backup og meta

Viêm gan B

Viêm gan B

Bệnh viêm gan B

Nếu không sớm được phát hiện và điều trị, viêm gan B có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, gây suy giảm chức năng gan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Vậy, làm thế nào để nhận biết bệnh ngay từ đầu? Bệnh viêm gan B có chữa được không? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B (viêm gan siêu vi B) xảy ra khi virus tấn công vào cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể, từ đó kích thích các phản ứng viêm xảy ra tại đây. Bệnh được phân loại thành hai nhóm chính gồm:

  • Viêm gan siêu vi B cấp tính: thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus, có nguy cơ tiến triển thành mãn tính nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả
  • Viêm gan siêu vi B mãn tính: thay vì bị đào thải, virus gây viêm gan tiếp tục sống trong cơ thể người bệnh trong thời gian dài

Những ai thường mắc phải bệnh?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan B. Trong số 250 triệu người nhiễm HBV mãn tính của châu Á – Thái Bình Dương thì Việt Nam chiếm tới 10–14%.

Hiện Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ mắc bệnh cao của thế giới, từ 8–12%. Trong đó, 10–15% nhiễm virus này có diễn biến thành viêm gan mãn tính, sau đó khoảng 25% thành xơ gan và 80% dẫn tới ung thư gan. Ước tính đến năm 2025, sẽ có 40.000 ca tử vong do bệnh này.

Triệu chứng viêm gan B thường gặp

Các dấu hiệu viêm gan B phổ biến

triệu chứng viêm gan b

Loại viêm gan này được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường chỉ bộc lộ dấu hiệu khi gan chịu thương tổn nghiêm trọng. Các triệu chứng viêm gan B thường gặp có thể kể đến như:

  • Nổi ban
  • Đau khớp
  • Mệt mỏi
  • Vàng da.

Ngoài ra, một vài biểu hiện viêm gan B có thể kể đến nữa là:

  • Phân có màu xanh xám
  • Nước tiểu đậm màu
  • Ngứa ngáy
  • Chán ăn
  • Buồn nôn
  • Sốt nhẹ
  • Đau bụng
  • Mạch máu nổi lên trên da như màng nhện (còn gọi là dấu sao mạch).

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh viêm gan B hoặc có bất cứ vấn đề về sức khỏe gì thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay!

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn thấy mình có những biểu hiện của viêm gan B đã được liệt kê ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu nghĩ mình đã bị phơi nhiễm virus. Nếu bạn được điều trị phòng ngừa phơi nhiễm trong vòng 24 giờ thì khả năng bị mắc bệnh sẽ giảm xuống đáng kể.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân bị viêm gan B là gì?

Virus viêm gan B là tác nhân chính gây nên vấn đề sức khỏe này. Chúng có thể xâm nhập và tấn công cơ thể của một người bằng nhiều con đường khác nhau.

Viêm gan B lây qua đường nào?

viêm gan b lây qua đường nào

Bệnh có khả năng lây nhiễm qua 3 con đường chính, bao gồm:

  • Lây truyền từ mẹ sang con. Nếu mẹ bị nhiễm virus này thì con có khả năng mắc bệnh rất cao, với xác suất 90%. Nếu tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi trẻ được sinh, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm.
  • Lây truyền qua đường tình dục. Nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh, bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh này.
  • Lây truyền qua đường máu. Nếu dùng chung kim tiêm với người bị bệnh, bạn cũng có khả năng mắc bệnh này.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh?

Virus viêm gan B lây lan qua việc tiếp xúc với máu, tinh dịch hay dịch cơ thể của người bị nhiễm. Nguy cơ mắc bệnh của bạn càng tăng nếu có thêm các yếu tố sau:

  • Quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn
  • Dùng chung kim tiêm khi dùng thuốc truyền tĩnh mạch
  • Quan hệ đồng giới nam
  • Sống với người mắc bệnh này
  • Công việc phải tiếp xúc nhiều với máu người bệnh
  • Du lịch đến những vùng có tỷ lệ người mắc bệnh cao như châu Phi, Trung và Đông Nam Á, Đông Âu.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia cũng có tác động không nhỏ đối với việc nhiễm các bệnh về gan vì theo nghiên cứu (tác giả nghiên cứu Mendenhall C Roselle GALybecker LA) người nghiện rượu có nguy cơ bị nhiễm viêm gan loại B và thậm chí cả ung thư gan.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?

xết nghiệm máu

Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh, bác sĩ sẽ khám bệnh và làm xét nghiệm máu để phát hiện virus trong máu, cũng như cho biết bạn bị viêm gan cấp tính hay mãn tính. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết gan (cắt một mẫu nhỏ ở gan) để đem đi xét nghiệm viêm gan B.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm gan B?

Bạn nên gặp bác sĩ ngay sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B để được tiêm huyết thanh miễn dịch. Tiêm huyết thanh trong vòng 12 tiếng sau khi phơi nhiễm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi sự phát triển của virus này. Nếu không được tiêm huyết thanh kịp thời, bạn có thể bị viêm gan B cấp tính hoặc mãn tính.

Các phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào việc bạn bị:

Viêm gan B cấp tính

  • Bạn có thể không cần chữa trị, bệnh có thể tự khỏi.
  • Bạn sẽ được chăm sóc tại nhà và chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng. Nghỉ ngơi hợp lý từ 1 tới 4 tuần sau khi chẩn đoán bệnh sẽ có ích cho việc phục hồi bệnh. Trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác, có chế độ ăn nên cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể.
  • Ngoài ra, trong 2 tuần từ khi người bị viêm gan nhiễm bệnh, cần phải tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh.

Viêm gan B mãn tính

Bạn sẽ cần điều trị để giảm các nguy cơ mắc bệnh gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Các loại thuốc kháng virus: lamivudine, adefovir, telbivudine và entecavir có thể giúp chống lại virus viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan của chúng.
  • Interferon alfa-2b (Intron A): Đây là một phiên bản tổng hợp của một hợp chất được cơ thể sản xuất ra để chống lại sự nhiễm trùng. Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho người trẻ tuổi không muốn trải qua quá trình điều trị lâu dài hoặc phụ nữ muốn mang thai.
  • Ghép gan: Bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này nếu gan bạn đã bị tổn hại quá nghiêm trọng. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần gan bị tổn hại và thay vào bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của bệnh?

ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa viêm gan B

Để phòng ngừa cũng như hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Tránh lây nhiễm cho người khác qua máu và dịch cơ thể bạn
  • Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng không biến mất từ 4 – 6 tuần hoặc triệu chứng mới phát triển
  • Hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng viêm gan B cho gia đình và những người thân của bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có lời giải đáp tốt nhất.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in. Trang 527

Hepatitis B. (2008, August). World Health Organization. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs204/en/. Ngày truy cập 27/10/2015

Hepatitis B. (2011, February 23). Canadian Centre for Occupational Health and Safety. http://www.ccohs.ca/oshanswers/diseases/hepatitis_b.html. Ngày truy cập 27/10/2015

Hepatitis B Vaccine. (n.d.). Centers for Disease Control and Prevention. http://www.cdc.gov/vaccines/pubs/vis/downloads/vis-hep-b.pdf. Ngày truy cập 27/10/2015

Hepatitis B. (n.d.). KidsHealth.org. http://kidshealth.org/teen/sexual_health/stds/std_hepatitis.html. Ngày truy cập 27/10/2015

Phiên bản hiện tại

15/06/2021

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Người bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 15/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo