backup og meta

Xét nghiệm INR

Xét nghiệm INR

Xét nghiệm INR là một xét nghiệm được dùng để đánh giá hiệu quả của việc dùng thuốc cũng như giúp bác sĩ xác định liều lượng thuốc loãng máu cần sử dụng.

Vây xét nghiệm INR là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm INR là gì?

Prothrombin là một loại protein sản xuất bởi gan, hoạt động như một yếu tố đông máu. Các chuyên gia thường làm xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) chẩn hóa để kiểm tra thời gian hợp chất này cần để làm đông máu, tránh xuất huyết quá nhiều.

Chỉ số INR (International Normalized Ratio) được xem là tiêu chuẩn quốc tế của kết quả xét nghiệm trên, bất kể quy trình thực hiện như thế nào.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản rằng xét nghiệm INR là thủ thuật y tế dùng để đánh giá khả năng đông máu của một người.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm INR?

Người mắc bệnh rung tâm nhĩ hoặc lắp van tim nhân tạo thường sẽ được kê toa thuốc warfarin. Đây là một trong nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng máu phổ biến, dùng với mục đích ngăn chặn huyết khối hình thành trong mao mạch.

Thực tế, cơ chế hoạt động của thuốc làm loãng máu là kéo dài thời gian cần thiết để máu đông lại. Do đó, để đánh giá hiệu quả của việc dùng warfarin, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm INR.

Khi nào cần xét nghiệm INR?

Quá trình đông máu giúp ngăn chặn tình trạng xuất huyết quá mức ở các vết thương. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời góp phần dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim do hình thành huyết khối trong mao mạch. Vì vậy, một tác dụng khác của xét nghiệm trên là hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định liều lượng thuốc làm loãng máu phù hợp.

Mặt khác, đôi khi xét nghiệm INR còn tiến hành với mục đích:

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Thủ thuật này không có yêu cầu chuẩn bị đặc biệt nào. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm có thể không chính xác do chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như:

  • Thuốc chống đông máu (warfarin, heparin…)
  • Vitamin K trong quá trình điều trị bệnh gan
  • Thảo dược, chất bổ sung và một số loại thuốc kê toa cũng như không kê đơn
  • Một số thực phẩm, đặc biệt là nhóm giàu vitamin K

Vì vậy, trước khi làm xét nghiệm, bạn nên thông báo với bác sĩ về những loại thuốc, thảo dược hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng. Bên cạnh đó, nếu bạn có thói quen dùng thực phẩm giàu vitamin K, hãy thông báo cho bác sĩ.

Ngoài ra, tương tự như nhiều loại xét nghiệm máu khác, bạn cũng có thể được yêu cầu không ăn uống trong vòng 8–10 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm INR.

Trong khi thực hiện

Bác sĩ sẽ cần lấy một lượng nhỏ máu làm mẫu phân tích. Để thực hiện điều này, các chuyên viên y tế sẽ dùng kim tiêm để rút máu. Vị trí thường lấy là mặt trong khuỷu tay vì lớp da ở đây tương đối mỏng, thuận lợi cho việc tìm kiếm mao mạch.

Nhằm đảm bảo chất lượng của mẫu phân tích, quy trình cần đảm bảo vô trùng với các bước như sau:

  • Khử trùng vị trí rút máu.
  • Tìm kiếm tĩnh mạch để lấy mẫu bằng cách sử dụng dải thun bó chặt phần bắp tay trên. Nhờ đó, mao mạch có thể hiện rõ dưới da.
  • Dùng bông gòn hoặc băng tiệt trùng để cầm máu sau khi đã lấy mẫu xong.

Lấy mẫu xét nghiệm INR

Sau khi thực hiện

Mẫu máu sau khi được lấy sẽ gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Tại đây, các chuyên gia sẽ dùng đến một số hóa chất để xác định thời gian cần thiết cho quá trình đông máu. Bạn có thể nhận được kết quả sau vài ngày.

Điều cần thận trọng

Xét nghiệm INR có nguy hiểm không?

Sau khi lấy mẫu máu bằng kim tiêm, một số người có thể bắt gặp các triệu chứng khó chịu ở vị trí đâm kim như:

  • Đau nhói
  • Sưng tấy
  • Bầm tím

Thực tế, bạn không cần phải quá lo lắng vì các dấu hiệu trên thường vô hại và sẽ nhanh chóng biến mất.

Tuy nhiên, trong vài trường hợp hy hữu, các vi sinh vật gây bệnh có nguy cơ tấn công bạn từ vết thương do kim đâm vào. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm INR là gì?

Nhìn chung, chỉ số INR càng cao thì cơ thể bạn sẽ cần càng nhiều thời gian để đông máu hơn. Ngược lại, chỉ số càng thấp, bạn có nhiều nguy cơ tạo thành cục máu đông trong mao mạch.

Tuy nhiên, thực tế kết quả xét nghiệm INR có thể khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:

  • Độ tuổi
  • Giới tính
  • Bệnh sử
  • Quy trình thực hiện xét nghiệm
  • Một số loại thuốc điều trị, thảo dược hoặc chất bổ sung

Cụ thể hơn, một người đang uống thuốc làm loãng máu thường có chỉ số INR rơi vào khoảng 2–3. Mặc dù vậy, phạm vi này không cố định vì còn phụ thuộc vào mục đích bạn dùng thuốc. Chẳng hạn như, nếu bạn đang tiếp nhận điều trị van tim, giới hạn kết quả INR của bạn sẽ là 2,5–3,5.

Do đó, kể cả khi xét nghiệm INR cho ra kết quả không như mong muốn, sức khỏe của bạn chưa hẳn có vấn đề. Trong trường hợp này, bạn nên nhờ bác sĩ giải thích cụ thể ý nghĩa kết quả xét nghiệm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

International normalised ratio (INR) test. https://www.healthdirect.gov.au/international-normalised-ratio-INR-test. Ngày truy cập 02/01/2020.

International Normalized Ratio. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=167&contentid=international_normalized_ratio. Ngày truy cập 02/01/2020.

Prothrombin Time and International Normalized Ratio (PT/INR). https://labtestsonline.org/tests/prothrombin-time-and-international-normalized-ratio-ptinr. Ngày truy cập 02/01/2020.

Prothrombin time test https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/prothrombin-time/about/pac-20384661 Ngày truy cập 02/01/2020.

Prothrombin Time Test and INR (PT/INR) https://medlineplus.gov/lab-tests/prothrombin-time-test-and-inr-ptinr/ Ngày truy cập 02/01/2020.

Phiên bản hiện tại

04/06/2021

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Thời gian đông máu hoạt hóa

Bệnh máu khó đông (Rối loạn đông máu di truyền)


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 04/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo