Giời leo (bệnh zona) có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả tai. Mặc dù không quá phổ biến nhưng bệnh có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp tất tần tật thông tin về căn bệnh giời leo ở tai, từ đó giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa cũng như điều trị bệnh.
Tìm hiểu chung
Bệnh giời leo ở tai là gì?
Hiện tượng giời leo là một vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng nhiễm virus zona. Hội chứng Ramsay Hunt là một tên gọi khác của bệnh giời leo ở vùng tai.
Trong trường hợp giời leo ở tai, sau khi xâm nhập cơ thể người bệnh, virus sẽ tấn công vào hệ thần kinh tai, lưỡi và mặt, từ đó kéo theo những dấu hiệu như:
- Liệt cơ mặt
- Xuất hiện những mảng phát ban bóng nước
- Giảm thính giác
Bạn cần điều trị kịp thời để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng như yếu cơ mặt vĩnh viễn và điếc.
Những ai thường mắc bệnh giời leo?
Hiện tượng giời leo ở tai hiếm gặp ở trẻ em và thường thấy ở người cao tuổi, với tỉ lệ mắc bệnh ở nam nữ ngang nhau. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh giời leo là gì?
Hai dấu hiệu chính của hội chứng Ramsay Hunt là:
- Phát ban đỏ, nổi mụn nước gây đau đớn ở trên hoặc xung quanh tai
- Yếu hoặc liệt vùng mặt ở bên tai mắc bệnh
Thông thường, tình trạng phát ban và liệt mặt sẽ xảy ra cùng một lúc. Tuy nhiên, cũng có trường hợp một trong hai triệu chứng có thể xuất hiện trước hoặc đôi khi không có triệu chứng phát ban.
Các triệu chứng khác của hội chứng bao gồm:
- Đau tai
- Mất thính lực
- Ù tai
- Khó nhắm mắt
- Quay cuồng, chóng mặt
- Thay đổi hoặc mất vị giác
- Khô miệng và khô mắt
- Buồn nôn và nôn
Những biểu hiện trên có thể gây chảy nước mũi, khiến thức ăn bị mắc kẹt ở nửa bên bị ảnh hưởng và khô mắt. Thêm vào đó, đôi khi sự giảm thính lực và liệt mặt không hồi phục được.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như:
- Bị phát ban bóng nước xung quanh tai
- Giảm thính lực
- Liệt một bên mặt
- Đau mặt kèm nhức đầu.
Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh giời leo là gì?
Bệnh giời leo xảy ra bởi cùng một loại virus gây ra bệnh thủy đậu (varicella-zoster). Khi bạn đã hồi phục sau khi bị thủy đậu, virus vẫn còn tồn tại trong dây thần kinh của bạn trong nhiều năm. Virus này được tái hoạt khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, gây nên bệnh zona, đặc trưng bởi phát ban bóng nước gây đau. Nếu tình trạng nhiễm virus lan đến vùng quanh tai, nó có thể gây bệnh zona tai.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh giời leo?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ zona tai, bao gồm:
- Người cao tuổi, đặc biệt trên 60 tuổi
- Người bị suy giảm miễn dịch
- Người từng bị thủy đậu.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Bệnh giời leo có lây không?
Giời leo là một bệnh không lây. Tuy nhiên, người chưa bị thủy đậu hoặc chưa chủng ngừa thủy đậu sẽ có khả năng nhiễm bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với người bị bệnh giời leo.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh giời leo ở tai có nguy hiểm không?
Nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng sức khỏe này có thể dẫn đến:
- Mất thính lực vĩnh viễn và yếu cơ mặt
- Tổn thương mắt
- Đau dây thần kinh hậu zona
Đây cũng là lý do vì sao các chuyên gia luôn khuyến khích người có dấu hiệu bị giời leo ở tai nên mau chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh giời leo?
Bác sĩ có thể chẩn đoán zona tai dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng. Thỉnh thoảng, bác sĩ sẽ bóc lớp trên cùng của bóng nước ra và cạo lấy lớp đáy. Mảnh cạo này (gọi là phết Tzanck) sẽ được gửi đi xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể thực hiện cấy virus. Cấy virus là hình thức phân lập virus bằng cách nuôi nó trên một đĩa cấy đặc biệt.
Trường hợp hiếm, bác sĩ có thể phải cần đến chụp cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ các bệnh lý khác.
Bị giời leo dùng thuốc gì để mau khỏi?
Cách chữa giời leo ở tai phổ biến nhất là dùng thuốc kê toa. Các loại thuốc chữa giời leo thường bao gồm:
Thuốc kháng virus
Các loại thuốc như acyclovir (Zovirax), famciclovir (Famvir) hoặc valacyclovir (Valtrex) có tác dụng chống lại virus thủy đậu.
Corticosteroid
Thuốc prednisone liều cao có thể được bổ sung để tăng tác dụng của thuốc kháng virus.
Thuốc chống lo âu
Các loại thuốc như diazepam (Valium) có thể giúp làm giảm chứng chóng mặt, quay cuồng, hạn chế tình trạng té ngã gây nguy hiểm cho người cao tuổi.
Thuốc giảm đau
Hội chứng Ramsay Hunt có thể gây ra các cơn đau nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau cho bạn nếu cần thiết.
Mách bạn cách trị bệnh giời leo hiệu quả nhất tại nhà
Bên cạnh những cách chữa bệnh giời leo ở tai bằng thuốc đặc trị như trên, bạn có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng bằng các phương pháp đơn giản tại nhà, chẳng hạn như:
- Vệ sinh và giữ khô ráo các khu vực bị phát ban
- Chườm lạnh vào vùng bị phát ban để giảm đau
- Uống thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen
Nếu tình trạng yếu mặt khiến bạn khó nhắm mắt, bạn có thể thử các cách sau:
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt để giữ ẩm mắt nếu mắt bạn bị khô.
- Bôi thuốc mỡ lên mắt, dán mí mắt hoặc đeo mặt nạ mắt vào ban đêm
Trong một số trường hợp hiếm, bạn có thể phải cần thực hiện phẫu thuật để giảm bớt áp lực lên dây thần kinh mặt.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh giời leo?
Bệnh giời leo có thể được hạn chế nếu bạn thực hiện theo những thói quen sinh hoạt sau đây:
- Giữ sạch vùng da bị phát ban
- Dùng băng ẩm, mát đè lên vùng phát ban để giảm đau
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc kháng viêm, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin B…)
- Dùng thuốc nhỏ mắt dưỡng ẩm suốt cả ngày nếu mắt bạn bắt đầu bị khô
- Vào buổi tối, bôi thuốc mỡ vào mắt và dán mi mắt cho đóng lại hoặc mang miếng che mắt
- Chích ngừa thủy đậu cho trẻ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.