backup og meta

Huyết áp kẹt (hay huyết áp kẹp) là gì? Có nguy hiểm không và cách xử trí

Huyết áp kẹt (hay huyết áp kẹp) là gì? Có nguy hiểm không và cách xử trí

Bạn chắc hẳn đã nghe nhiều về tăng huyết áp (huyết áp cao) hay giảm huyết áp (huyết áp thấp). Thế nhưng, huyết áp kẹt vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ. Huyết áp kẹt thường xuất hiện trong các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, vì vậy rất cần được quan tâm.

Bạn nên có thông tin cơ bản về huyết áp kẹp là gì, có nguy hiểm không, thuốc điều trị và cách xử trí để kịp thời bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

Tìm hiểu chung

Huyết áp kẹt là sao?

Huyết áp được xác định qua hai số đo là:

  • Huyết áp tâm thu: áp lực mà máu tác động lên thành động mạch khi tim đập
  • Huyết áp tâm trương: áp lực mà máu tác động lên thành động mạch trong khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập.

Số đo huyết áp được ghi dưới dạng huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương, ví dụ như 120/70mmHg.

Huyết áp kẹt, hay cũng có thể gọi là huyết áp kẹp là gì thì nó xảy ra khi huyết áp tâm thu giảm hoặc huyết áp tâm trương tăng, khiến cho hiệu số giữa hai chỉ số này ≤ 20mmHg (hoặc nhiều tài liệu là ≤ 25mmHg).

huyết áp kẹt là gì

Huyết áp kẹp được xác định qua hai số đo huyết áp tâm thu giảm hoặc tâm trương tăng có hiệu số ≤ 20mmHg

Triệu chứng

Những triệu chứng của huyết áp kẹt (huyết áp kẹp)

Triệu chứng huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) khá giống với huyết áp thấp. Tình trạng này xảy ra khi hoạt động bơm máu của tim bị suy giảm nghiêm trọng hay có bất kỳ nguyên nhân nào gây rối loạn chức năng tuần hoàn ngoại vi với các biểu hiện như sau:

  • Đau đầu, hoa mắt, choáng váng, chóng mặt
  • Tức ngực, khó thở, hụt hơi, thở nông
  • Suy giảm trí nhớ, kém tập trung
  • Giữ thăng bằng kém
  • Ớn lạnh
  • Khó ngủ
  • Mệt mỏi
  • Ngủ gà, li bì

triệu chứng huyết áp kẹt

Huyết áp kẹt có nguy hiểm không?

  • Huyết áp kẹt khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và đời sống của người bệnh.
  • Tim phải hoạt động quá sức làm tăng huyết áp trong lòng mạch máu, dễ dẫn đến tình trạng tâm thất trái bị phì đại và gây suy tim. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, suy tim khó hồi phục.
  • Các triệu chứng của huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) thường không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nhất là khi không có máy đo huyết áp. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị thường bị chậm trễ. Nếu không kịp thời xử trí huyết áp kẹt thì có thể nguy kịch tính mạng.

Hãy nhớ rằng khi thấy có sự thay đổi bất thường về huyết áp và những triệu chứng kể trên, bạn cần thăm khám bác sĩ ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) là gì?

Sự bất thường về dạng huyết áp này thường gặp trong các trường hợp sau đây:

  • Mất máu nội mạch: Sốt xuất huyết hoặc chấn thương có thể gây nên tình trạng dịch thoát ra khỏi mạch máu; hoặc suy tim khiến lượng máu trong lòng mạch giảm đi; cuối cùng làm thay đổi huyết áp.
  • Các bệnh lý về van tim: Hẹp van tim động mạch chủ sẽ khiến huyết áp tâm thu giảm, còn hẹp van tim hai lá sẽ khiến cho huyết áp tâm trương tăng lên.
  • Các bệnh về tim khác: Cổ trướng, tràn dịch ngoài màng tim có thể là những bệnh lý dẫn đến huyết áp kẹt (huyết áp kẹp).

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán thông qua những kỹ thuật nào?

Huyết áp kẹp cơ bản được phát hiện thông qua đo huyết áp bởi nhân viên y tế. Việc bạn tự đo huyết áp tại nhà chỉ giúp xác định sơ bộ tình hình, vì chỉ số huyết áp tự đo có thể không chính xác.

Điều trị huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) như thế nào?

điều trị huyết áp kẹt

Khi tình trạng huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) xảy ra, bệnh nhân nên:

  • Dừng hết lại các việc đang làm và nằm xuống nghỉ ngơi, nâng cao chân, thư giãn, hít thở sâu và đều. Nếu đã được kê đơn thuốc tim mạch, cần dùng thuốc ngay.
  • Hạn chế các hoạt động nặng, đòi hỏi nhiều sức lực.
  • Thăm khám bác sĩ để được kiểm tra huyết áp và chỉ định dùng thuốc điều trị huyết áp kẹt phù hợp.

Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng huyết áp kẹp

Huyết áp kẹp rất nguy hiểm, vì vậy các bác sĩ luôn khuyên cần phòng bệnh ngay từ đầu. Điều này sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc. Bạn nên áp dụng những lưu ý sau đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống tốt cho tim: nhiều rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc; hạn chế dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, rượu bia, thuốc lá, cà phê…
  • Sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức, ngủ đủ giấc
  • Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe tim mạch, hạn chế ngồi lâu hay đứng một chỗ trong thời gian dài
  • Kiểm tra số đo huyết áp thường xuyên để nhanh chóng phát hiện những vấn đề bất thường liên quan đến tim mạch.
  • Tuân thủ các chỉ định điều trị từ bác sĩ khi mắc huyết áp kẹt nói riêng và các bệnh về tim mạch nói chung.
Huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) không được điều trị sẽ để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe và thậm chí còn đe dọa tính mạng của người bệnh. Đừng lơ là mà hãy thăm khám ngay khi cảm thấy cơ thể có những thay đổi bất thường. Đồng thời, bạn nên trang bị một máy đo huyết áp tại nhà để có thể thường xuyên theo dõi sức khỏe cho chính mình và cả gia đình.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thế nào là huyết áp kẹt? http://trungtamytegovap.medinet.gov.vn/chuyen-muc/the-nao-la-huyet-ap-ket-c14393-34441.aspx. Ngày truy cập: 01/09/2021

Huyết áp kẹt: Nguyên nhân, triệu chứng và biện phòng tránh. https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/huyet-ap-ket-nguyen-nhan-trieu-chung-va-bien-phong-tranh-1186. Ngày truy cập: 01/09/2021

Tìm hiểu những nguyên nhân và triệu chứng của bệnh huyết áp kẹt. https://caodangyduochcm.vn/kien-thuc-y-duoc/the-nao-la-huyet-ap-ket-cach-dieu-tri-benh-hieu-qua-c53261.html. Ngày truy cập: 01/09/2021

Pulse Pressure https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21629-pulse-pressure Ngày truy cập: 07/09/2021

Should pulse pressure influence prescribing? https://www.nps.org.au/australian-prescriber/articles/should-pulse-pressure-influence-prescribing Ngày truy cập: 07/09/2021

Phiên bản hiện tại

20/11/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp

Các phân độ tăng huyết áp và cách chẩn đoán


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: Hôm qua

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo