Tiểu cầu là những tế bào máu nhỏ được tạo ra trong tủy xương. Khi một trong các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, tiểu cầu sẽ liên kết với nhau để hình thành cục máu đông (huyết khối) giúp cầm máu. Mức tiểu cầu bình thường giúp cơ thể bạn đảm bảo quá trình đông máu. Vậy, chỉ số tiểu cầu người bình thường là bao nhiêu và mức bất thường cảnh báo điều gì về sức khỏe?
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây!
Xác định số lượng tiểu cầu bình thường bằng cách nào?
Để xác định mức tiểu cầu trong máu của một người, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra công thức máu toàn bộ (CBC). Đây là một xét nghiệm máu đơn giản để đo xem bạn có bao nhiêu tế bào máu thuộc mỗi loại. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bạn xác định số lượng các tế bào máu, bao gồm cả tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu.
Công thức máu toàn bộ (CBC) thường là một phần trong cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nếu họ nghi ngờ mức tiểu cầu của bạn bất thường. Sau đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định kế hoạch điều trị nếu cần.
Số lượng tiểu cầu bình thường là bao nhiêu?
Vì tiểu cầu chỉ sống trong cơ thể khoảng 10 ngày nên tủy xương sẽ liên tục tạo ra hàng triệu tiểu cầu mỗi ngày. Vậy, tiểu cầu của người bình thường là bao nhiêu? Chỉ số tiểu cầu bình thường dao động từ 150.000 đến 450.000 trên mỗi microlit máu.
Số lượng tiểu cầu bất thường cảnh báo điều gì?
Hiểu tiểu cầu bình thường là bao nhiêu thì bạn cũng nên biết khi có nhiều hơn 450.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu là tình trạng gọi là tăng tiểu cầu (tiểu cầu cao) và có ít hơn 150.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu được gọi là giảm tiểu cầu (tiểu cầu thấp).
Số lượng tiểu cầu không bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Cụ thể như sau:
Tiểu cầu cao
Khi có số lượng tiểu cầu cao hơn mức bình thường được gọi là tăng tiểu cầu. Điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đang tạo ra quá nhiều tiểu cầu. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Tăng tiểu cầu nguyên phát là khi tủy xương tạo ra quá nhiều tiểu cầu mà thường không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân có thể có số lượng tiểu cầu lên đến hơn 1 triệu.
- Tăng tiểu cầu thứ phát do một căn bệnh hoặc tình trạng khác kích thích tủy xương tạo ra nhiều tiểu cầu hơn, chẳng hạn như thiếu máu, nhiễm trùng, viêm, một số bệnh ung thư, phản ứng với thuốc, bệnh tủy xương, cắt bỏ lá lách.
Những tiểu cầu dư thừa này có thể gây đông máu không cần thiết hoặc thậm chí chảy máu quá nhiều. Tình trạng này gây hình thành cục máu đông tự phát ở tay và chân, nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Để mức tiểu cầu bình thường trở lại trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần phải lọc máu, chiết tách tiểu cầu ra và đưa hồng cầu trở lại cơ thể.
Tiểu cầu thấp
Mức tiểu cầu bình thường là phải trên 150.000 trên mỗi microlit máu. Số lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000 trên mỗi microlit máu được gọi là giảm tiểu cầu (hay tiểu cầu thấp). Nếu số lượng tiểu cầu dưới 50.000 trên mỗi microlit máu thì nguy cơ chảy máu sẽ cao hơn. Số lượng tiểu cầu thấp hơn 20.000 được coi là giảm tiểu cầu nghiêm trọng.
Một số dấu hiệu của số lượng tiểu cầu thấp là dễ bị bầm tím và chảy máu thường xuyên ở nướu, mũi hoặc đường tiêu hóa. Khi số lượng tiểu cầu xuống quá thấp có thể gây chảy máu trong (xuất huyết nội) rất nguy hiểm.
Một số nguyên nhân chính khiến số lượng tiểu cầu thấp là:
- Phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị vào vùng chậu hay vùng lớn tủy xương
- Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Lá lách to bất thường (cường lách)
- Bệnh gan
- Uống nhiều rượu
- Hội chứng urê huyết tán huyết (một căn bệnh gây phá hủy tiểu cầu)
- Giảm tiểu cầu miễn dịch
- Chảy máu nhiều sau chấn thương
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (cục máu đông trong các mạch máu nhỏ khắp cơ thể)
- Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn
- Mang thai.
Việc điều trị giảm tiểu cầu để mức tiểu cầu bình thường trở lại cũng tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu tình trạng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi.
Tiểu cầu là những tế bào nhỏ nhưng vô cùng quan trọng trong máu giúp cơ thể kiểm soát tình trạng chảy máu. Nếu bạn có các triệu chứng như dễ bị bầm tím, vết cắt liên tục chảy máu hoặc chảy máu cam thường xuyên, hãy thăm khám với bác sĩ ngay.
Bài viết trên đây vừa cung cấp cho bạn thông tin về chỉ số tiểu cầu bình thường là bao nhiêu, con số bất thường sẽ gợi ý điều gì. Hi vọng đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.