Kể chuyện thiếu nhi đêm khuya ngủ ngon hay và ý nghĩa
Trẻ nhỏ rất thích nghe ba mẹ kể chuyện mỗi tối. Nhất là những câu chuyện trước khi đi ngủ sẽ mang tới rất nhiều những lợi ích khác nhau. Vì thế, ba mẹ hãy bổ sung 10 mẩu chuyện ngắn để kể chuyện thiếu nhi đêm khuya cho bé yêu ngủ ngon. Và giúp tuổi thơ con có thêm nhiều màu sắc nhé:
1.Câu chuyện “Cảm ơn anh hà mã”
Dê rủ cún vào rừng chơi, khi quay về thì bị lạc đường. Gặp cô hươu, dê hỏi:
– Cô kia, về làng đi lối nào?
– Không biết. – Hươu lắc đầu, bỏ đi.
Đi tiếp tới một con sông, thấy anh hà mã, dê nói to:
– Bọn tôi muốn về làng, hãy đưa bọn tôi qua sông!
Hà mã phật ý, định bỏ đi. Thấy vậy, cún nói:
– Chào anh hà mã, anh giúp bọn em qua sông được không ạ?
– Được chứ! Em ngoan quá! – Hà mã vui vẻ nói.
– Cảm ơn anh! – Cún đáp rồi quay sang nói nhỏ với dê:
– Cậu quên lời cô dặn rồi à? Muốn ai đó giúp, phải hỏi một cách lịch sự [2], còn khi họ giúp mình, phải nói “cảm ơn”!
Dê con hơi xấu hổ. Sang bên kia sông, dê nói với hà mã:
– Cảm ơn anh đã giúp. Em biết mình sai rồi. Em xin lỗi ạ!
Hà mã mỉm cười:
– Em biết lỗi là tốt rồi. Giờ các em cứ đi theo đường này là về làng thôi.
“Cảm ơn anh hà mã” là câu chuyện ý nghĩa, giáo dục các bạn nhỏ phải luôn nói chuyện lịch sự, lễ phép đối với người lớn, và biết cảm ơn khi được họ giúp đỡ.
2.Câu chuyện “Cánh chim báo mùa xuân”
Bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông sống trên bốn ngọn núi. Năm ấy không hiểu vì sao, mùa đông kéo dài lê thê. Muôn loài khổ sở vì rét, bèn cử chim công có sắc đẹp lộng lẫy nhất đi đón nàng tiên mùa xuân. Nhưng đường xa, gió lạnh, công bị ốm, phải quay về.
Sư tử liền đi thay công. Cậy khỏe, sư tử đi không nghỉ, nhưng rồi đuối sức dần, không đi tiếp được.
Chim én nói:
– Mẹ cháu ho ngày càng năng. Không có nắng ấm mùa xuân, mẹ cháu khó qua khỏi. Cháu xin đi!
Muông thú đồng ý. Chim én mẹ nhổ lông cánh tết thành chiếc áo choàng cho con. Én con bay mãi, bay mãi, cuối cùng cũng đến chỗ ở của nàng tiên mùa xuân. Én con thấy một chú chim co ro bên đường liền cởi áo choàng đắp cho bạn. Chú chim bỗng biến mất, nàng tiên mùa xuân hiện ra:
– Con thật hiếu thảo, nhân hậu và dũng cảm! Ta chọn con làm sứ giả của mùa xuân.
Én con trở về cùng nàng tiên mùa xuân. Từ đó, mỗi khi thấy chim én bay liệng, muôn loài biết rằng mùa xuân sắp về.
“Cánh chim báo mùa xuân” là câu chuyện ngợi ca lòng hiếu thảo và giải thích cho chúng ta biết vì sao mỗi khi chim én bay liệng lại báo hiệu mùa xuân sắp về.
3.Câu chuyện Sự tích cây Nhân Sâm
Ngày xưa, có hai vợ chồng người tiều phu nghèo khổ, làm lụng vất vả quanh năm. Tờ mờ sáng đã ra đi làm, đến tối mịt mới về nhà mà cũng không kiếm đủ gạo ăn. Hai vợ chồng có một đứa con trai còn nhỏ, mỗi ngày để ở nhà cho một phần cơm chỉ ăn vừa lưng dạ.
Trong cảnh thiếu ăn đó, hai vợ chồng lấy làm ngạc nhiên nhận thấy con mình ngày một béo tốt, hồng hào khỏe mạnh như đã được chăm nuôi tẩm bổ khác thường. Đứa con còn bé chưa nói năng gì được nên cha mẹ nó muốn hỏi han về sức khỏe lạ lùng của con cũng đành chịu.
Được vài năm đứa bé lớn lên như thổi, bắt đầu biết trò chuyện, cha mẹ nó mới hỏi xem phần cơm mỗi ngày để dành cho con ăn có đủ không. Thằng bé trả lời chẳng biết mùi cơm ra sao vì cứ mỗi khi cha mẹ nó vừa đi khỏi nhà là bầy khỉ ở rừng kéo đến ăn sạch cơm.
Hai vợ chồng người tiều phu quá nỗi kinh ngạc, hỏi con trong mấy năm trời không cơm ăn mà sao lại được khỏe mạnh như vậy. Đứa con ngây thơ mới kể cho hay rằng trong lúc cha mẹ nó vắng nhà, có một thằng bé láng giềng cũng trần truồng như nó, vẫn đến chơi đùa, và chính đứa bé đáng yêu kia đã truyền sức khỏe sang cho nó.
Nghe con nói như thế, cha mẹ nó lại càng lấy làm lạ, nghi hoặc thêm, vì chung quanh ấy lối mươi dặm chẳng có nhà cửa của ai cả. Người tiều phu nghĩ ngợi, đoán chừng đứa bé đến chơi với con mình là Người Sâm (Nhân Sâm), hồn của cây sâm mọc quanh quẩn gần đâu đây.
Đến sáng hôm sau, người tiều phu đi ra chợ mua một cuộn chỉ tơ mang về dặn dò con là hễ thằng bé kia đến chơi thì lấy chỉ buộc vào chân hoặc tay nó. Đứa con hứa sẽ làm theo lời cha bảo. Qua ngày hôm sau, vợ chồng người tiều phu đi khỏi nhà như lệ thường, song không vào rừng lấy củi mà rình nấp gần đấy. Nhân Sâm lại đến túp lều chơi với thằng bé con người tiều phu, cũng như mọi ngày, và đứa bé theo lời cha dặn, lấy chỉ buộc vào cổ tay bạn.
Vào lúc giữa trưa, hai vợ chồng người tiều phu ra khỏi chỗ nấp, đột ngột trở về nhà, bắt gặp cả hai đứa bé đang nô đùa. Thằng bé Sâm vội vàng bỏ chạy rồi biến mất vào cây. Người tiều phu lần theo dấu chỉ đã buộc vào cổ tay Nhân Sâm mà tìm ra được cây Sâm. Tham và ngốc, gã hấp tấp đào xới quá mạnh tay làm chết mất thằng bé Sâm và chỉ lấy được từng miếng rễ cây sâm. Cũng vì thế mà ngày nay người ta chỉ có được các nhánh rễ sâm mường tượng hình dáng người.
Người Sâm chết vì sự vụng về của gã tiều phu. Từ đó Sâm không còn công hiệu giúp cho người ta được trường sinh bất tử nữa, mà uống Sâm chỉ được bồi dưỡng sức khỏe thôi.
Sự tích cây Nhân Sâm là câu chuyện cổ tích Việt Nam, phê phán những kẻ vô ơn, lòng dạ tham lam, không biết gìn giữ, quý trọng những gì giá trị của tự nhiên.
4.Câu chuyện “Đẽo cày giữa đường”
Xưa có một người thợ mộc bỏ ra ba trăm quan tiền về mua gỗ để làm cái nghề đẽo cày mà bán. Cửa hàng anh ta mở bên đường. Ai qua đó cũng ghé vào coi.
Người này thì nói: “Phải đẽo cho cao, cho to, thì mới dễ cày“. Anh ta cho là phải, đẽo cày vừa to vừa cao.
Người khác lại nói: “Có đẽo nhỏ hơn, thấp hơn thì mới dễ cày“. Anh ta cho là phải, lại đẽo cày vừa nhỏ, vừa thấp.
Sau lại có người bảo: “Nay ở trên ngàn, hiện có người đang phá hoang bao nhiêu đồng ruộng và cày tính bằng voi cả. Nếu đẽo cày cho thật cao, thật to gấp đôi gấp ba thế này để voi cày được, bày ra hàng bán thì chắc là bán được nhiều lắm, mà rồi lãi vô vàn“.
Người thợ mộc nghe nói, liền đẽo ngay một lúc bao nhiêu cày to gấp năm, gấp bảy thứ thường bày ra bán. Nhưng qua bao nhiêu ngày tháng, chẳng thấy ai đến mua cho một cái nào, cũng chẳng thấy ai nói voi đi cày ruộng cả. Thành có bao nhiêu gỗ hỏng bỏ hết và bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma sạch. Người thợ mộc bây giờ mới biết dễ nghe người là dại. Nhưng quá muộn rồi, không sao chữa được nữa!
Bởi truyện này mới có câu tục ngữ rằng: “Đẽo cày giữa đường” để nói những người hay để tai nghe làm theo thiên hạ đến nỗi mất cả cơ nghiệp.
“Đẽo cày giữa đường” là truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Việt Nam, nhắc nhở chúng ta phải có chính kiến, đừng nghe theo ý kiến của thiên hạ.
5.Câu chuyện dê và cáo
Trong một khu rừng nọ, có một con sư tử rất hung bạo, sống trong một cái hang lớn và chứa nhiều thức ăn. Một hôm, con sư tử đi ra khỏi hang. Nhân lúc đó, một con cáo đã lẻn vào và ăn tất cả thức ăn có trong hang. Con cáo nghĩ: “Ước gì ngày nào mình cũng được ăn uống no say như thế này”.
Sau khi đánh chén no nê, cáo đi dạo xung quanh và tận hưởng cảm giác lâng lâng khi mới ăn một bữa ngon lành. Đột nhiên, con cáo bất ngờ té xuống. Khi hoàn hồn lại, con cáo phát hiện ra rằng mình đã rơi xuống một cái giếng sâu nhưng không có nhiều nước.
Lúc đầu, cáo rất tức giận với bản thân và tự trách tại sao mình lại không cẩn thận như vậy. Sau đó, nó cố gắng leo ra ngoài nhưng không thành công. Bỗng nhiên, cáo nghe thấy một giọng nói từ trên vọng xuống: “Cậu đang làm gì ở đó vậy?”. Cáo ngước lên nhìn và nhận ra rằng đó là con dê. Mừng quá, cáo nói: “Cậu biết không, tớ ở làng kế bên nhưng đang gặp hạn hán. Do đó, tớ phải nhảy xuống đây để lấy nước uống”.
Nghe vậy, dê nhảy xuống giếng ngay lập tức. Lợi dụng điều đó, cáo đã nhanh chóng dựa vào những cái sừng dài của dê để leo lên khỏi giếng. Cáo quay lại nói: “Cậu thật ngốc. Nếu có hạn hán, thì những con chim đã thông báo với muông thú trong rừng rồi”.
Ý nghĩa của câu chuyện vừa kể cho bé: Không bao giờ tin tưởng ai đó một cách mù quáng
Thông qua 5 câu chuyện này mẹ hãy lưu lại để kể chuyện thiếu nhi đêm khuya cho bé mỗi đêm trước khi ngủ nhé. Việc kể chuyện mỗi tối sẽ mang lại nhiều lợi ích và ý nghĩa, bé sẽ rất vui và hạnh phúc nếu bố và mẹ cùng nhau kể chuyện cổ tích bé nghe.
❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!
Chuyện hà mã mình mới nghe lần đầu
chuyện hay quá, lưu lại ngay thôi