Chiều cao, cân nặng của bé gái 11 tuổi: bao nhiêu thì chuẩn?
Theo biểu đồ tăng trưởng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, chiều cao và cân nặng trung bình ở các bé gái 11 tuổi sẽ là:
- Cân nặng trung bình: Khoảng 36 - 46kg.
- Chiều cao trung bình: Khoảng 144 - 152 cm.
Tuy nhiên, mỗi bé có thể sẽ có tốc độ phát triển khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của bé. Ngoài ra, một vài bé gái có thể chứng kiến sự tăng trưởng nhảy vọt trong khoảng từ 10 - 14 tuổi. Điều này khiến bé tăng trung bình đến 2,5 - 5 cm/năm.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng của bé gái 11 tuổi
Chiều cao và cân nặng của bé không chỉ phụ thuộc vào di truyền mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác:
- Di truyền. Bé có thể thừa hưởng các đặc điểm thể trạng như chiều cao và cân nặng từ bố mẹ. Mặc dù các chuyên gia ước tính gen di truyền chiếm 80% trong việc xác định chiều cao, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và môi trường vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé.
- Nội tiết tố. Ở tuổi 11, các bé gái có thể bước vào giai đoạn tiền dậy thì. Lúc này, cơ thể bắt đầu sản xuất nhiều hormone sinh dục nữ (đặc biệt là estrogen), gây thúc đẩy sự phát triển của xương và cơ, khiến chiều cao và cân nặng có sự biến đổi rõ rệt so với giai đoạn trước.
- Dinh dưỡng. Chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ các dưỡng chất là yếu tố then chốt giúp bé gái 11 tuổi phát triển chiều cao và cân nặng.
- Giấc ngủ. Hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất khi bé ngủ sâu, đặc biệt là vào ban đêm. Vì vậy, đảm bảo bé có giấc ngủ đủ và chất lượng là rất quan trọng.
- Hoạt động thể chất. Những hoạt động như chạy nhảy, bơi lội hay chơi thể thao đều giúp kích thích sự phát triển xương và cơ, có lợi cho chiều cao và cân nặng của bé gái 11 tuổi.
Mẹ nên làm gì để hỗ trợ bé phát triển chiều cao và cân nặng tối ưu?
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để phát triển hiệu quả chiều cao và cân nặng, bé 11 tuổi cần phải nhận đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết (protein, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất) trong bữa ăn hàng ngày. Mẹ có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp.
- Thiết lập thói quen ngủ. Nhằm hỗ trợ bé ngủ ngon, ngủ sâu, mẹ hãy tập thói quen ngủ đúng giờ cho bé. Đồng thời, bé không nên chơi điện tử trong vòng 1 tiếng trước khi đi ngủ để giúp tinh thần được thư giãn hơn.
- Khuyến khích vận động. Việc vận động không chỉ tăng cường phát triển cơ và xương, mà còn giúp bé tiêu hao năng lượng hiệu quả, từ đó ngủ sâu và ăn uống ngon miệng hơn.
- Theo dõi sự phát triển thường xuyên. Mẹ nên ghi chép chiều cao và cân nặng của bé định kỳ để theo dõi sự phát triển của bé. Ngoài ra, mẹ hãy cho bé thăm khám định kỳ để đảm bảo bé đang phát triển bình thường.
- Theo dõi tâm lý và cảm xúc của bé. Đặc biệt, độ tuổi dậy thì cũng mang đến nhiều thay đổi tâm lý phức tạp, khiến bé trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều. Điều này cũng thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao, cân nặng của bé gái 11 tuổi. Do đó, mẹ hãy lắng nghe, hỗ trợ con trong giai đoạn “tiền thiếu nữ” này nhé!
Khi nào mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ?
Trong quá trình theo dõi sự phát triển chiều cao, cân nặng của bé gái 11 tuổi, nếu mẹ nhận thấy bé có những dấu hiệu sau thì nên đưa bé đi khám để được tư vấn kịp thời:
- Chiều cao hoặc cân nặng của bé tăng chậm, hoặc không tăng trong một thời gian dài.
- Bé thường mệt mỏi, biếng ăn hoặc có dấu hiệu bất thường khác về sức khỏe.
- Nếu đã có kinh nguyệt, bé bị rối loạn kinh nguyệt: lượng máu kinh nhiều hoặc ít hơn bình thường, thời gian hành kinh dài hơn 8 ngày, khoảng cách giữa các kỳ kinh ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày…
❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!