Nhận biết các dấu hiệu ung thư cổ tử cung ngay từ đầu sẽ giúp phụ nữ sớm phát hiện bệnh và tiếp nhận điều trị, từ đó hạn chế những rủi ro khôn lường, bao gồm cả tử vong. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết các triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu gồm những gì.
Vậy, bạn đã biết đâu là dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung chưa? Hãy để HelloBacsi mách bạn 6 triệu chứng không thể bỏ qua trong trường hợp này bằng bài viết sau nhé.
1. Chảy máu âm đạo bất thường cảnh báo ung thư ở cổ tử cung
Taraneh Shirazian, bác sĩ sản phụ khoa tại New York, cho biết một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung là chảy máu âm đạo, dù cho bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hay ở giai đoạn mãn kinh. Hiện tượng này chứng tỏ có một khối u trên cổ tử cung đang âm thầm phát triển và lan rộng sang các cơ quan khác.
Vì thế, nếu bạn gặp phải một trong những dấu hiệu: bỗng nhiên chảy máu âm đạo dù chưa đến kỳ kinh nguyệt, chảy máu đúng chu kỳ nhưng lượng máu ít hoặc nhiều hơn hẳn, chảy máu âm đạo ở các thời điểm trái với tự nhiên như khi đang mang thai, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh… hãy nghĩ đến khả năng ung thư cổ tử cung và đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
2. Dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt do ung thư cổ tử cung
Một chu kỳ kinh nguyệt được xem là bình thường khi có độ dài 28–35 ngày, thời gian hành kinh từ 3–5 ngày. Máu kinh đỏ sẫm, không đông và có mùi tanh nhẹ. Bạn được xem là rong kinh khi kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày/lần hành kinh hoặc có kinh trên 2 lần/tháng, kinh nguyệt ra quá ít hoặc quá nhiều, đau vùng xương chậu và đau bụng dưới liên tục. Khi ấy, bạn đừng xem nhẹ mà hãy nghĩ tới khả năng mình mắc phải một căn bệnh phụ khoa nào đó, tệ hơn nữa là ung thư cổ tử cung.
3. Dịch tiết âm đạo bất thường: một dấu hiệu khác của ung thư cổ tử cung
Dịch âm đạo (còn gọi là huyết trắng) sẽ không có gì đáng ngại khi có độ dai như lòng trắng trứng, trong và không màu. Với bệnh ung thư cổ tử cung, bạn có thể nhận thấy dịch tiết ra có mùi hôi, màu hồng/nâu hoặc kèm theo máu, đôi khi huyết trắng có màu đục như mủ mà ta có thể lầm lẫn với viêm nhiễm phụ khoa thông thường.
4. Ung thư cổ tử cung có thể gây đau vùng chậu, lưng hoặc chân
Đau dữ dội hoặc dai dẳng vùng chậu chính là dấu hiệu về sự thay đổi ở cổ tử cung. Thậm chí ở giai đoạn nặng hơn, các tế bào ung thư cổ tử cung còn lan đến bàng quang, ruột, gan và phổi, gây ra những cơn đau âm ỉ, đôi lúc dữ dội.
Còn nếu đau lưng và chân mãi không dứt, đừng lý giải theo kiểu: “Ngồi nhiều, ít vận động” mà hãy nghĩ tới căn bệnh nguy hiểm này. Bởi lẽ, ung thư cổ tử cung khi di căn sang xương cột sống sẽ nhanh gây chèn ép rễ thần kinh chi phối cảm giác vùng chậu hông và 2 chân.
5. Mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung
Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân vô cớ (mất tới 5–10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng mà không áp dụng phương pháp giảm cân nào)… là biểu hiện chung của các bệnh ung thư. Ở giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung, bạn cũng sẽ có dấu hiệu này.
Tại sao ư? Khi âm đạo chảy máu bất thường (một trong các triệu chứng chính của ung thư cổ tử cung), lượng hồng cầu và oxy trong cơ thể cũng sụt giảm theo, khiến cơ thể mất đi một lượng máu không nhỏ gây ra tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
Song sẽ không có gì đáng lo nếu bạn bị mệt mỏi mãn tính và không kèm theo sụt cân, chán ăn. Nếu vẫn cảm thấy chưa yên tâm, bạn nên đi kiểm tra để chắc chắn mình không bị ung thư cổ tử cung đe dọa.
6. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung không thể bỏ qua: Bất thường trong tiểu tiện
Bất kỳ sự thay đổi trong thói quen tiểu tiện, chẳng hạn như rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi hoặc vận động mạnh do nước tiểu rò rỉ qua âm đạo, có máu trong nước tiểu, đau khi đi tiểu… đều có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung. Nếu đúng là bạn mắc căn bệnh này, nghĩa là tế bào ung thư đã lan đến các bộ phận khác như đường tiểu, đường ruột trong cơ thể mà nếu không tinh ý, bạn sẽ dễ dàng cho qua.
Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Nỗi ám ảnh ung thư cổ tử cung sẽ không còn đe dọa bạn được nữa nếu bạn lên kế hoạch phòng tránh căn bệnh này. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, chẳng hạn như:
Khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Việc làm này không chỉ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà còn giúp điều trị kịp thời các bệnh liên quan đến đường sinh dục. Làm phết tế bào cổ tử cung Pap’s test bắt đầu từ năm 21 tuổi, ít nhất mỗi 3 năm, hiệu quả hơn khi phối hợp với xét nghiệm HPV test.
Tiêm vắc xin HPV
Nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư cổ tử cung là nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) – một loại virus phổ biến gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cho nên, trong giai đoạn 9–26 tuổi, bạn nên tiêm vắc xin HPV để phòng tránh ung thư cổ tử cung. Những phụ nữ dưới 45 tuổi đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm nhưng hiệu quả của vắc xin sẽ giảm đáng kể.
Quan hệ tình dục an toàn
Ở lứa tuổi vị thành niên, khả năng tự bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh của cơ thể chưa hoàn thiện và bạn có nguy cơ lây nhiễm virus HPV khá cao. Đây cũng là giai đoạn các bộ phận trong cơ quan sinh dục đang hoàn thiện và trở nên nhạy cảm nhất. Do đó tránh quan hệ tình dục quá sớm, với nhiều bạn tình.
Ngoài ra, sử dụng bao cao su bất cứ khi nào bạn quan hệ tình dục sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV, tuy nhiên đây không phải là biện pháp an toàn 100%.
Kiểm soát cân nặng góp phần ngăn chặn ung thư cổ tử cung
Khoa học chứng minh chất béo dư thừa có khả năng làm tăng nồng độ estrogen (hormone sinh dục nữ chính). Sự gia tăng không kiểm soát này là yếu tố dẫn tới nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Chẳng những vậy, thừa cân – béo phì còn là căn nguyên của nhiều bệnh nguy hiểm khác như ung thư tử cung, tiểu đường, tim mạch…
Xây dựng lối sống lành mạnh
Luôn giữ tinh thần lạc quan, tránh stress là việc đầu tiên bạn nên làm. Ngoài ra, bạn cũng cần tập luyện thể thao thường xuyên nhằm tăng cường hệ miễn dịch, từ đó hạn chế các dấu hiệu ung thư cổ tử cung xảy ra. Quan trọng hơn, vùng kín là khu vực cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt.
Hạn chế dùng thuốc tránh thai đường uống do thuốc tránh thai, cùng với HPV, góp phần gây nên các biến đổi gen tại cổ tử cung làm thay đổi ác tính tế bào cổ tử cung. Sử dụng thuốc tránh thai càng lâu thì càng tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, đặc biệt là khi thời gian sử dụng kéo dài trên 5 năm.
Một chế độ ăn uống khoa học góp phần phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả
Trái cây và rau chứa nhiều vitamin, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Nhờ vậy, chế độ ăn nhiều rau củ quả sẽ làm tăng hệ miễn dịch, chống lại các virus một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, bạn chớ coi thường tác hại của chất kích thích (có trong bia, rượu, cà-phê…). Nếu có thể, hãy tránh xa chúng.
Tránh xa thuốc lá giúp giảm thiểu rủi ro mắc bệnh ung thư cổ tử cung
Thuốc lá làm tăng gấp 2 lần nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nhiều nghiên cứu cho rằng các sản phẩm của thuốc lá gây tổn thương DNA của tế bào cổ tử cung và có thể gây nên ung thư cổ tử cung.
Ung thư không chừa một ai, nhất là những người có tiền sử ung thư hoặc lối sống không lành mạnh. Đối với ung thư cổ tử cung, cách tốt nhất để bạn không mắc phải là hiểu rõ về căn bện bệnh này, từ đó có biện pháp tầm soát và phòng ngừa hiệu quả. Luôn biết cách tự bảo vệ sức khỏe của mình, bạn sẽ tránh xa các loại bệnh tật nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng.
[embed-health-tool-bmi]