Định nghĩa
Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh gì?
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là bệnh lý trong đó mảng bám tích tụ trong các động mạch mang máu đến não, các cơ quan và các chi. Mảng bám được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi, mô sợi và các chất khác trong máu.
Khi mảng bám tích tụ trong động mạch của cơ thể, tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Qua thời gian, các mảng bám có thể cứng lại và thu hẹp các động mạch. Điều này làm hạn chế dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh động mạch ngoại biên thường ảnh hưởng đến các động mạch ở chân, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các động mạch mang máu từ tim đến đầu, tay, thận và dạ dày.
Những ai thường mắc phải bệnh này?
Bệnh có thể xảy ra cả ở nam và nữ với số lượng cân bằng nhau ở cả hai giới. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Khoảng 1/2 người bệnh động mạch ngoại biên không có triệu chứng. Những triệu chứng thường gặp nhất là đau, chuột rút, nhức mỏi và tê vùng bị tổn thương.
Những triệu chứng khác có thể gặp là cảm thấy khó chịu, lạnh da, da xanh nhợt nhạt, không sờ thấy mạch đập ở dưới chân, cảm thấy đau và những vết loét thường lâu lành.
Đau chân hoặc chuột rút thường xảy ra trong quá trình vận động và giảm dần khi nghỉ ngơi. Nếu động mạch hoàn toàn bị tắc nghẽn, chân sẽ rất đau và không thể đi lại được. Đối với nam giới, bệnh liệt dương có thể xảy ra nếu mạch máu dẫn máu đến dương vật bị bít tắc.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị đau chân, tê chân hoặc những triệu chứng khác ở chân thì bạn nên gặp bác sĩ, đừng bỏ qua những triệu chứng này.
Ngay cả khi bạn không có những triệu chứng của bệnh động mạnh ngoại biên, bạn cũng nên đi khám để kiểm soát căn bệnh này nếu bạn có những yếu tố nguy cơ sau đây:
- Hơn 70 tuổi.
- Hơn 50 tuổi và mắc bệnh đái tháo đường hoặc hút thuốc nhiều.
- Dưới 50 tuổi, nhưng mắc bệnh đái tháo đường và những yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên như béo phì hoặc cao huyết áp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một bệnh trong đó mảng bám tích tụ trong động mạch của bạn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây xơ vữa động mạch vẫn chưa được tìm ra.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên, bao gồm:
- Hút thuốc
- Béo phì (chỉ số khối cơ thể lớn hơn 30)
- Huyết áp cao (140/90 milimét thủy ngân hoặc cao hơn)
- Nồng độ cholesterol trong máu cao (tổng số cholesterol trong máu hơn 240 mg/dL hoặc 6,2 millimoles/lít)
- Lớn tuổi, đặc biệt là sau 50 tuổi
- Trong gia đình có người mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hay đột quỵ
- Nồng độ homocysteine cao (một protein cấu tạo và duy trì các mô trong cơ thể)
- Những người hút thuốc hoặc bị bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên do giảm lưu lượng máu.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh động mạch ngoại biên?
Mục đích của việc điều trị bệnh động mạch ngoại biên là làm giảm đau và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc giúp tăng lưu lượng máu đến ngoại biên, chống đông máu, làm tan huyết khối, hạ huyết áp và làm giảm nồng độ cholesterol.
Trong những trường hợp động mạch hẹp nặng, có thể bác sĩ sẽ dùng phương pháp tạo hình mạch máu để điều trị. Bác sĩ sẽ đặt 1 chiếc ống vào động mạch và thổi phồng bong bóng nằm trong ống để làm thông mạch máu bị hẹp. Bác sĩ có thể đặt thêm một cái ống kim loại (stent) vào mạch máu để giữ cho nó không bị hẹp lại.
Một số trường hợp sẽ cần phải làm phẫu thuật bắc cầu động mạch vành để giúp máu đi qua được động mạch bị hẹp.
Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật can thiệp động mạch qua da, đưa một dụng cụ vào lòng động mạch để nạo bỏ những mảng cholesterol. Nếu bệnh động mạch ngoại biên tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể bạn phải cắt chi để tránh hoại tử lan rộng.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán sơ bộ bệnh của bạn qua thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, xét nghiệm máu lúc đói và đo chỉ số ABI. Chỉ số ABI được tính bằng cách chia huyết áp cao nhất đo được ở cổ chân cho huyết áp cao nhất đo được ở cánh tay. Chỉ số ABI nhỏ hơn 1 là bất thường.
Sau đó bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm những xét nghiệm như đo điện tim gắng sức, siêu âm màu, chụp hình động mạch với thuốc cản quang, chụp MRI mạch máu để xác định mức mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh này?
Để hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch ngoại biên, bạn nên:
- Ăn chế độ ăn hợp lý, ít chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa), ít muối. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc.
- Giảm cân nếu bạn bị dư cân hay béo phì.
- Vận động nhiều hơn. Bạn nên đi bộ từ 20 đến 30 phút mỗi ngày.
- Thường xuyên làm xét nghiệm kiểm tra đường huyết để kiểm soát lượng đường nếu bạn đang bị tiểu đường.
- Chăm sóc bàn chân kỹ càng. Quan sát chúng thường xuyên, đừng để bị đứt hay bị phỏng ở chân. Hãy gặp bác sĩ nếu chân bạn xuất hiện những vết loét.
- Thay đổi lối sống rất quan trọng. Chúng ảnh hưởng rất nhiều đến nồng độ cholesterol, tiểu đường, tăng huyết áp và hút thuốc.
- Tránh hút thuốc.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-heart-rate]