backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Bong gân ngón tay cùng cách chữa hiệu quả

Tham vấn y khoa: BS CKII Trần Trọng Thắng · Chỉnh hình · Phòng khám Đa khoa MSC - Hà Nội


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 23/08/2023

Bong gân ngón tay cùng cách chữa hiệu quả

Tuy bong gân ngón tay không thường gặp nhưng một khi xảy ra sẽ làm bạn khó chịu, không thể sử dụng linh hoạt ngón tay. Bong gân ngón tay cái thường xảy ra nhất vì đây là ngón tay có biên độ vận động linh hoạt và đảm nhận hơn 50% sức mạnh của bàn tay.

Cùng tìm hiểu về tình trạng này và cách điều trị qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Bong gân ngón tay là gì?

Bong gân ngón tay là một chấn thương phổ biến có thể gây đau, sưng và khó cử động ngón tay. Tình trạng này xảy ra khi những dây chằng ngón tay bị căng quá mức hoặc rách.

Bong gân ngón tay và gãy xương ngón tay có gì khác nhau?

Gãy xương ngón tay sẽ gây đau dữ dội và sưng kéo dài hàng giờ, thậm chí nhiều ngày. Ngược lại, bong gân ngón tay thường đau nhưng nó không nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ phân biệt dựa trên khám trực tiếp, hỏi triệu chứng và chụp X quang xương ngón tay.

Đối với gãy xương ngón tay, bạn có thể có xương nhô ra, thậm chí sẽ lộ ra ngoài da. Một người có thể nghe thấy tiếng nứt hoặc tiếng bật ra khi di chuyển ngón tay nếu bị gãy ngón tay.

Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn cố gắng di chuyển ngón tay. Ngón tay bị bong gân sẽ có một số phạm vi chuyển động nhất định. Tuy nhiên, nếu bị gãy ngón tay, bạn sẽ khó có thể di chuyển nó.

Triệu chứng thường gặp

triệu chứng bong gân ngón tay

Những triệu chứng nhận biết bong gân ngón tay là gì?

Các triệu chứng của bong gân ngón tay bao gồm:

  • Đau ở các khớp ở ngón tay
  • Đau khi bẻ các ngón tay,
  • Khớp sưng
  • Vận động ngón tay bị hạn chế, cứng ngón, khó uốn cong ngón tay bị chấn thương
  • Vùng bong gân đỏ hoặc bầm tím
  • Có thể cảm giác rách hoặc nghe tiếng rắc bên trong các ngón tay.
  • Chấn thương nghiêm trọng hay rách dây chằng có thể khiến cho bị yếu ngón tay bị yếu và không thể cầm nắm được.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Mặc dù bong gân ngón tay thường nhẹ, nhưng trong một số trường hợp bạn cần đến gặp bác sĩ để được điều trị, đặc biệt là khi ngón tay bị chấn thương nặng hoặc biến dạng hình dáng (cong, gập hơn bình thường).

Bạn nên đi cấp cứu ngay lập tức nếu ngón tay bắt đầu cảm thấy tê, da ngón tay nhợt nhạt. Đây là những dấu hiệu cho thấy không có đủ máu chảy đến khu vực này.

Bạn nên gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt khi:

  • Ngón tay bị biến dạng hoặc vẹo
  • Bạn bị sốt sau chấn thương
  • Ngón tay bị sưng lên đáng kể
  • Ngón tay bắt đầu đau nhiều hơn theo thời gian hoặc đau dữ dội
  • Bạn không thể duỗi thẳng hoàn toàn ngón tay

Bong gân ngón tay có nguy hiểm không?

Một số biến chứng bạn có thể gặp phải nếu không điều trị bong gân ngón tay đúng cách bao gồm:

  • Dị dạng khớp
  • Cứng ngón tay
  • Ngón tay yếu
  • Ngón tay khó duỗi thẳng hoặc uống cong
  • Tình trạng đau và sưng kéo dài
  • Viêm khớp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bong gân ngón tay?

bị bong gân ngón tay

Nguyên nhân gây ra bong gân ngón tay có thể là do:

  • Các tai nạn trong thể thao, như khi đón bóng trong bóng chuyền hoặc do bẻ cong ngón tay một cách mạnh bạo.
  • Ngã mạnh
  • Đồ vật nặng rơi vào tay
  • Đập tay vào vật rắn
  • Tai nạn giao thông hay trong công việc

Những vận động viên chơi các môn dùng tay, người đã từng bị chấn thương ngón tay, tay kém linh hoạt hay thiết bị bảo vệ không vừa hoặc không đủ an toàn có thể có nhiều khả năng bị bong gân hơn.

Bên cạnh đó, có các yếu tố nguy cơ sau làm tăng nguy cơ bị bong gân:

  • Thiếu luyện tập làm cơ bạn yếu hơn và dễ bong gân hơn.
  • Cơ bị mỏi sẽ kém hơn trong việc nâng đỡ khớp. Khi bị mệt, bạn cũng không thể vận sức được, gây tăng gánh nặng cho khớp hoặc làm cơ duỗi quá mức, dẫn đến bong gân.
  • Khởi động không đúng cách trước khi vận động nặng sẽ làm các cơ giữ chặt, giảm tầm vận động của khớp, làm cho cơ bị bó chặt hơn và dễ dàng xảy ra chấn thương hay rách đứt dây chằng cũng như xương khớp.
  • Mặt sàn trơn hay không bằng phẳng có thể làm cho bạn dễ bị té ngã gây chấn thương.
  • Những giày tập hoặc các dụng cụ thể thao chất lượng kém khác có thể gây bong gân cho bạn.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

cách chữa bong gân ngón tay

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bong gân ngón tay?

Các bác sĩ chẩn đoán bằng cách:

  • Kiểm tra các ngón tay
  • Chụp X-quang để đảm bảo rằng xương không bị gãy
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp chẩn đoán chấn thương dây chằng bên trong.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bong gân ngón tay?

Mục đích chính khi điều trị bong gân là giảm đau, giảm sưng và giúp bạn sử dụng được ngón tay ngay khi có thể.

Phương pháp điều trị ban đầu và tại nhà cho bong gân nhẹ bao gồm:

  • Chườm nước đá trên các ngón tay khoảng 15-20 phút, bốn lần mỗi ngày, cho đến khi hết sưng và đau.
  • Đặt tay lên gối để nâng cao tay trong 2 ngày cũng có thể giúp hết sưng.
  • Ibuprofenaspirin hoặc paracetamol để giảm đau, viêm.
  • Nẹp để cố định ngón tay đó cùng các ngón tay khác.

Bong gân ngón tay cái (nhất là vận động viên) có thể cần cố định lâu hơn. Đôi khi gân bị rách sẽ phải phẫu thuật. Trong trường hợp có trật khớp hay gãy xương kèm theo, thời gian phục hồi mất vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Nhưng nếu chỉ bị bong gân, các triệu chứng có thể biến mất trong 1–3 tuần.

Ngoài ra, việc quay trở lại hoạt động quá sớm có thể làm cho chấn thương nặng thêm và dẫn đến tổn thương vĩnh viễn.

Các bài tập như đè ép bóng, và duỗi ngón tay có thể giúp ngón tay cải thiện cử động hơn trong thời gian chữa bệnh. Vật lý trị liệu có thể giúp các khớp cứng di chuyển tốt hơn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bong gân ngón tay?

Những thói quen sau có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bong gân ngón tay:

  • Áp dụng các cách chữa bong gân ngón tay tại nhà kể trên nếu bác sĩ cho phép
  • Dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ
  • Học và áp dụng kỹ thuật, sử dụng trang thiết bị thể thao đúng cách
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ, như băng thun y tế, để bảo vệ dây chằng đang hồi phục, đặc biệt là khi phải trở lại hoạt động sớm

So với bàn chân, bàn tay linh hoạt và tham gia nhiều hoạt động cầm nắm hàng ngày hơn. Tuy vậy nhưng các khớp ngón tay ít bị bong gân so với các khớp cổ chân. Một phần vì cơ chế chấn thương ở bàn tay ít hơn và nếu có chấn thương thì khuynh hướng gãy xương nhiều hơn do đa số là các xương nhỏ. Nếu chẳng may bong gân xảy ra, bạn nên khi khám bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc và băng nẹp cẩn thận, tránh cử động mạnh ảnh hưởng đến quá trình chữa lành vết thương.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đặt khám ngay tại: Phòng khám Đa khoa MSC – Đặt lịch hẹn khám với BS.CKII Trần Trọng Thắng

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

BS CKII Trần Trọng Thắng

Chỉnh hình · Phòng khám Đa khoa MSC - Hà Nội


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 23/08/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo