backup og meta

Tìm hiểu về thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết

Tìm hiểu về thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết

Nhắc đến sốt xuất huyết thì đây là căn bệnh mà chúng ta chẳng mấy xa lạ. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa biết rõ thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là bao lâu.

Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát thành dịch vào mỗi mùa mưa. Khi bị muỗi vằn đốt và truyền virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ trải qua một khoảng thời gian ủ bệnh trước khi có các triệu chứng cảnh báo.

Do thời gian ủ bệnh có khi kéo dài và âm thầm nên nhiều người không hay mình mang mầm bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Điều này vô tình lại phát tán virus từ khu vực này sang khu vực khác, góp phần làm cho bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như cách phòng bệnh hiệu quả.

Thời gian ủ bệnh cùng triệu chứng của sốt xuất huyết

1. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn ủ bệnh là lúc mà cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại các tác nhân lạ xâm nhập như vi khuẩn và virus. Với một bệnh truyền nhiễm điển hình như trường hợp này, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là khoảng thời gian virus nhân lên để đạt đến ngưỡng cần thiết làm xuất hiện các triệu chứng trên vật chủ.

Thông thường thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết diễn ra trong khoảng từ 4 – 7 ngày, đôi khi có thể kéo dài đến 14 ngày. Thực tế là thời gian ủ bệnh có thể ngắn hơn hay kéo dài hơn là tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ địa người bệnh, khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, tuổi của người bệnh và nhiễm týp virus gây bệnh nào.

Trường hợp người mang mầm bệnh sốt xuất huyết bị muỗi đốt và lây nhiễm cho người thân trong nhà hoặc xung quanh thì khi người lây bệnh đã khỏi hoặc sắp hết bệnh thì người bị lây mới bắt đầu có biểu hiện sốt.

Trong thời gian đầu mắc bệnh, việc làm xét nghiệm cũng không phân biệt được sốt xuất huyết và các bệnh nhiễm virus khác.

2. Các giai đoạn sau thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết

thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết chuyển sang sốt 160387478

Giai đoạn đầu: xuất hiện sau thời kỳ ủ bệnh, thường bắt đầu từ ngày thứ 2 nhiễm virus và kéo dài khoảng 1 tuần. Biểu hiện dễ thấy là các cơn sốt cao liên tục, kéo dài và khó hạ sốt. Lúc này, người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu dữ dội (nhất là ở vùng hố mắt) và có dấu hiệu xuất huyết ở niêm mạc ngoài da như các ban xuất huyết rải rác.

Giai đoạn nguy hiểm: là thời điểm virus đã tồn tại đủ lâu trong cơ thể mà không bị tiêu diệt sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm, như xuất huyết não, xuất huyết dạ dày, tràn dịch màng phổi, suy gan, suy thận… Trường hợp người bệnh sốc do xuất huyết sẽ có những biểu hiện như vật vã, li bì, tê lạnh đầu chi, mạch nhỏ, khó bắt.

Giai đoạn phục hồi: bắt đầu và kéo dài 1 vài ngày sau khi bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy hiểm. Bệnh nhân sẽ dần hết sốt, thể trạng tốt hơn, thèm ăn và ăn uống tốt hơn, huyết áp cũng ổn định và quan sát thấy bệnh nhân đi tiểu nhiều.

Sốt xuất huyết là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao không tưởng

Bệnh sốt xuất huyết là căn bệnh lây nhiễm khá nguy hiểm có thể gây tử vong do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Đây là bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu chỉ là giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện tình trạng cho bệnh nhân. Vaccine phòng bệnh chưa đưa vào sử dụng rộng rãi trên người.
  • Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn quá muộn sau thời kỳ ủ bệnh kéo dài hoặc khi cơ thể đã mất nước quá nhiều.
  • Các biến chứng nguy hiểm có thể khiến người bệnh bị xuất huyết bất thường, giảm yếu tố đông máu, giảm tiểu cầu, các chức năng của tạng phủ khác cũng suy giảm trầm trọng. Khi bị sốc do thoát huyết tương, người bệnh cũng bị tụt huyết áp, đôi lúc không đo được huyết áp.

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Vừa rồi là những thông tin về thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết. Để phòng tránh căn bệnh truyền nhiễm này, không còn cách nào khác hơn là phải xua đuổi kẻ gieo rắc mầm bệnh chính là muỗi vằn. Bạn có thể áp dụng các mẹo đơn giản sau:

1. Sử dụng vỏ cam, quýt khô

thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết vỏ cam 240923182

Bạn ăn cam, quýt thì đừng nên đổ vỏ liền, bởi lẽ trong vỏ hai loại quả này có chứa tinh dầu giúp đuổi muỗi. Thứ mùi đó khá hấp dẫn đối với chúng ta, nhưng lại là thứ mà muỗi rất ghét.

Cách đơn giản là chỉ cần dùng vài mẩu vỏ cam, quýt đã phơi khô đốt trên bếp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp đuổi muỗi này là chỉ có tác dụng ngắn.

2. Diệt muỗi bằng vợt điện

Những thiết bị diệt muỗi có hình dáng như vợt tennis này không còn xa lạ và khá dễ sử dụng. Phần lưới ở giữa tích điện giúp tiêu diệt muỗi nhanh gọn. Ưu điểm nữa là chúng có thể sạc điện để tiếp tục sử dụng cho lần sau, rất tiện dụng. Lưu ý rằng nếu gia đình có trẻ nhỏ, không nên để vật dụng này bừa bãi để trẻ chạm vào rất nguy hiểm

3. Trồng cây đuổi muỗi

Bạn nên trồng những loại cây như húng quế, sả, bạc hà xung quanh nhà hoặc ở sân vườn để xua đuổi muỗi. Trồng cây cũng là biện pháp thân thiện cho môi trường, cũng không gây độc hại như dùng các loại hóa chất diệt muỗi. Mùi hương tỏa ra từ các loại cây này lại khiến muỗi không dám đến gần.

4. Nước rửa chén

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết đơn giản mà hiệu quả là sử dụng nước rửa chén. Bạn chỉ cần pha loãng một ít dung dịch này với một chút nước, sau đó cho vào đĩa (hoặc tô, chén…) rồi đặt ở những khu vực nhiều muỗi. Đảm bảo rằng những “kẻ hút máu” sẽ không còn bay vào nhà mà chỉ tập trung ở đĩa nước đó. Hơn nữa, nhờ vào tính kiềm thì nước rửa chén sẽ làm phân hủy trứng muỗi, như vậy muỗi sẽ không thể sinh sôi được nữa.

5. Đuổi muỗi bằng sáp thơm

sáp đuổi muỗi 388442629

Các loại nến, sáp thơm không chỉ là vật trang trí và góp thêm phần lung linh cho ngôi nhà của bạn. Một số loại sáp thơm đuổi muỗi còn khá công hiệu trong việc xua đuổi kẻ đáng ghét này.

Với thành phần chiết xuất từ tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu sả, tinh dầu vỏ cam… có mùi thơm tự nhiên không gây hại cho gia đình bạn. Ngoài muỗi, chúng còn giúp bạn xua đuổi cả gián và nhiều loại côn trùng khác nữa.

6. Thoa dầu gió tránh muỗi

Người Việt thường có thói quen sử dụng dầu gió hằng ngày, thật may mắn khi thói quen này lại rất hiệu quả trong việc đuổi muỗi.

Bạn có thể tẩm dầu gió vào màn hay rèm cửa, bôi trực tiếp dầu lên người ở những vị trí như bàn chân, cổ, đỉnh đầu, bụng… Ngoài ra, bạn có thể mở nắp chai dầu và để ở những nơi có nhiều muỗi như góc tối trong nhà, dưới gầm bàn ghế.

Tuy nhiên, phương án này chỉ nên áp dụng trong những không gian như phòng kín hoặc có diện tích nhỏ và người sống trong đó không dị ứng với mùi dầu.

7. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ môi trường sinh sôi của muỗi

Việc dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường luôn là tôn chỉ trong phòng ngừa các bệnh lây nhiễm. Đặc biệt cần chú ý vệ sinh sạch sẽ ở những nơi muỗi thường trú ngụ như các góc nhà, cạnh tủ.

Các dụng cụ chứa nước trong nhà cần phải được vệ sinh thường xuyên ít nhất một lần một tuần. Bên cạnh đó, cần đậy kín bề mặt của chúng để tránh muỗi đẻ trứng. Thu gom, loại bỏ các vật dụng phế thải trong nhà cũng là cách để hạn chế nơi muỗi lưu trú và sinh sôi.

Nếu có điều kiện, bạn có thể lắp lưới chống muỗi trong nhà, ngay vị trí tại cửa chính và cửa sổ. Loại dụng cụ này vừa giúp ngăn muỗi, chống côn trùng và giúp hạn chế bụi bẩn.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những kiến thức về bệnh, cũng như hiểu rõ hơn thế nào là thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết cũng như rút ra cho bản thân nhiều biện pháp phòng tránh muỗi đốt hữu ích.

Minh Phú / HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dengue Fever

https://www.emedicinehealth.com/dengue_fever/article_em.htm

Ngày truy cập 23/08/2019

What can you do to protect yourself from dengue fever?

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/qa/what-can-you-do-to-protect-yourself-from-dengue-fever

Ngày truy cập 23/08/2019

Dengue Fever Prevention

https://www.news-medical.net/health/Dengue-Fever-Prevention.aspx

Ngày truy cập 23/08/2019

Phiên bản hiện tại

04/08/2023

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Metapneumovirus: Bạn cần biết gì để bảo vệ bản thân?

Bà bầu bị sốt xuất huyết: Điều trị như thế nào để ngăn ngừa biến chứng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 04/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo