho sức khỏe làn da và chống lão hóa. Tuy nhiên, bakuchiol không làm giảm kích thước của các tuyến dầu và điều đó đồng nghĩa với việc thành phần này sẽ không gây khô hoặc làm kích ứng da

Ngoài ra, trong khi retinol có thể khiến da nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng thì bakuchiol lại giúp làn da ít nhạy cảm hơn khi gặp các tia gây hại từ mặt trời. Cho dù bạn chọn sử dụng retinol hay bakuchiol để chăm sóc cho da thì hãy luôn nhớ thoa kem chống nắng vào ban ngày để giảm thiểu tác động tổn hại da đến mức thấp nhất.

Theo nghiên cứu được đề cập trước đây trên Tạp chí Da liễu Anh, những người được điều trị bằng bakuchiol đã cho thấy những cải thiện đáng kể về nếp nhăn, sắc tố da và độ đàn hồi cho da. Đồng thời, bakuchiol cũng tăng cường đặc tính chống lại sự xuất hiện của mụn trứng cá.

công dụng của bakuchiol

  • Làm đều màu da. Bakuchiol thấm sâu vào da giúp làm giảm sự xuất hiện của các đốm đen hoặc các vùng da bị tăng sắc tố.
  • Giảm sự xuất hiện của nếp nhăn. Giống như retinol, bakuchiol kích thích các tế bào tạo ra collagen, để từ đó làm “đầy đặn’ làn da của bạn và giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn.
  • Không gây khô da hoặc kích ứng. Trong khi retinol và các thành phần chăm sóc da khác có thể làm khô da hoặc gây kích ứng, bakuchiol mang đến những đặc tính chăm sóc da nhẹ nhàng hơn. Thành phần này có thể phù hợp với hầu hết mọi loại da, đặc biệt dành cho da nhạy cảm.
  • Tăng tốc độ tái tạo tế bào da. Bakuchiol gửi tín hiệu đến các tế bào nhằm thúc đẩy tăng cường sản xuất collagen và đổi mới, thay thế tế bào.
  • Làm dịu và chữa lành da. Bằng cách thúc đẩy sự thay đổi và tái tạo tế bào da khỏe mạnh, bakuchiol giúp làm dịu và chữa lành làn da của bạn từ trong ra ngoài.

Tác dụng phụ 

Hiện tại, không có nghiên cứu nào phản ánh bất kỳ tác dụng phụ khi sử dụng bakuchiol. Bên cạnh đó, bakuchiol vẫn được sử dụng khá an toàn dành cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các bằng chứng nghiên cứu khoa học được đưa ra để đảm bảo bakuchiol an toàn khi sử dụng trong quá trình mang thai hoặc cho con bú.

Bakuchiol vs Retinol: Đâu là sự lựa chọn phù hợp với bạn

Điều này phụ thuộc vào sở thích cá nhân, nhu cầu chăm sóc da của mỗi người. Như chúng ta đã biết, bakuchiol có ưu điểm là không gây kích ứng cho da, và cũng không có bất kỳ nhược điểm nào khi được sử dụng lên da. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bakuchiol có thực sự hiệu quả như retinol truyền thống hay không. Một đánh giá 2006 cho thấy retinol đã được nghiên cứu từ năm 1984 và đã được thử nghiệm với nhiều người tham gia hơn so với bakuchiol.

Tuy vẫn chưa có nhiều dữ liệu về bakuchiol, nhưng thành phần này vẫn mang đến nhiều hứa hẹn trong các sản phẩm chăm sóc da. Đặc biệt có thể an toàn sử dụng cho những bạn có làn da yếu, nhạy cảm và tổn thương. Song, đối với những bạn đang tìm kiếm các sản phẩm điều trị mang đến tác dụng mạnh và nhanh thì nên cân nhắc việc sử dụng các sản phẩm có dẫn xuất retinoid. Cụ thể, có những nhóm cần kê toa như Tretinoin (dạng bôi), Isotretinoin (dạng uống) hoặc Retinol nồng độ thấp (0.5%), Retinaldehyde, Adapalene không cần kê toa.

Cách sử dụng bakuchiol

cách sử dụng serum bakuchiol

Bạn có thể thoa bakuchiol dưới dạng serum hoặc kem dưỡng da. Nếu bạn chọn mua bakuchiol dưới dạng serum thì hãy thoa sản phẩm lên làn da sau khi được làm sạch, nhưng hãy áp dụng trước bước thoa kem dưỡng ẩm.  

Do đặc tính của bakuchiol ít khắc nghiệt hơn retinol, nên bạn có thể sử dụng thành phần này vào cả buổi sáng và tối để đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, vì thành phần tự nhiên của bakuchiol khá lành tính nên bạn hãy yên tâm khi kết hợp nó với hầu hết các sản phẩm chăm sóc da khác trong quy trình skincare của bạn.

>>> Bạn có thể quan tâm: Emulsion là gì? Cách sử dụng Emulsion trong quy trình skincare sáng – tối

Nên và không nên kết hợp với thành phần nào?

Các thành phần dưỡng ẩm cho da như squalanePHAs có thể kết hợp tốt với bakuchiol (tương tự retinol). Trong khi đó, axit glycolic, axit salicyliccó thể làm giảm đi hiệu quả ban đầu của nó.


Bakuchiol được xem là khá lành tính cho làn da nhạy cảm hoặc khi bạn đang sử dụng cùng lúc với nhiều loại thuốc bôi ngoài da. Đối với những bạn có làn da khỏe và đàn hồi tốt hơn, bạn vẫn có thể kết hợp nó với các thành phần chăm sóc da khác. Sau 1 khoảng thời gian cho da tự làm quen và “thích nghi”, bạn thậm chí có thể kết hợp cả retinol và bakuchiol để thúc đẩy hiệu quả dưỡng da tốt hơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức về retinol hay bakuchiol sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho làn da bạn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bakuchiol Suppresses Inflammatory Responses Via the Downregulation of the p38 MAPK/ERK Signaling Pathway https://www.mdpi.com/1422-0067/20/14/3574 Ngày truy cập: 23/3/2022

Bakuchiol: a retinol-like functional compound revealed by gene expression profiling and clinically proven to have anti-aging effects https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/ics.12117 Ngày truy cập: 23/3/2022

Kong R, et al. (2015). A comparative study of the effects of retinol and retinoic acid on histological, molecular, and clinical properties of human skin. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/10.1111/jocd.12193 Ngày truy cập: 23/3/2022

Mukherjee S, et al. (2006). Retinoids in the treatment of skin aging: An overview of clinical efficacy and safety. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/labs/pmc/articles/PMC2699641/ Ngày truy cập: 23/3/2022

Characteristics of bakuchiol – the compound with high biological activity and the main source of its acquisition – Cullen corylifolium (L.) Medik https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14786419.2020.1837813?journalCode=gnpl20 Ngày truy cập: 23/3/2022

Comparison of the Cosmetic Effects of Bakuchiol and Retinol https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT03112863 Ngày truy cập: 23/3/2022

Phiên bản hiện tại

14/04/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Astringent là gì? Nên chọn Astringent hay Toner dưỡng da tốt hơn?

Essence là gì? Công dụng của Essence đối với làn da ít ai ngờ đến


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 14/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo