backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bạn đã biết gì về xét nghiệm ung thư da?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trần Diễm Châu · Da liễu · Phòng khám Da liễu BS. Uyên Unique


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 26/12/2023

    Bạn đã biết gì về xét nghiệm ung thư da?

    Ung thư da là một bệnh rất nguy hiểm nhưng dễ phát hiện nhất. Đó là vì ung thư da thường bắt đầu ở nơi bạn có thể nhìn thấy được. Xét nghiệm ung thư da là bước quan trọng giúp bác sĩ phát hiện bạn có mắc bệnh hay không, từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Vậy, bạn cần biết gì về xét nghiệm ung thư da? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây!

    Những điều lưu ý trước khi làm xét nghiệm ung thư da

    Các loại ung thư da phổ biến bao gồm: ung thư da tế bào đáy (chiếm 75% trường hợp), ung thư tế bào vảy (gần 20%), ung thư tế bào hắc tố (nốt ruồi ác tính) (chỉ chiếm khoảng 5%) và 1 số hiếm các loại ung thư da khác.

    Bạn có thể bị ung thư da ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, từ da đầu đến lòng bàn chân. Ngay cả ở những khu vực da ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ung thư da vẫn có thể phát triển ở đó. Ung thư da cũng có thể bắt đầu dưới móng chân hoặc móng tay, trên bộ phận sinh dục, bên trong miệng hoặc trên môi.

    Trước khi đi gặp bác sĩ để yêu cầu làm xét nghiệm ung thư da, bạn hãy kiểm tra xem da mình có những dấu hiệu khác thường không. Bạn cần kiểm tra toàn diện, bao gồm da đầu, da sau lưng và dưới cánh tay, đến khoảng trống giữa các ngón chân và lòng bàn chân. Đối với những vùng khó tiếp cận, bạn có thể dùng tấm gương hoặc nhờ một người nào đó hỗ trợ. Bạn cần lưu ý những thay đổi trên da như:

    • Thay đổi nốt ruồi hoặc nốt ruồi trông khác thường với những nốt ruồi khác trên da
    • Xuất hiện những nốt ruồi mới
    • Nốt ruồi lớn dần theo thời gian
    • Miếng vảy
    • Vết loét không lành hoặc vết loét lành lại và tái phát
    • Vệt màu nâu hoặc đen dưới móng tay
    • Ngứa
    • Chảy máu
    • Đau đớn (đôi khi).

    Bạn cần biết gì về quá trình làm xét nghiệm ung thư da?

    xét nghiệm ung thư da

    Chẩn đoán sàng lọc ung thư tế bào hắc tố (nốt ruồi ác tính) (chiếm khoảng 5%)

    Thông thường, bước đầu tiên là bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, chẳng hạn như thời điểm nốt ruồi xuất hiện lần đầu trên da, liệu nó có thay đổi về kích thước hoặc hình dáng hay không và liệu nó có gây đau, ngứa hoặc chảy máu hay không. Bác sĩ cũng có thể xem xét các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư da ở bạn, bao gồm từng bị cháy nắng, có bất kỳ ai trong gia đình bạn từng bị ung thư da hay bạn có bất kỳ bệnh lý nào khác về da hay không.

    Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ lưu ý kích thước, hình dạng, màu sắc và kết cấu của vùng da chứa nốt ruồi và liệu nó có chảy máu, rỉ nước hay đóng vảy hay không. Phần còn lại của cơ thể bạn có thể được kiểm tra để tìm nốt ruồi và các đốm khác có thể liên quan đến ung thư da (hoặc các tình trạng da khác).

    Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng một kỹ thuật được gọi là soi da thông qua kính hiển vi để xem xét các đốm trên da kỹ lưỡng hơn. Bác sĩ cũng có thể sử dụng kính soi da, là một ống kính phóng đại và nguồn sáng đặc biệt được giữ gần da để quan sát. Đôi khi, một lớp mỏng cồn hoặc dầu được sử dụng kết hợp với dụng cụ này để dễ dàng quan sát hơn.

    Bác sĩ cũng có thể sờ thấy các hạch bạch huyết gần đó, là tập hợp các tế bào hệ thống miễn dịch có kích thước bằng hạt đậu dưới da. Một số bệnh ung thư da có thể lan đến các hạch bạch huyết, gây ra những khối u dưới da.

    Xét nghiệm ung thư da bằng sinh thiết da

    xét nghiệm ung thư da

    Nếu chỉ phát hiện ra những nốt ruồi bất thường trên da vẫn chưa đủ để xác định bạn có bị ung thư da không. Cách chắc chắn nhất là thực hiện xét nghiệm ung thư da bằng sinh thiết nốt ruồi. Nếu bác sĩ xác định nốt ruồi bất thường, họ sẽ tiêm thuốc tê và lấy một mẩu da của nốt ruồi để làm xét nghiệm.

    Sinh thiết da được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc gây tê cục bộ được tiêm vào vùng da cần sinh thiết bằng một cây kim rất nhỏ. Bạn có thể sẽ cảm thấy một vết chích nhỏ và hơi châm chích khi thuốc được tiêm vào, nhưng sẽ không cảm thấy đau khi làm sinh thiết. Bất kỳ phương pháp sinh thiết nào cũng có thể sẽ để lại ít nhất một vết sẹo nhỏ trên da.

    Có nhiều loại sinh thiết da khác nhau trong xét nghiệm ung thư da. Bác sĩ sẽ chọn loại nào phù hợp nhất với bạn dựa trên loại ung thư da nghi ngờ, vị trí của nó trên cơ thể bạn, kích thước của nó và các yếu tố khác. Chúng bao gồm:

    • Sinh thiết cạo (tiếp tuyến): Bác sĩ sẽ cạo bỏ các lớp trên cùng của da bằng một lưỡi dao phẫu thuật nhỏ. Sau đó, máu sẽ ngừng chảy ở vị trí sinh thiết bằng cách bôi thuốc mỡ hoặc hóa chất để cầm máu hoặc dùng dòng điện nhỏ để đốt vết thương.
    • Sinh thiết đục lỗ: Bác sĩ sử dụng một công cụ trông giống như một chiếc khuôn cắt bánh quy tròn nhỏ để lấy mẫu da sâu hơn. Bác sĩ xoay dụng cụ sinh thiết punch punch trên da cho đến khi nó cắt xuyên qua tất cả các lớp của da. Sau đó mẫu được lấy ra và các cạnh của vị trí sinh thiết thường được khâu lại với nhau.
    • Sinh thiết cắt bỏ hoặc qua vết mổ: Để kiểm tra khối u lớn hơn hoặc có thể đã phát triển vào các lớp sâu hơn của da, bác sĩ có thể sử dụng sinh thiết cắt bỏ hoặc sinh thiết qua vết mổ. Sinh thiết cắt bỏ là bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ toàn bộ khối u, còn sinh thiết bằng vết mổ thì chỉ loại bỏ một phần khối u. Đối với những loại sinh thiết này, một con dao phẫu thuật được sử dụng để cắt toàn bộ độ dày của da. Một miếng da hoặc mảnh da được lấy ra để kiểm tra và các mép vết thương thường được khâu lại với nhau.

    Tại đây, mẫu da thu thập được trong quá trình sinh thiết sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm để xem có chứa các tế bào ung thư hay không. Nếu kết quả xét nghiệm ung thư da thông qua sinh thiết cho thấy mắc bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn những bước điều trị tiếp theo cho bạn.

    Xét nghiệm ung thư da bằng hình ảnh

    Ung thư tế bào vảy thường không lan sâu dưới da hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể và thậm chí còn ít phổ biến hơn đối với ung thư tế bào đáy, vì vậy, hầu hết những người mắc bệnh ung thư da đều không cần xét nghiệm hình ảnh. Tuy nhiên, nếu bác sĩ cho rằng bạn có nguy cơ bị ung thư lan ra ngoài da, thì các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI hoặc chụp CT có thể được chỉ định thực hiện.

    Bạn có cần thường xuyên làm xét nghiệm ung thư da?

    Phần lớn các chuyên gia đều không đồng ý việc thường xuyên làm xét nghiệm ung thư da. Bạn chỉ nên làm tầm soát ung thư da khi phát hiện những nốt ruồi bất thường, hay cảm thấy có nguy cơ cao mắc ung thư hắc tố – loại ung thư da nguy hiểm đến tính mạng nhất.

    Bên cạnh đó, nếu bạn có nhiều yếu tố nguy cơ mắc ung thư da thì cũng cần phải thường xuyên làm xét nghiệm ung thư da. Những yếu tố này bao gồm:

    • Có màu tóc vàng hoặc đỏ không phải do nhuộm, màu mắt sáng, da xuất hiện tàn nhang hay dễ bị cháy nắng
    • Có tiền sử gia đình bị ung thư da hắc tố
    • Từng có những nốt ruồi bất thường
    • Từng bị cháy nắng, đặc biệt là những vết cháy bị rộp da
    • Dành nhiều thời gian làm việc hoặc vui chơi dưới ánh nắng mặt trời
    • Có rất nhiều nốt ruồi trên người hoặc nốt ruồi có hình dạng kỳ lạ
    • Từng thực hiện ghép nội tạng
    • Bị chứng dày sừng quang hóa (các khối u da tiền ung thư có các mảng thô ráp, có vảy, màu hồng sẫm đến nâu)
    • Dùng thuốc ức chế hoặc làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn
    • Đã tiếp xúc với liệu pháp ánh sáng tia cực tím để điều trị các tình trạng da như bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến.

    Bạn cũng nên đi khám nếu đã từng bị ung thư tế bào đáy hoặc ung thư tế bào vảy.

    Khám ung thư da ở đâu?

    xét nghiệm ung thư da

    Khám ung thư da ở đâu TPHCM? Bạn có thể làm tầm soát ung thư da ở chuyên khoa da liễu của bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện da liễu. Khi đi khám, bạn cần chuẩn bị đủ những thông tin liên quan đến triệu chứng hoặc những dấu hiệu bất thường trên da để trao đổi và được bác sĩ tư vấn.

    Ung thư da là một bệnh rất phổ biến, có thể xuất hiện ở bất cứ ai. Tuy nhiên, rất ít người để ý những dấu hiệu sớm của bệnh, vì vậy, việc điều trị thường khá khó khăn ở giai đoạn muộn. Hi vọng với những kiến thức trên đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm ung thư da cũng như cách kiểm tra những dấu hiệu bất thường trên da nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trần Diễm Châu

    Da liễu · Phòng khám Da liễu BS. Uyên Unique


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 26/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo