backup og meta

2

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

NSAIDs là gì? 6 điều cần biết về thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

Nghe bài viết

NSAIDs là gì? 6 điều cần biết về thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) được dùng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về hiệu quả cũng như những ảnh hưởng đến sức khỏe mà loại thuốc này mang lại.

NSAIDs là thuốc gì? Cơ chế tác dụng của NSAIDs như thế nào? Nhóm NSAIDs gồm những thuốc nào? Việc dùng nhóm thuốc này lâu dài có gây ra những tác dụng nguy hiểm nào, cần chú ý những gì? Cùng tham khảo những thông tin hữu ích về loại thuốc này qua bài viết của Hello Bacsi để phần nào có lời giải đáp cho những băn khoăn kể trên bạn nhé!

1. NSAIDs là gì? Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có tác dụng gì?

NSAIDs là nhóm thuốc kháng viêm không steroid, thường được sử dụng để:

  • Giảm đau: Những cơn đau do căng cơ, bong gân, đau đầu, đau nửa đầu, đau bụng kinh, đau răng…
  • Hạ sốt: NSAIDs có tác dụng hạ nhiệt cho cơ thể
  • Kháng viêm: Thuốc kháng viêm không steroid giúp làm giảm hiện tượng viêm cho bệnh nhân.

Nhóm NSAIDs gồm những thuốc nào? Nhóm thuốc giảm đau hạ sốt chống viêm không steroid này thường có dạng viên nén, viên nang, thuốc đạn (thuốc đặt hậu môn), kem, gel bôi hoặc dạng tiêm. Một số loại thuốc NSAIDs có thể mua ở hiệu thuốc mà không cần phải có đơn kê của bác sĩ, một số khác sẽ cần phải có đơn thuốc. Các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) phổ biến phải kể đến là:

  • Ibuprofen
  • Naproxen
  • Diclofenac
  • Celecoxib
  • Mefenamic acid
  • Etoricoxib
  • Indomethacin
  • Aspirin liều cao (aspirin liều thấp thường không được coi là NSAIDs)

Điều quan trọng là trước khi dùng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các hoạt chất trong các loại thuốc kháng viêm không steroid phù hợp với cơ địa và tình trạng sức khỏe.

2. Cơ chế tác dụng của NSAIDs như thế nào?

Nhóm thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng giảm đau, kháng viêm và hạ sốt hiệu quả bằng cách ức chế một loại  một loại enzyme có vai trò quan trọng trong tổng hợp prostaglandin, có tên gọi là cyclooxygenases (COX).

Thông thường, cơ thể bạn sản xuất ra một chất hóa học gọi là prostaglandin để bảo vệ dạ dày khỏi tác động của axit. Prostaglandin được tạo ra bởi enzyme cyclooxygenase (COX), enzyme này gồm hai loại: COX I và COX II. Enzyme COX II có khả năng tạo các prostaglandin gây ra tình trạng viêm và sốt trong khi COX I tham gia vào quá trình tạo ra các prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày và hỗ trợ đông máu.

  • Aspirin: Ngăn chặn enzyme COX I và COX II nên ngoài tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, aspirin còn có thêm tác dụng ngăn cản kết tập tiểu cầu. Vì aspirin ngăn chặn cả COX I và COX II nên bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như đau, loét dạ dày, xuất huyết… Vì vậy hiện aspirin ít được sử dụng để giảm đau và thường được dùng để chống đông máu ở các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch với liều thấp.
  • Diclofenac: Có tác dụng giảm đau mạnh hơn aspirin, nhưng đồng thời tác dụng phụ đường tiêu hóa trên bệnh nhân cũng nặng hơn như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thiếu máu….
  • Ibuprofen: có tác dụng giảm đau mạnh hơn aspirin. Khi bệnh nhân sử dụng ibuprofen có thể bị kích ứng tiêu hóa, rối loạn tạo máu…
  • Một số hoạt chất khác như: naproxen, ketoprofen… cũng có các đặc tính giảm đau và tác dụng phụ tương tự như các hoạt chất trên.

Ngoài ra, các hoạt chất ngăn chặn chủ yếu COX II trong nhóm thuốc NSAIDs có thể giúp giảm đau, kháng viêm hiệu quả nhưng giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Meloxicam là hoạt chất trong nhóm thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng ngăn chặn chọn lọc, chuyên biệt enzyme COX II. Các nghiên cứu đã chứng minh meloxicam giúp giảm đau khi di chuyển và giảm tình trạng cứng khớp trên bệnh nhân thoái hóa khớp, cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp. Do chỉ ngăn chặn chọn lọc COX II, meloxicam ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tim mạch so với diclofenac, piroxicam và celecoxib.

Các hoạt chất coxib như celecoxib, rofecoxib, valdecoxib… cũng có tác dụng ngăn chặn chuyên biệt COX II, nên cũng giảm các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa so với aspirin hay diclofenac. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của các hoạt chất này trên tim mạch, thận vẫn còn đang được nghiên cứu. Và một thông tin từ năm 2004 có đề cập đến các sản phẩm có 2 hoạt chất rofecoxib và valdecoxib đã rút khỏi thị trường do nhiều nghiên cứu cho thấy có liên quan đến tai biến về tim mạch và valdecoxib còn gây các phản ứng da nghiêm trọng.

3. Ai được chỉ định dùng nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)?

Nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) được chỉ định dùng cho các trường hợp sau:

  • Người mắc các bệnh viêm khớp như thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, gút, viêm khớp tự phát thiếu niên…
  • Các bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể…)
  • Thoái hóa khớp (hư khớp), thoái hóa cột sống, đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau thắt lưng cấp hoặc mạn tính, đau thần kinh tọa…
  • Bệnh lý phần mềm do thấp: Viêm quanh khớp vai, viêm lồi cầu xương cánh tay, hội chứng De Quervain, hội chứng đường hầm cổ tay…

4. Chống chỉ định của nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) chống chỉ định (tuyệt đối không được sử dụng) đối với các bệnh nhân mắc các vấn đề sau:

  • Bệnh lý chảy máu không được kiểm soát
  • Tiền sử dị ứng, mẫn cảm với thuốc
  • Loét dạ dày tá tràng đang tiến triển
  • Suy tế bào gan mức độ vừa đến nặng
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc ba tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú.

Ngoài ra, những người đang gặp phải các vấn đề sau cần hết sức thận trọng khi dùng nhóm NSAIDs:

  • Nhiễm trùng đang tiến triển.
  • Hen phế quản
  • Tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng
  •  Bệnh tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ cao với bệnh tim mạch…

5. Cần biết gì trước khi sử dụng nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)?

Nhó thuốc NSAIDs

Bạn nên biết rằng nhóm thuốc NSAIDs cũng có tác dụng phụ, bao gồm tác dụng phụ trên tiêu hóa và tim mạch.  Nhóm thuốc NSAIDs có thể gây viêm loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa tùy thuộc vào cơ địa của bệnh nhân. Cụ thể, khi dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bạn có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét dạ dày, đau đầu, buồn ngủ, chóng mặt, có các phản ứng dị ứng. Một số trường hợp hiếm gặp còn có thể gây ra các vấn đề về gan, thận, tim, chẳng hạn như suy tim, đau tim và đột quỵ.

Không những vậy, nguy cơ này có thể tăng lên nếu bạn:

  • Uống chung với các loại thuốc chống đông máu và corticosteroid
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng NSAIDs trong một thời gian dài
  • Uống rượu
  • Cao tuổi
  • Sức khỏe kém.

Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs không được khuyến khích cho những đối tượng sau đây:

  • Những người có tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc suy tim
  • Những người ở độ tuổi 75 trở lên
  • Người bị tiểu đường
  • Những người hút thuốc
  • Những người bị huyết áp cao
  • Những người bị hen suyễn
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Bệnh nhân có tiền sử bệnh thận
  • Bệnh nhân có tiền sử bệnh gan nặng
  • Những ai đang bị hoặc có nguy cơ bị loét dạ dày.

Nếu có bất kỳ các yếu tố nguy cơ nào kể trên, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết trước khi sử dụng nhóm thuốc NSAIDs nhé.

6. Liều dùng của các hoạt chất thường được sử dụng trong nhóm NSAIDs

Dưới đây là liều dùng của một số hoạt chất trong nhóm thuốc chống viêm không steroid NSAIDs thường được sử dụng trong điều trị. Tùy vào từng tình trạng bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng liều khác nhau để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Vì vậy, trước khi sử dụng, các bạn nên tham vấn thêm ý kiến của các bác sĩ tại bệnh viện hay phòng khám, hoặc dược sĩ tại các nhà thuốc gần nhất để sử dụng thuốc một cách hiệu quả và an toàn nhất nhé.

  • Aspirin:
    • Giảm đau, hạ sốt: người lớn 325 – 625mg (mỗi 4 giờ). Trẻ em 50 – 75mg/kg/ngày chia làm 4 – 6 lần (tổng liều không quá 3,6g)
    • Viêm khớp: 1 – 4g/ngày, nếu viêm mạn tính có thể dùng đến 6g/ngày, theo hướng dẫn của bác sĩ
    • Phòng ngừa huyết khối: 81 – 325mg/ngày
  • Diclofenac: 75 – 150mg, uống. Ngoài ra còn có dạng tiêm bắp, đặt hậu môn, thuốc nhỏ mắt, gel thoa tại chỗ.
  • Ibuprofen: 0,6 – 1g/ ngày, uống. Ngoài ra còn có dạng đặt hậu môn.
  • Meloxicam: 7,5 – 15mg/ngày, uống. Ngoài ra còn có dạng tiêm bắp.

Nếu gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), bạn cần trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn thay thế. Thuốc thay thế để giảm đau thường được dùng là paracetamol, thuốc giảm đau hạ sốt không cần đơn và an toàn cho hầu hết mọi người. Nếu bị đau cơ hoặc khớp ở một bộ phận nào đó của cơ thể, bạn có thể dùng kem và gel NSAIDs trước thay vì dùng thuốc viên bởi dạng thuốc này thường ít gây tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đưa ra một vài loại thuốc thay thế khác tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Medication Guide for Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs (NSAIDs) http://www.fda.gov/downloads/Drugs/DrugSafety/ucm089162.pdf. Ngày truy cập 8/11/2016

NSAIDs http://www.nhs.uk/conditions/anti-inflammatories-non-steroidal/pages/introduction.aspx .Ngày truy cập 8/11/2016

Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs (NSAIDs) https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/11086-non-steroidal-anti-inflammatory-medicines-nsaids Ngày truy cập 8/11/2016

What Are NSAIDs? https://orthoinfo.aaos.org/en/treatment/what-are-nsaids/ Ngày truy cập 8/11/2016

Nonsteroidal Anti-inflammatory Drugs (NSAIDs) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK547742/ Ngày truy cập 8/11/2016

Phiên bản hiện tại

15/05/2023

Tác giả: Đăng Khương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Lương Lan

avatar

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Khương · Ngày cập nhật: 15/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo