Đa số mọi người khi được hỏi về dấu hiệu nhồi máu cơ tim sẽ nghĩ ngay đến đau thắt ngực. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận ra rằng, triệu chứng của tình trạng này không chỉ có một và không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở mỗi người có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, tiền sử bệnh tim mạch và tuổi tác [1].
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm xảy ra khi một vùng cơ tim bị tổn thương, hoại tử do dòng máu vận chuyển oxy đến tim bị tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu là do các mảng xơ vữa và huyết khối hình thành trong động mạch vành gây ra [2].
Một cơn nhồi máu cơ tim, hay đau tim, có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời [2]. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh là vô cùng cần thiết.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim
Các triệu chứng thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là [11]:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực. Người bệnh có cảm giác đau hoặc khó chịu như có một sức nặng vô hình đè lên, bóp nghẹt ở vùng bên trái hoặc ở giữa ngực. Cơn đau có thể kéo dài hoặc biến mất rồi quay lại.
- Cảm thấy không khỏe, chóng mặt, ngất xỉu. Bạn cũng có thể đổ mồ hôi lạnh
- Đau hoặc khó chịu ở hàm, cổ hoặc lưng
- Đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai
- Khó thở, hụt hơi. Tình trạng này thường đi kèm với khó chịu ở ngực. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị khó thở trước khi có cảm giác khó chịu ở ngực
- Một số triệu chứng khác của nhồi máu cơ tim có thể là mệt mỏi không rõ nguyên nhân, buồn nôn hoặc nôn
Ở phụ nữ, triệu chứng thường gặp nhất vẫn là cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực. Tuy nhiên, phụ nữ thường sẽ gặp phải những triệu chứng khác ít liên quan đến nhồi máu cơ tim hơn như khó thở, hụt hơi, buồn nôn/nôn, đau lưng hoặc hàm [12].
Chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim
Khi nhận thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim, bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ tiến hành đo điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm máu để chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác như siêu âm tim, X-quang lồng ngực, chụp mạch máu, CT hoặc MRI tim… [3], [4].
Sau khi xác định bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp để điều trị cho bệnh nhân nhằm phục hồi lưu lượng máu đến tim và ngăn ngừa các tổn thương tim có thể xảy ra. Ngoài những thủ thuật y tế như nong đặt stent mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, nhiều nhóm thuốc có thể được dùng để điều trị nhồi máu cơ tim, bao gồm [3], [5]:
- Thuốc tiêu sợi huyết
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu
- Thuốc chống đông máu
- Nitroglycerin
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
- Thuốc hạ mỡ máu statin.
Tùy vào tình trạng của người bệnh, thời gian đến bệnh viện và trang thiết bị của cơ sở y tế mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp [3], [6].
Hiểu về thuốc chống kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim
Sử dụng thuốc chống tập kết tiểu cầu là một trong những phương pháp phổ biến trong điều trị nhồi máu cơ tim
Đông máu là một phản ứng phòng vệ tự nhiên khi cơ thể bị thương và nhiệm vụ này được “đảm nhận” bởi tiểu cầu – loại tế bào có kích thước nhỏ nhất trong máu. Khi bạn gặp các vết thương ngoài da, cơ chế này của tiểu cầu sẽ rất hữu ích trong việc giúp cầm máu và làm lành vết thương [7]. Tuy nhiên, với người mắc bệnh mạch vành, cơ chế này của tiểu cầu có thể gây ra vấn đề. Bởi ở người mắc bệnh mạch vành, một hoặc nhiều nhánh động mạch cung cấp máu cho tim có các mảng xơ vữa tích tụ khiến lòng động mạch dần bị thu hẹp. Nếu những mảng xơ vữa này bị nứt vỡ, nó sẽ kích hoạt cơ chế đông máu ở tiểu cầu, tạo nên các cục huyết khối, gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu chảy đến tim. Điều này làm các tế bào cơ tim không nhận được oxy và dần hoại tử, và có thể dẫn đến xuất hiện những cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim, gây nguy hiểm đến tính mạng [7], [9].
Thuốc kháng/chống kết tập tiểu cầu là loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim để giảm tối đa nguy cơ hình thành cục máu đông. Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này là ức chế quá trình đông máu thông qua việc ngăn cản các tiểu cầu “kết tập” lại với nhau và tạo thành cục máu đông [8]. Những loại thuốc chống tập kết tiểu cầu phổ biến thường được sử dụng điều trị nhồi máu cơ tim là aspirin, clopidogrel, ticlopidine, prasugrel… [5], [13], [14]
Để hiểu thêm về vai trò của tiểu cầu và thuốc kháng kết tập tiểu cầu trong việc điều trị nhồi máu cơ tim, bạn có thể tham khảo thông tin mà Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa – Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ ở video sau:
Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu người bệnh cần tuân thủ
Rủi ro lớn nhất khi dùng các loại thuốc kháng kết tập tiểu cầu là xảy ra tình trạng chảy máu quá mức. Nếu chẳng may người bệnh bị xuất huyết nội hoặc có vết thương trên da thì việc sử dụng các loại thuốc này có thể khiến tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm [8].
Ngoài ra, một điều bạn cần lưu ý thêm đó chính là việc điều trị với thuốc chống kết tập tiểu cầu cần được duy trì thường xuyên và lâu dài. Việc tự ý ngưng thuốc đột ngột hay dùng quá liều đều gây nguy hiểm cho cơ thể. Do đó khi bắt đầu điều trị với thuốc kháng tập tiểu cầu, bạn cần chắc chắn tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia y tế nếu [8]:
- Tính chất công việc hàng ngày có khả năng cao khiến bạn dễ bị thương.
- Cần can thiệp thiệp y tế bằng một phương pháp gây chảy máu, chẳng hạn như khi thực hiện các thủ thuật nha khoa.
Còn nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn ra máu hoặc chất nôn giống như bã cà phê, phân hoặc nước tiểu có máu, chảy máu hoặc có vết bầm tím bất thường… bạn cần đi khám ngay lập tức [10].
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết về tiểu cầu và thuốc kháng kết tập tiểu cầu do Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa – Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ tại video sau:
Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Nhận biết sớm các dấu hiệu nhồi máu cơ tim sẽ giúp tăng cơ hội phục hồi của bạn. Trong quá trình điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý ngưng thuốc. Đồng thời, cần tái khám đầy đủ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ [3].