backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tất tần tật thông tin về gãy cẳng chân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 16/04/2020

    Tất tần tật thông tin về gãy cẳng chân

    Gãy cẳng chân là một tình trạng khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là tai nạn giao thông.

    Cẳng chân gồm 2 xương chính là xương chàyxương mác. Gãy cẳng chân thường liên quan đến gãy một trong hai xương này.

    Xương chày thường lớn hơn xương mác và phải chịu trọng lượng của cả cơ thể nên dễ bị gãy hơn. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn bị gãy cẳng chân và làm sao để điều trị hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây nhé.

    Nguyên nhân khiến bạn gãy cẳng chân

    hình ảnh gãy cẳng chân
    Hình ảnh gãy cẳng chân (xương chày và xương mác)

    Chấn thương hoặc một tình trạng khiến chân xoay bất chợt có thể gây gãy xương cẳng chân. Hầu hết các trường hợp gãy ở cẳng chân là do tai nạn giao thông hoặc chấn thương thể thao. Đôi khi việc vận động quá sức, tạo áp lực lên cẳng chân cũng có thể gây ra các vết nứt trên xương.

    Thực tế, phải cần rất nhiều lực để làm gãy xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với xương bị yếu do loãng xương hoặc các tình trạng sức khỏe khác, chỉ một lực nhỏ cũng có thể khiến nó bị gãy.

    Các nguyên nhân cụ thể có thể gây gãy ở cẳng chân như:

    • Tai nạn xe máy, xe hơi
    • Chấn thương thể thao (bóng đá, bóng chuyền, trượt ván…)
    • Các chấn thương với lực mạnh tác động đến chân dưới
    • Tập luyện quá mức
    • Xoắn chân không đúng cách
    • Té ngã

    Làm sao bạn biết mình bị gãy cẳng chân?

    Hầu hết các trường hợp, gãy xương cẳng chân sẽ biểu hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong một số tình huống, sẽ rất khó để bạn nhận biết xương có gãy không. Lúc này, bạn cần phải chụp X-quang để xác định tình trạng gãy xương.

    Các triệu chứng gãy cẳng chân phổ biến như:

    • Lồi xương: một số tình trạng tai nạn nghiêm trọng có thể làm xương gãy và lồi ra ngoài.
    • Biến dạng chân: nếu sau chấn thương, bạn nhận thấy chân có hình dáng bất thường, như cong hoặc ngắn hơn chân còn lại, bạn có khả năng bị gãy xương.
    • Đau: gãy chân thường gây đau dữ dội. Thông thường, cơn đau này sẽ giảm nếu bạn nghỉ ngơi và sẽ tăng lên khi di chuyển.
    • Sưng và bầm tím: sưng và bầm tím có thể là dấu hiệu của bong gân hoặc chấn thương khác, nhưng nếu nó xuất hiện quanh vùng bị thương ở chân, bạn có thể bị gãy xương.

    Điều trị gãy cẳng chân hiệu quả

    Bác sĩ sẽ quyết định điều trị gãy cẳng chân dựa vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Loại gãy xương và xương có dịch chuyển hay không
  • Xương có lồi ra ngoài hay không
  • Độ tuổi của người bệnh
  • Nghề nghiệp, sở thích và các hoạt động của người bệnh
  • Các chấn thương khác mà người bệnh đã hoặc đang mắc
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Hai phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật và điều trị không phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cũng cần dùng nạng trong quá trình điều trị để vết thương nhanh chóng phục hồi.

    Điều trị không phẫu thuật

    Phương pháp điều trị không phẫu thuật phổ biến nhất cho các loại gãy xương là cố định xương bằng thạch cao hoặc nẹp. Điều này sẽ giúp xương không dịch chuyển và có thể phục hồi nhanh.

    Trong một số trường hợp, bác sĩ phải sắp xếp lại các xương dịch chuyển trước khi cố định chúng. Trước đó, bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ bắp để không cảm thấy đau trong quá trình nắn chỉnh.

    Phẫu thuật

    Nếu phương pháp cố định xương không có hiệu quả, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật. Trong trường hợp này, xương sẽ được cố định bằng ốc vít, thanh sắt hoặc dây kim loại.

    Sau phẫu thuật, bạn cần phải nghỉ ngơi vài tuần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và tính chất công việc. Ví dụ, nếu là nhân viên văn phòng, bạn có thể nghỉ từ 10-14 ngày; nếu là người lao động tay chân thì bạn phải nghỉ khoảng 2 tháng.

    Trong quá trình hồi phục, bạn cần thường xuyên tái khám để bác sĩ kiểm tra vết thương thông qua X-quang. Sau một khoảng thời gian, bác sĩ sẽ đề nghị vật lý trị liệu để phục hồi chức năng chân và tăng cường sức mạnh cho nó.

    Thay đổi lối sống để vết thương nhanh phục hồi

    Lối sống cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp chấn thương nhanh hồi phục, cho dù bạn có hay không có làm phẫu thuật, chẳng hạn như:

    • Cai thuốc lá. Tiếp tục hút thuốc lá sẽ làm chậm quá trình phục hồi của xương.
    • Không cố gắng nâng đồ nặng vì sẽ làm tăng cơn đau và vết thương lâu lành. Hãy cố gắng để chân được nghỉ ngơi trong vài tuần để nhanh khỏi nhé.
    • Sử dụng thuốc giảm đau. Nếu các cơn đau khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn có thể dùng thuốc giảm đau, như paracetamol hoặc paracetamol + codein. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhãn thuốc hoặc bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn. Đặc biệt, không nên dùng các thuốc kháng viêm, như ibuprofen, vì sẽ làm chậm quá trình xương hồi phục.
    • Nâng chân bị thương ngang hoặc cao hơn mức tim để giảm sưng.
    • Không để khu vực băng bột hoặc nẹp bị ướt.

    Nếu cơn đau ngày càng tồi tệ hơn dù đã dùng thuốc giảm đau, bạn hãy nhanh chóng báo cho bác sĩ biết. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng sưng đang chèn ép lên dây thần kinh và mạch máu ở cẳng chân, gây ra các tổn thương lâu dài nếu không được điều trị.

    Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây, bạn đã hiểu rõ về tình trạng gãy cẳng chân và các biện pháp giúp chấn thương nhanh hồi phục nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 16/04/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo