Tăng tế bào hồng cầu có thể gây ra một số triệu chứng, nhưng thường được phát hiện qua xét nghiệm máu. Đây là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe.
Cụ thể hồng cầu tăng là bệnh gì, cách làm giảm hồng cầu trong máu là gì, cùng tìm hiểu ngay!
Tìm hiểu chung
Tăng tế bào hồng cầu là gì?
Tăng tế bào hồng cầu là tình trạng cơ thể sản sinh quá nhiều hồng cầu. Mặc dù tế bào máu này đóng vai trò vận chuyển oxy cùng các dưỡng chất đến nuôi các bộ phận cơ thể nhưng khi số lượng của chúng quá nhiều có khả năng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Trong đó, sự hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mao mạch được đánh giá là biến chứng thường gặp nhất.
Phân biệt tăng tế bào hồng cầu và tình trạng đa hồng cầu
Mọi người thường nhầm lẫn hai tình trạng trên là một, nhưng thực tế chúng là những vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó:
- Tăng tế bào hồng cầu liên quan đến sự gia tăng số lượng của nhóm tế bào này, ảnh hưởng trực tiếp đến thể tích lưu lượng máu.
- Đa hồng cầu không chỉ là tình trạng tăng nồng độ hồng cầu mà còn gia tăng cả hemoglobin – protein trong hồng cầu đảm đương nhiệm vụ mang oxy đến các mô trong cơ thể.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng tăng tế bào hồng cầu
Trong trường hợp này, người bệnh thường có những biểu hiện như sau:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Khó thở
- Chảy máu cam
- Tăng huyết áp
- Suy giảm thị lực
- Ngứa
Nguyên nhân
Nguyên nhân tăng tế bào hồng cầu là gì?
Dựa vào nguyên nhân khiến số lượng hồng cầu đột ngột gia tăng, các chuyên gia phân loại tình trạng sức khỏe này thành hai nhóm nhỏ gồm:
Tăng tế bào hồng cầu nguyên phát
Theo nghiên cứu, vấn đề sức khỏe này diễn ra khi gene chịu trách nhiệm kiểm soát quá trình sản sinh hồng cầu từ tủy xương bị đột biến. Sự thay đổi này có thể khiến số lượng tế bào hồng cầu được tạo ra vượt quá mức cần thiết.
Ngoài ra, vì đột biến gene là nguyên nhân gây bệnh nên tình trạng sức khỏe này mang tính chất di truyền.
Tăng tế bào hồng cầu thứ phát
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, trường hợp này là hệ quả từ thói quen, vấn đề sức khỏe hoặc những ảnh hưởng từ thuốc, chẳng hạn như:
- Hút thuốc lá thường xuyên
- Các bệnh về phổi khiến cơ thể không nhận đủ oxy cần thiết
- Sự hiện diện của khối u, bao gồm cả lành tính và ác tính
- Thuốc steroid và thuốc lợi tiểu
Mặt khác, trong vài trường hợp hy hữu, vấn đề sức khỏe trên có khả năng diễn ra mà không có nguyên nhân cụ thể.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng tế bào hồng cầu?
Xét nghiệm máu là thủ thuật y tế quan trọng trong quá trình kiểm tra số lượng hồng cầu ở một người có vượt quá mức quy định hay không. Thông qua kết quả, bác sĩ sẽ kiểm tra những chỉ số sau, bao gồm:
- Số lượng tế bào hồng cầu trong một đơn vị máu.
- Nồng độ erythropoietin (EPO). Đây là một loại hormone sản xuất ở thận, đóng vai trò thúc đẩy quá trình sinh sản hồng cầu khi cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết.
- Chỉ số HTC (tỷ lệ thể tích hồng cầu trên thể tích máu toàn phần).
- Hàm lượng hemoglobin trong một đơn vị máu.
Ngoài ra, bạn còn cần làm thêm xét nghiệm định lượng nồng độ oxy trong máu. Mặt khác, đôi khi kỹ thuật kiểm tra đột biến gene cũng có thể được chỉ định.
Những phương pháp điều trị tăng tế bào hồng cầu
Việc sớm điều trị rất quan trọng vì nó có thể giảm thiểu rủi ro hình thành cục máu đông trong mao mạch, đồng thời đẩy lùi các triệu chứng khó chịu.
Những phương pháp điều trị phổ biến dành cho tình trạng sức khỏe này bao gồm:
- Trích máu tĩnh mạch: lấy một lượng máu nhỏ ra khỏi cơ thể nhằm giảm bớt số lượng tế bào hồng cầu. Bạn sẽ cần thực hiện thủ thuật này với tần suất hai lần/tuần hoặc hơn cho đến khi hàm lượng hồng cầu được kiểm soát ổn định.
- Dùng thuốc điều trị tăng hồng cầu: một số người dùng aspirin liều thấp với mục đích ngăn ngừa huyết khối hình thành vàthuốc ức chế sản sinh hồng cầu (thường là hydroxyurea, busulfan và interferon).
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tăng tế bào hồng cầu?
Trường hợp nguyên phát dường như không thể phòng ngừa được vì nó liên quan đến sự thay đổi ở mức vật chất di truyền. Tuy nhiên, đối với tình trạng số lượng hồng cầu đột ngột tăng lên vì vấn đề cụ thể, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ phát sinh bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh, chẳng hạn như:
- Không hút thuốc lá
- Thường xuyên rèn luyện thể chất
- Chú ý vấn đề dinh dưỡng
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về tình trạng tăng tế bào hồng cầu và cách điều trị. Nếu gặp phải bất kì triệu chứng nào nghi ngờ do hồng cầu cao, hãy nhanh chóng thăm khám để biết chính xác nguyên nhân và sớm khắc phục.