backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết sớm dấu hiệu đầu tiên của đau khớp ngón tay để điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 03/06/2022

    Nhận biết sớm dấu hiệu đầu tiên của đau khớp ngón tay để điều trị

    Sau một đêm thức dậy, bỗng dưng ngón tay cái của bạn trở nên đơ cứng không cử động bình thường và có cảm giác đau khi cầm nắm đồ vật. Liệu đây có phải là dấu hiệu đầu tiên của đau khớp ngón tay?

    Các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón cái được sử dụng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, do đó sẽ dễ dàng xuất hiện tình trạng viêm ngón tay. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu đầu tiên của đau khớp ngón tay có thể giúp bạn ngăn ngừa được tình trạng tổn thương vĩnh viễn.

    Các khớp ở ngón tay và bàn tay phối hợp ăn ý với nhau như một cỗ máy trơn tru, giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, trong đó có 3 loại chính là thoái hóa khớp (OA), viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm khớp vẩy nến (PsA). Mỗi loại đều tiến triển thể khác nhau, nhưng hầu hết đều có thể gây triệu chứng đau đớn, dẫn đến mất chức năng và biến dạng ngón tay. (1)

    Dấu hiệu đầu tiên của đau khớp ngón tay

    Các dấu hiệu đầu tiên của tình trạng đau khớp ngón tay bao gồm:

    1. Đau đớn

    Trong giai đoạn sớm, viêm khớp có thể khiến khớp ngón tay bị đau, nóng rát. Bạn có thể gặp phải cơn đau này sau một ngày hoạt động, sử dụng tay nhiều hơn bình thường. Cơn đau ở giai đoạn đầu của viêm khớp có thể tự biến mất.

    Khi viêm khớp trở nên trầm trọng hơn, phần sụn sẽ bắt đầu mòn đi nhiều hơn. Nếu không có hàng rào bảo vệ bao quanh các khớp xương nhỏ, bạn có thể bị đau ngay cả khi không sử dụng tay hoặc sử dụng rất ít. Viêm khớp có thể trở nên nghiêm trọng đến nỗi bạn dễ dàng bị thức giấc khi cơn đau xuất hiện lúc đang ngủ. (1)

    2. Sưng khớp

    Các mô và sụn trong ngón tay có chức năng bảo vệ các khớp xương mỏng của bạn. Nếu khớp hoạt động quá mức hoặc bị tổn thương, các mô dọc theo khớp có thể sưng lên. Tình trạng này có thể làm cho ngón tay trông to hơn bình thường. (1)

    Tình trạng sưng còn có thể xảy ra do tăng dịch khớp. Sự xuất hiện dịch trong khớp là điều bình thường và dịch khớp hoạt động như một phần đệm trong khớp. Tuy nhiên trong viêm khớp, dịch khớp có thể sản sinh ra quá nhiều, gây sưng đau và hạn chế khả năng chuyển động của bạn. (2)

    3. Cứng khớp

    Viêm đau nhức khớp ngón tay có thể gây cứng khớp. Khi mô và sụn bị sưng, khớp ngón tay không thể vận động thoải mái. Tình trạng cứng khớp xảy ra phổ biến vào buổi sáng khi bạn sử dụng khớp ngón tay thời gian dài. Tương tự, điều này cũng xảy ra sau khi bạn hoạt động cả một ngày dài, khiến các khớp bị căng nhiều hơn bình thường. (1)

    4. Nóng đỏ da

    Khi khớp bị tổn thương, dây chằng và các mô xung quanh khớp có thể bị viêm. Điều này sẽ khiến vùng da xung quanh khớp nóng và đỏ. (1)

    5. Biến dạng khớp

    Vùng sụn trong khớp có thể bị mòn không đều. Ngoài ra, khi viêm khớp tiến triển, các mô và dây chằng (có chức năng giữ các khớp đúng vị trí) trở nên yếu hơn. Hai yếu tố này có thể gây biến dạng ở ngón tay và bàn tay của bạn. Tình trạng bệnh càng nặng, sự biến dạng sẽ càng rõ rệt hơn. (1)

    Các dấu hiệu viêm khớp có thể xuất hiện chậm đến mức bạn có thể không nhận ra, mà chỉ cảm thấy đau hoặc mệt mỏi hơn bình thường một chút. Khi bạn bắt đầu cảm thấy đau và sưng ở khớp ngón tay, bạn nên đi khám bác sĩ.

    Viêm khớp là một bệnh tiến triển, điều này có nghĩa là bệnh sẽ trở nặng đi theo thời gian. Bạn hãy điều trị càng sớm càng tốt để có thể ngăn ngừa khớp bị tổn thương vĩnh viễn. (2)

    Bạn nên làm gì khi có dấu hiệu đau khớp ngón tay?

    bạn nên làm gì khi có dấu hiệu đầu tiên của đau khớp ngón tay
    Ảnh – Shutterstock.com: 286165970

    Các bước xử lý khi bạn có dấu hiệu bị đau ở các khớp ngón tay bao gồm:

    1. Thăm khám

    Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của điều trị viêm đau khớp ngón tay là chẩn đoán. Các bước chẩn đoán của bác sĩ có thể bao gồm:

    • Nhận thông tin người bệnh: Bạn cần phải báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, bệnh lý, tiền sử chấn thương và các triệu chứng gặp phải. (3)

    • Kiểm tra các ngón tay: Bác sĩ sẽ quan sát để phát hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh, chẳng hạn như biến dạng khớp hoặc u nang dưới da. (3)

    • Xét nghiệm chẩn đoán: Các loại xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu và xét nghiệm hình ảnh. Xét nghiệm X quang có thể giúp xác định giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh, (3) đồng thời còn có thể giúp ước tính mức độ sụn khớp vẫn còn trên bề mặt khớp. (4)

    • Kiểm tra bổ sung các cơ quan nội tạng: Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay đôi lúc có thể đến từ sự bất thường trong hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. (3)

    2. Điều trị

    Việc điều trị sớm tình trạng viêm đau khớp ngón tay tập trung vào vấn đề kiểm soát các triệu chứng bệnh nhằm tránh phải phẫu thuật. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

    • Thuốc giảm đau: Những loại thuốc này có thể giúp điều trị cơn đau do viêm khớp ngón tay, đồng thời giúp giảm viêm và sưng quanh khớp. (5) Bạn có thể mua sử dụng một số thuốc giảm đau thông thường tại nhà thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn như paracetamol, hoặc các thuốc thoa tại chỗ, đây là thuốc giảm đau được chọn lựa đầu tiên do ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi tình trạng đau trở nặng hơn hoặc có hiện tượng viêm, các thuốc này không còn đủ hiệu quả đối với người bệnh.

    Khi đó, thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs) viết tắt là NSAIDs thường được sử dụng cho trường hợp này. Đây là một nhóm có chung các đặc tính kháng viêm và giảm đau thông qua cơ chế ức chế tổng hợp các prostaglandin tiền viêm (13). Đồng thời cũng là một trong những nhóm thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả, được sử dụng rất phổ biến với mục đích chính là để điều trị giảm đau và/hoặc kháng viêm trong nhiều bệnh lý cơ xương khớp.

    Các thuốc NSAIDs được đánh giá là có hiệu quả kháng viêm và giảm đau tương đương nhau ở liều điều trị phù hợp cho các chỉ định. Đánh giá này dựa trên các khuyến cáo gồm Hiệp Hội Thấp khớp Châu Âu (2014) và Hội Đồng chuyên gia Thấp khớp Châu Âu (2015) (11, 12)

    Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng có nhiều tác dụng không mong muốn cho sức khỏe, phổ biến nhất là biến chứng trên đường tiêu hóa. Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và thận. (14)

    NSAIDs đóng góp vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng vận động của ngón tay. Vì thế, bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh, các nguy cơ hay bệnh lý đi kèm để được chọn lựa loại thuốc NSAIDs thế hệ mới, phù hợp, ít ảnh hưởng trên huyết áp, thận nhất, đồng thời bảo vệ được gồm cả đường tiêu hóa trên (từ miệng đến dạ dày) và đường tiêu hóa dưới (từ dưới dạ dày đến hậu môn).

    • Chất bổ sung: Những chất bổ sung cho khớp có thể bao gồm glucosamine và chondroitin, đây là hai trong số các khối xây dựng chính của sụn. (5)

    • Thuốc tiêm: Khi điều trị bằng các loại thuốc ban đầu không hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng thuốc đường tiêm. Các loại thuốc này có thể chứa thuốc gây tê kéo dài và steroid có thể giúp giảm đau trong vài tuần đến vài tháng. Các mũi tiêm có thể được lặp đi lặp lại, nhưng chỉ với số lần giới hạn, bởi các tác dụng phụ có thể xảy ra như làm nhạt da tại vị trí tiêm, suy yếu gân, dây chằng và nhiễm trùng. (6)

    3. Phòng ngừa

    Mặc dù tình trạng viêm khớp không thể ngăn ngừa, nhưng bạn có thể phát hiện sớm để giảm thiểu mức độ bằng cách theo dõi các khớp, tìm dấu hiệu của bệnh khi độ tuổi cao. Bên cạnh đó, bạn cần giảm nguy cơ viêm khớp bằng cách duy trì hoạt động thể chất, giảm lượng đường tiêu thụ và không hút thuốc. (7)

    Thói quen tập thể dục cho ngón tay và bàn tay có thể giúp các khớp hoạt động lâu hơn. Bên cạnh đó, các bài tập tay cũng có thể giúp giảm đau và cứng khớp đối với người đã bị viêm khớp. (7)

    Mặc dù viêm đau khớp ngón tay không có cách chữa trị, nhưng hiện nay có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp ngăn ngừa viêm khớp tiến triển nặng theo thời gian. Việc phát hiện dấu hiệu đau khớp ngón tay càng sớm thì tình trạng sẽ dễ dàng được kiểm soát, do đó bạn hãy thường xuyên chú ý đến sức khỏe nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 03/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo