backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Những thực phẩm không thể bỏ qua khi bị cảm cúm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 16/02/2024

Những thực phẩm không thể bỏ qua khi bị cảm cúm

Khi bị cảm cúm, bạn sẽ ăn uống ít hơn vì không có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cố gắng ăn uống và lựa chọn những thực phẩm có thể giúp bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vậy bị cảm cúm nên ăn gì và không nên ăn gì? Bị cảm nên uống gì để giải cảm nhanh?

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng của sức khỏe, đặc biệt là khi cơ thể bị suy yếu như cảm cúm. Cơ thể cần đủ năng lượng, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác để hỗ trợ chức năng miễn dịch, sửa chữa các mô và duy trì các chức năng sinh lý bình thường. Việc lựa chọn thực phẩm đúng đắn sẽ giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe. Mời bạn tham khảo các món ăn, thực uống hỗ trợ điều trị cảm cúm dưới đây. Đồng thời bài viết cũng đề cập đến các loại thực phẩm mà người bệnh cảm cúm không nên ăn.

Bị cảm cúm nên ăn gì cho nhanh khỏi?

Bị cảm cúm nên ăn gì

1. Bị cảm cúm nên ăn gì? Cháo và các loại canh, súp ấm

Cháo nấu với thịt không những giúp dễ tiêu mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, như tinh bột, protein nạc và giàu kẽm, sắt. Ăn cháo trong thời gian bị cảm cúm sẽ giúp người bệnh không bị mất nước và lâu đói hơn.

Bạn có thể dùng nước hầm xương từ thịt gà, heo hoặc bò ngay khi xuất hiện các triệu chứng cúm và sử dụng cho đến khi hết bệnh hoàn toàn. Nước hầm xương giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, bổ sung dinh dưỡng, làm dịu cơn đau họng và giảm nghẹt mũi.

2. Tỏi

Từ xưa, tỏi đã được ông cha ta sử dụng trong điều trị một số bệnh, trong đó có cảm cúm. Theo một nghiên cứu, khi ăn tỏi, người lớn bị cúm sẽ được tăng cường hệ miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Do đó, bạn hãy ăn nhiều tỏi hơn ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của cảm cúm nhé.

3. Sữa chua

Sữa chua rất giàu men vi sinh, một loại vi khuẩn có lợi có thể hỗ trợ chức năng miễn dịch. Theo một nghiên cứu, sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn không chỉ giúp làm dịu cơn đau họng mà còn tăng cường hệ miễn dịch. Một đánh giá khác của 23 nghiên cứu đã kết luận rằng lợi khuẩn có thể hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, bao gồm cả cảm lạnh và cúm (mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm).

Hơn nữa, một số loại sữa chua còn được bổ sung vitamin D, một chất dinh dưỡng khác có thể có lợi cho khả năng miễn dịch. Ngoài ra, sữa chua còn có protein, cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho người bệnh.

4. Bị cảm cúm nên ăn gì? – Các loại trái cây giàu vitamin C

Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng, không chỉ giúp trung hòa các gốc tự do có hại mà còn đóng vai trò sản xuất tế bào miễn dịch. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang bị cảm. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients, mặc dù việc tăng lượng vitamin C tiêu thụ có thể không làm giảm nguy cơ phát triển cảm lạnh nhưng nó có thể làm giảm thời gian của các triệu chứng và bảo vệ khỏi các loại bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như viêm phổi.

Bạn có thể bổ sung vitamin C qua thực phẩm, đặc biệt là những loại trái cây họ cam như bưởi, cam, chanh, quýt…

5. Rau lá xanh

Cải bó xôi, cải xoăn và các loại rau lá xanh khác cũng có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm vì có chứa cả vitamin C và vitamin E. Cải bó xôi đồng thời là nguồn cung cấp sắt dồi dào, một loại khoáng chất cũng quan trọng đối với chức năng miễn dịch. Bông cải xanh cũng là một “siêu thực phẩm” tốt cho sức khỏe. Nó được mệnh danh như vậy là do chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, như vitamin C, vitamin E, canxi và chất xơ.

Để nhanh chóng khỏi bệnh, bạn hãy kết hợp dùng những loại rau này trong thời gian mắc bệnh nhé.

6. Cảm cúm nên ăn gì? Cháo yến mạch

Yến mạch có chứa nhiều vitamin E giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn có chất chống oxy hóa polyphenol cũng như chất xơ beta-glucan giúp tăng cường miễn dịch.

Bạn nên lựa chọn yến mạch nguyên hạt để có thể bổ sung được nhiều chất dinh dưỡng hơn từ thực phẩm này.

7. Các loại gia vị cay

Ở giai đoạn đầu của bệnh cúm, bạn có thể bị nghẹt mũi hoặc khó thở. Để giải quyết tình trạng này, bạn hãy thử cho thêm một số loại gia vị cay, như tiêu, vào món ăn để giúp thông mũi và thở dễ hơn. Tuy nhiên, nếu bị đau họng, bạn không nên thử phương pháp này vì sẽ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.

8. Bị cúm nên ăn gì? Cháo hành tía tô nóng

Bị cảm cúm ăn gì thì một tô cháo hành tía tô nóng là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Nó sẽ giúp cơ thể toát mồ hôi, từ đó hạ sốt, giải cảm rất tốt. Bên cạnh đó, món cháo này rất dễ tiêu hóa, tăng khẩu vị khi cơ thể mệt mỏi.

Bạn có thể nấu cháo trắng hoặc các loại cháo gà, cháo chim, cháo cá, cháo sườn,… và thêm hành cùng tía tô cắt nhỏ vào, ăn khi còn nóng.

Bị cảm nên uống gì?

Khi bị cúm, cơ thể sẽ dễ mất nước hơn do người bệnh thường ít ăn uống và đổ mồ hôi. Nước không chỉ quan trọng đối với các chức năng cơ thể mà còn có thể giúp làm loãng dịch gây tắc nghẹt mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Vậy bị cảm cúm nên uống gì? Khi nói đến các loại đồ uống tốt cho cơ thể, nước lọc vẫn là “quán quân”. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các thức uống sau để giải cảm nhanh:

  • Trà gừng. Gừng là một lựa chọn tốt do nó có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
  • Trà thảo mộc với mật ong. Với trà, bạn nên chọn trà không có caffein.
  • Nước ấm có mật ong và chanh. Mật ong có thể làm dịu cơn ho và giúp bạn ngủ ngon. Chanh cũng chứa nhiều vitamin C, có thể giúp ngăn ngừa cảm.
  • Nước ép trái cây nguyên chất.
  • Nước ép củ cải, thêm một chút nước gừng, thêm đường hoặc mật ong.

Đặc biệt, hơi nước từ nước ấm, trà ấm có thể có tác dụng làm loãng chất nhầy trong mũi và làm ẩm niêm mạc mũi. Từ đó có thể giúp giảm nghẹt mũi tạm thời, giúp bạn dễ thở hơn.

Ngoài ra, nếu bạn bị nôn và tiêu chảy, hãy bổ sung các loại nước điện giải, chẳng hạn như oresol.

Bị cảm cúm không nên ăn gì?

bị cúm không nên an gì

Ngược lại, một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng khi bạn bị bệnh. Để biết bị cảm cúm không nên ăn gì, uống gì, bạn có thể tham khảo danh sách dưới đây:

  • Rượu. Loại đồ uống này sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch và gây mất nước.
  • Đồ uống chứa đường và caffein. Cà phê, trà đen (hồng trà) và các loại nước ngọt, soda có thể khiến bạn mất nước nhiều hơn.
  • Thực phẩm cứng, đồ chiên, nhiều dầu mỡ. Bánh quy, khoai tây chiên và thực phẩm khó tiêu có thể làm nặng thêm cơn ho và đau họng.
  • Thực phẩm chế biến sẵn. Các loại thức ăn nhanh hoặc đóng hộp thường chứa ít dinh dưỡng vì đã qua chế biến nhiều. Do đó, sẽ không tốt cho việc điều trị bệnh cúm. Hãy hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể bằng những thực phẩm tươi và giàu chất dinh dưỡng thôi nhé.
  • Các sản phẩm từ sữa: Có thể làm đặc chất nhầy, khiến bạn bị nghẹt mũi.
  • Đường và thực phẩm nhiều đường: Gây ra chứng viêm mà cơ thể bạn đang cố gắng hết sức để chống lại khi bạn bị cúm.

Dinh dưỡng và chế độ ăn uống rất quan trọng để cơ thể hồi phục khi bị cảm cúm. Lựa chọn được các thực phẩm, đồ uống có lợi và hạn chế các loại có hại sẽ giúp bạn giải cảm hiệu quả, nhanh chóng hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 16/02/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo