backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Bệnh mạch vành là gì? Có chữa khỏi được không và sống được bao lâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/06/2023

Bệnh mạch vành là gì? Có chữa khỏi được không và sống được bao lâu?

Bệnh mạch vành (hay còn gọi là bệnh động mạch vành) là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao và có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm khi bạn không nhận ra triệu chứng sớm và kịp thời can thiệp. Vậy triệu chứng của bệnh mạch vành là gì? Cách để điều trị và ngăn ngừa biến chứng là gì? 

Hãy cùng Hello Bacsi làm rõ những thắc mắc trên qua các thông tin sau đây nhé!

Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành là tình trạng các mạch máu lớn cung cấp máu nuôi tim (động mạch vành) bị tổn thương hoặc bị xơ cứng và thu hẹp lại. Kết quả là cơ tim không nhận được đủ lượng máu hay oxy cần thiết để hoạt động, gây ra nhiều triệu chứng.

Bệnh mạch vành còn có một số tên gọi khác là bệnh động mạch vành, bệnh tim mạch vành hay thiếu máu cơ tim cục bộ.

Phát hiện sớm thông qua các triệu chứng bệnh mạch vành

Nếu các động mạch vành bị thu hẹp lại, chúng không thể cung cấp đủ lượng máu giàu oxy đến cho tim, đặc biệt khi tim cần hoạt động mạnh như lúc tập thể dục. Lúc đầu, lưu lượng máu giảm có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Theo thời gian, mảng bảm tích tụ và lớn dần, bạn có thể gặp phải những triệu chứng hẹp động mạch vành như sau:

  • Đau thắt ngực. Cảm giác đau có thể là đau nhói, đau âm ỉ hoặc nặng ngực như bị ai bóp nghẹt. Cơn đau này thường xuất hiện ở giữa hoặc bên trái lồng ngực. Các hoạt động thể chất mạnh hoặc thay đổi cảm xúc mãnh liệt có thể khiến cơn đau tồi tệ hơn. Sau đó, triệu chứng động mạch vành này sẽ biến mất trong vòng vài phút khi các tác nhân kích thích không còn. Ở một số người, đặc biệt là phụ nữ, cơn đau có thể nhói lên trong thời gian ngắn, cảm nhận được ở cổ, cánh tay hoặc lưng.
  • Thở nông, thở hụt hơi. Nếu tim không thể bơm đủ lượng máu đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của cơ thể, bạn sẽ cảm thấy triệu chứng bệnh mạch vành như khó thở hoặc vô cùng mệt mỏi khi vận động.

Phụ nữ ít gặp các triệu chứng điển hình của cơn đau thắt ngực nhưng có thể có những biểu hiện khác như khó thở, mệt mỏi và buồn nôn.

Đôi khi, cơn đau thắt ngực xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào.

Nguyên nhân gây bệnh mạch vành là gì?

nguyên nhân của bệnh mạch vành là gì

Nguyên nhân bệnh mạch vành là do có các mảng bám tích tụ ở bên trong thành động mạch. Mảng bám này tạo thành từ sự lắng đọng của cholesterol và các chất khác có trong máu, chẳng hạn như tế bào viêm, tế bào chết, protein và canxi.

Theo thời gian, mảng bám lớn dần khiến lòng động mạch bị thu hẹp lại (hẹp động mạch vành), ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ lưu lượng máu chảy qua. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch.

Nếu bề mặt mảng bám vỡ ra sẽ lắng đọng thêm tiểu cầu và các sợi fibrin, hình thành cục máu đông lơ lửng trong máu. Cục máu đông này có thể theo dòng máu đi đến nhiều mạch máu khác trong cơ thể, đủ lớn có thể gây tắc nghẽn mạch máu.

Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành là gì?

Yếu tố không thay đổi được bao gồm:

  • Giới tính. Nam giới có nguy cơ bị đau thắt ngực cao hơn nữ giới và ở tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên, từ tuổi 70 trở lên, nguy cơ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau.
  • Độ tuổi. Bệnh động mạch vành có nhiều khả năng xảy ra ở người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nói chung nếu như cha, mẹ có tiền sử mắc bệnh, đặc biệt khi họ được chẩn đoán trước 50 tuổi.

Các yếu tố thay đổi được gồm:

  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc
  • Cholesterol và triglycerid trong máu cao
  • Huyết áp cao
  • Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt
  • Lười vận động
  • Thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 25) hay chu vi vòng bụng lớn (hơn 88cm ở nữ và 101cm ở nam)
  • Căng thẳng kéo dài
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn mặn và nhiều chất béo động vật, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên xào…

Khi bạn càng có nhiều các yếu tố nguy cơ ở trên, khả năng mắc bệnh động mạch vành càng lớn.

Cách chẩn đoán bệnh mạch vành là gì?

Bác sĩ sẽ bắt đầu từ việc thăm khám sức khỏe thông thường, xem xét bệnh sử và hỏi về tiền sử bệnh trong gia đình bạn, đồng thời yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu thường quy. Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm:

Nếu chỉ siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành thì câu trả lời là hoàn toàn có thể, nhưng chỉ khi bệnh đã nặng. Trong giai đoạn sớm, bác sĩ cần dựa vào kết quả của nhiều xét nghiệm để không bỏ sót bệnh.

phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành là gì

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?

Bệnh mạch vành không thể chữa khỏi hoàn toàn được, nhưng bạn có thể kiểm soát tốt nó và phòng ngừa biến chứng. Việc điều trị bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc nếu cần. Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Khi bạn cố gắng thực hiện một lối sống lành mạnh sẽ thúc đẩy cải thiện sức khỏe của các động mạch trong cơ thể. Đây là một quá trình dài và cần được duy trì liên tục, bạn cần:

  • Bỏ hút thuốc
  • Xây dựng chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
  • Tập luyện thể dục thường xuyên
  • Giảm cân, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
  • Giảm căng thẳng
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên

Thuốc điều trị bệnh mạch vành

Có rất nhiều loại thuốc khác nhau thường được chỉ định trong điều trị bệnh lý này, bao gồm:

  • Thuốc có tác dụng làm giảm cholesterol. Những thuốc này giúp làm giảm mức cholesterol “xấu” LDL ở trong máu – một thành phần chính của các mảng bám trong động mạch. Bác sĩ có thể lựa chọn các thuốc nhóm statin, niacin, fibrat hay chất gắn kết với axit mật (bile acid sequestrants).
  • Aspirin. Bác sĩ có thể khuyến cáo dùng aspirin hàng ngày để ngăn ngừa hình thành cục máu đông có khả năng làm tắc nghẽn động mạch vành.
  • Thuốc chẹn beta. Những thuốc này có tác dụng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm nhu cầu sử dụng oxy của tim. Nếu ạn có cơn đau thắt ngực, sử dụng thuốc chẹn beta giúp phòng ngừa các cơn đau tim sau này.
  • Thuốc chẹn kênh canxi. Nhóm thuốc này có thể phối hợp sử dụng với thuốc chẹn beta hoặc thay thế thuốc chẹn beta ở người không sử dụng được. Thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng đau ngực.
  • Ranolazine thường dùng để điều trị triệu chứng đau ngực.
  • Nitroglycerin giúp kiểm soát cơn đau ở ngực bằng cách làm giãn tạm thời các mạch màu và giảm nhu cầu nhận máu ở tim.
  • Thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II giúp làm giảm huyết áp, ngăn ngừa tiến triển của bệnh mạch vành.

Phẫu thuật

Trường hợp bệnh động mạch vành nghiêm trọng, bạn sẽ cần phải phẫu thuật. Các lựa chọn là:

Nong và đặt stent mạch vành

Bác sĩ sẽ luồn một ống dài, mảnh và dễ điều khiển đến phần động mạch bị hẹp. Sau đó, một quả bóng dẹp được đưa đến vị trí đó và bơm phồng lên, ép các mảng bám sát vào thành động mạch.

Tiếp đến, một ống lưới bằng thép không gỉ gọi là stent được bung ra để giữ động mạch luôn mở rộng.

đặt stent động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một đoạn mạch máu lấy từ bộ phận khác của cơ thể để nối tắt qua đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn. Từ đó, máu chảy qua đoạn động mạch mới để cung cấp cho cơ tim. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một phẫu thuật tim  hở nên thường chỉ thực hiện ở những bệnh nhân có nhiều nhánh động mạch bị hẹp hoặc hẹp ở vị trí khó đặt stent như ngã ba.

Bệnh động mạch vành có nguy hiểm không?

Khi các nhánh động mạch vành bị xơ vữa nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

Các biến chứng bệnh mạch vành có thể gây đe dọa tính mạng và dẫn đến tàn tật.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh mạch vành là gì?

Các thói quen và lối sống được khuyến cáo trong điều trị cũng giúp phòng ngừa bệnh mạch vành.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch là việc bất kỳ ai cũng đều nên thực hiện. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành như cholesterol cao, tăng huyết áp hay đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nếu kiểm tra định kỳ và phát hiện sớm, bạn sẽ dễ dàng điều trị và thay đổi lối sống để duy trì sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 16/06/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo