Nước tiểu có mùi hôi bất thường ở nữ có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Việc hiểu đúng và phát hiện sớm căn nguyên khiến cho nước tiểu có mùi hôi rất quan trọng nhằm sớm có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời tránh những biến chứng xấu xảy ra.
Thông thường nước tiểu của mỗi người sẽ có mùi khai đặc trưng. Sự thay đổi về mùi nước tiểu đôi khi không phải là vấn đề nghiêm trọng mà đó có thể bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có mùi hôi bất thường dù đã sự điều chỉnh trong chế độ ăn uống thì đó có thể là rối loạn tiềm ẩn trong hệ tiết niệu hoặc chuyển hóa.
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi hôi
Nước tiểu có mùi hôi ở nữ đôi khi bị nhầm lẫn với tình trạng mùi hôi vùng kín do viêm âm đạo. Theo các bác sĩ sản phụ khoa, phụ nữ gặp vấn đề nước tiểu có mùi lạ thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Nguyên nhân sinh lý
- Những loại thực phẩm như măng tây, hành, tỏi, cà phê nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ làm cho nước tiểu có mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên, mùi hôi sẽ không còn nữa khi những thực phẩm này được tiêu hoá hết. Trường hợp mùi nước tiểu không đổi sau 12 giờ kể từ sau khi ăn bạn nên gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân.
- Mất nước cũng là nguyên nhân phổ biến khiến cho nước tiểu có mùi hôi nồng ở nữ. Lý do vì nước tiểu càng cô đặc thì lượng amoniac và các chất thải khác tích luỹ ngày càng nhiều dẫn đến nước tiểu nặng mùi và trở nên sẫm màu hơn bình thường. Lúc này bạn nên uống đủ từ 1,5 – 2 lít nước nhằm duy trì chức năng thận và hoà loãng nước tiểu. Lưu ý, nếu việc thiếu nước xảy ra liên tục có kèm theo tình trạng mệt mỏi, rối loạn thần kinh, suy nhược cơ thể thì bạn nên can thiệp y tế kịp thời để tránh rủi ro sức khỏe.
- Những người đang sử dụng Vitamin B6 (Pyridoxine) hoặc kháng sinh nhóm Amoxicillin cũng có thể gặp vấn đề nước tiểu có mùi hôi và đổi màu. Bạn có thể yên tâm vì hiện tượng này chỉ mang tính chất tạm thời và không đáng lo ngại
- Phụ nữ mang thai thường nước tiểu sẽ có mùi lạ ở những tuần đầu thai kỳ do sự thay đổi nồng độ hormone hCG tăng cao. Bên cạnh đó, cơ thể mất nước trong quá trình mang thai sẽ khiến acid uric tích luỹ làm cho nước tiểu có mùi hôi nồng. Do đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung nước đầy đủ.
2. Nguyên nhân bệnh lý
- Rò bàng quang âm đạo là bệnh lý với sự xuất hiện lỗ thông giữa bàng quang với âm đạo khiến cho vi khuẩn xâm nhập từ đường ruột đến bàng quang gây hiện tượng nước tiểu có mùi hôi nồng ở nữ. Bệnh này có thể xảy ra do các bệnh liên quan đến ruột hoặc chấn thương hậu phẫu thuật
- Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân làm cho nước tiểu có mùi ngọt bởi sự tăng đường huyết . Biểu hiện này thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường chưa trải qua điều trị hoặc không kiểm soát đường huyết tốt.
- Nhiễm trùng nấm men nặng khiến nấm phát triển quá mức ở âm đạo và âm hộ cũng có khả năng gây nước tiểu có mùi hôi. Nguyên nhân do nấm tiếp xúc với nước tiểu tạo phản ứng hoá học sản sinh ra những chất tạo mùi hôi khó chịu.
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) thường có biểu hiện tiểu buốt kèm tiết dịch có mùi. Mức độ mùi hôi của nước tiểu sẽ tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh.
- Người bị suy giảm chức năng gan, thận cơ thể sẽ không đào thải hoàn toàn được amoniac hay ure dẫn đến các chất này tích luỹ trong nước tiểu tạo mùi hăng nồng bất thường.
- Người mắc bệnh Phenylketon niệu (một dạng rối loạn chuyển hoá mang tính di truyền) cơ thể cũng không tự phân giải acid amin Phenylalanin làm cho chất này tồn tại lâu trong cơ thể gây mùi lạ ở nước tiểu.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để biết nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiến hành làm các xét nghiệm kiểm tra, chẩn đoán. Tại đây, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm phổ biến như:
- Tổng phân tích nước tiểu: nhằm phát hiện vi khuẩn gây bệnh cũng như các chỉ số bình thường/bất thường trong nước tiểu từ đó căn cứ để ra kết luận bạn có đang mắc phải bệnh lý nào hay không.
- Nội soi bàng quang: là kỹ thuật đưa ống rỗng có gắn camera ở đầu đi xuyên qua ngả niệu đạo để khảo sát các bất thường tại đường tiểu dưới (bao gồm bàng quang và niệu đạo). Phương pháp này sẽ cho biết chính xác các bệnh lý đường tiết niệu bạn đang gặp phải.
- Kỹ thuật hình ảnh: như siêu âm hoặc chụp X-quang sẽ được cân nhắc trong trường hợp nước tiểu có mùi hôi quá nặng sau 12 giờ hoặc tổng phân tích nước tiểu cho kết quả bất thường.
Mách bạn cách xử lý khi nước tiểu có mùi hôi khó chịu
Để cải thiện tình trạng nước tiểu có mùi hôi ở nữ, bạn có thể tham khảo những phương pháp sau:
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp bằng cách xây dựng thực đơn lành mạnh, hạn chế các thực phẩm gây mùi mạnh, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây giàu vitamin C nhằm hỗ trợ hệ tiết niệu khoẻ mạnh.
- Bổ sung từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để giảm nồng độ amoniac và thải độc cơ thể hiệu quả. Ngoài nước lọc, bạn có thể cân nhắc sử dụng nước hoa quả hoặc thảo mộc để đổi vị và tăng hiệu quả làm sạch đường tiết niệu.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ với các dung dịch có nồng độ pH thích hợp, tránh thụt rửa quá sâu vì điều này sẽ gây mất cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên tại âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Đi khám ngay nếu mùi hôi không cải thiện dù đã điều chỉnh thói quen sinh hoạt hoặc có thêm các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu ra máu, sốt cao hoặc nước tiểu sẫm màu.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ liên quan đến chủ đề nước tiểu có mùi hôi ở nữ. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và việc hiểu rõ căn nguyên gây bệnh sẽ giúp ích cho bạn trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình và người thân yêu.
Nếu phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn đừng ngần ngại đến bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn phù hợp.
----------------
❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!