Tìm hiểu về bệnh phù mạch trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Tìm hiểu chung
Bệnh phù mạch (mề đay phù mạch) là gì?
Phù mạch, hay mề đay phù mạch, là bệnh có hiện tượng tương tự như phát ban (nổi mề đay), nhưng xảy ra ở sâu trong da. Phát ban là khi da bị nổi những nốt sưng đỏ, gây ngứa và khó chịu. Bệnh phù mạch cũng có những triệu chứng tương tự nhưng các nốt sưng này nằm sâu trong da. Những nốt sưng không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh phù mạch (mề đay phù mạch) là gì?
Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng để xác định bệnh mề đay phù mạch. Trong đó, các triệu chứng chính bao gồm sưng da, khiến da nhạy cảm và đau đớn. Một điểm sưng thường xuất hiện từ 1 đến 2 ngày, sau đó sẽ lan truyền sang những điểm khác và kéo dài trong vài ngày hoặc có thể trở thành mãn tính.
Phù mạch có thể xảy ra ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, thường là ở mí mắt, môi, lưỡi và cơ quan sinh dục. Bệnh còn có thể xảy ra bên trong cơ thể như ruột và phổi, có khả năng gây khó thở nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Thông thường, nếu tình trạng bệnh nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà. Hãy tìm gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài liên tục trong vài ngày. Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sưng họng hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh phù mạch (mề đay phù mạch) là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh phù mạch. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến như dị ứng với thuốc, ăn thức ăn lạ và dùng nước hoa không phù hợp với da. Phù mạch không thể lây truyền và không phải là bệnh truyền nhiễm, nhưng nhiễm trùng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Một số dạng phù mạch nhất định có tính di truyền.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh phù mạch (mề đay phù mạch)?
Mề đay phù mạch là một căn bệnh tương đối phổ biến. Khoảng 15% – 20% dân số mắc bệnh phù mạch trong đời. Bệnh thường ảnh hưởng đến nam giới lẫn nữ giới. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với tình trạng của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh phù mạch (mề đay phù mạch)?
Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh phù mạch:
- Dị ứng thức ăn.
- Mắc các bệnh như phát ban lupus, bệnh u lympho hoặc bệnh tuyến giáp.
- Có tiền sử gia đình về bệnh nổi mề đay hoặc phù mạch di truyền.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh phù mạch (mề đay phù mạch)?
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng da sưng và độ nhạy cảm của chỗ sưng để có những chẩn đoán chính xác nhất. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành việc làm xét nghiệm máu. Tiền sử bệnh lí gia đình cũng rất quan trọng, người bệnh nên cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ, đặc biệt khi có thành viên trong gia đình mắc chứng phù mạch.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh phù mạch (mề đay phù mạch)?
Có nhiều phương pháp dùng để điều trị bệnh phù mạch, tuỳ vào nguyên nhân mắc bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến và kịp thời nhất là chườm túi lạnh. Thuốc bôi hoặc kem dưỡng da thường không giúp được nhiều vì chúng không thấm sâu khi thoa lên da.
Thuốc trị dị ứng có thể đem lại hiệu quả cao nhưng người bệnh phải dùng đúng liều và thường xuyên, nếu không phù mạch có thể quay trở lại. Thuốc trị dị ứng có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt hoặc khô miệng. Các loại thuốc mạnh (Prednisone và Steroid) có thể có tác dụng nếu thuốc trị dị ứng không kiểm soát được bệnh phù mạch.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh phù mạch (mề đay phù mạch)?
Những việc nên làm giúp người bệnh hạn chế diễn tiến bệnh phù mạch:
- Chườm túi lạnh lên vùng da bị sưng;
- Dùng thuốc điều trị dị ứng theo đúng liều lượng;
- Chú ý những nguyên nhân có thể gây bệnh (thức ăn lạ, thuốc, xà phòng, nước hoa, quần áo);
- Hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bạn dùng;
- Sau khi điều trị bằng thuốc, nếu bệnh không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn thêm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.