backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Các giai đoạn sốt xuất huyết và 9 dấu hiệu cảnh báo bệnh sắp chuyển nặng

Tác giả: Bác sĩ CKI Lê Thị Mỹ Châu · Bệnh truyền nhiễm · Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM


Ngày cập nhật: 04/08/2023

    Các giai đoạn sốt xuất huyết và 9 dấu hiệu cảnh báo bệnh sắp chuyển nặng

    Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện đa dạng, tiến triển từ nhẹ đến nặng nhanh chóng khó ngờ. Do đó, việc nắm rõ về các giai đoạn sốt xuất huyết cùng những dấu hiệu chuyển nặng có thể giúp bạn chăm sóc sức khỏe đúng cách và đến bệnh viện kịp thời, giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng. 

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết. Việc phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của bệnh và chuyển đến bệnh viện kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuấy huyết nặng xuống dưới 1%. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết và các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng để chăm sóc sức khỏe kịp thời!

    Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết

    các giai đoạn của sốt xuất huyết

    Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC, Hoa Kỳ), khoảng 1/20 người mắc sốt xuất huyết sẽ tiến triển thành thể nặng và có thể gây sốc, xuất huyết hay thậm chí tử vong. Nếu từng mắc sốt xuất huyết, bạn có nhiều nguy cơ bị sốt xuất huyết nặng. Do đó, việc theo dõi các giai đoạn bệnh và dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng là vô cùng quan trọng để kịp thời đến bệnh viện điều trị.

    Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện đa dạng, tiến triển từ nhẹ đến nặng nhanh chóng khó ngờ. Bệnh khởi đầu với triệu chứng sốt đột ngột và quá trình bệnh thường theo 3 giai đoạn: 

    • Giai đoạn sốt: thường trong 3 ngày đầu
    • Giai đoạn nguy hiểm: từ ngày 3 đến ngày 7
    • Giai đoạn hồi phục: từ ngày 7 đến ngày 10 của bệnh

    Như vậy, trong giai đoạn nguy hiểm, có những “gợi ý” mà bạn cần theo dõi, ghi chép lại những triệu chứng, cảm giác bất thường để tái khám nhanh nhất có thể. Việc này giúp giảm thiếu nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết hiệu quả. 

    9 dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết sắp chuyển sang giai đoạn nặng

    các giai đoạn sốt xuất huyết

    Ngoài việc nắm rõ các giai đoạn sốt xuất huyết để chăm sóc sức khỏe đúng cách, người bệnh cũng nên nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh sắp chuyển sang giai đoạn nặng. Việc kịp thời nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng giúp bạn đi khám kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc. Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết sắp chuyển sang giai đoạn nặng mà bạn cần nhớ:

    1. Người bệnh cảm thấy khó chịu hơn dù đã giảm sốt hoặc hết sốt
    2. Không ăn, uống được
    3. Nôn ói nhiều: trên 3 lần trong vòng 1 giờ hoặc trên 4 lần trong vòng 6 giờ
    4. Đau bụng nhiều, liên tục, nhất là ở vùng dưới bờ sườn phải (do gan căng, đau)
    5. Tay chân lạnh, ẩm
    6. Mệt lả, bứt rứt
    7. Các dấu hiệu xuất huyết như: chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, tiểu ra máu
    8. Không đi tiểu được trong hơn 6 giờ
    9. Người nhà thấy bệnh nhân có hành vi không bình thường như lú lẫn, vật vã, li bì… 

    Bị sốt xuất huyết: Khi nào người bệnh cần “dọn nhà” vào bệnh viện?

    các giai đoạn sốt xuất huyết

    Thực sự không phải ai bị sốt xuất huyết cũng nặng nề hoặc đe dọa chuyển nặng. Tuy nhiên, khi rơi vào một trong những trường hợp sau, bạn nên “xách ba lô lên và đi”… nhập viện ngay.

    • Có một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng hơn đã đề cập ở trên.
    • Người bệnh sống một mình, không có ai giúp chăm sóc và đưa nhập viện khi bệnh trở nặng hơn. 
    • Đang sinh sống xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
    • Gia đình không có khả năng theo dõi người bệnh sát sao.
    • Bệnh nhân thuộc các đối tượng dễ bị bệnh nặng, như: trẻ dưới 1 tuổi, người có thể trạng dư cân – béo phì, mẹ bầu, người già trên 60 tuổi.
    • Người bệnh có sẵn các bệnh nền như: bệnh lý thận mạn tính, bệnh tim mạch, bệnh gan, hen phế quản, COPD điều trị không hiệu quả, đái tháo đường, thiếu máu tan máu…

    Nếu bác sĩ chưa yêu cầu nhập viện, bạn có thể nghỉ ngơi hoàn toàn tại nhà, uống thuốc và tái khám theo đúng hướng dẫn để được kiểm tra số lượng tiểu cầu, dung tích hồng cầu và chức năng gan, thận đều đặn. Thực tế có những trường hợp hiếm hoi bệnh nhân không có biểu hiện nặng nhưng xét nghiệm lại tiến triển theo chiều hướng xấu hơn hoặc tiểu cầu giảm nhiều hoặc máu cô đặc hơn, hoặc men gan xấu hơn… Khi ấy bác sĩ cũng sẽ chỉ định bạn nhập viện để theo dõi huyết áp, tình trạng chảy máu sát sao hơn.

    Ngoài ra trong quá trình bệnh, bạn nên lưu ý các chế độ ăn uống thích hợp để bệnh hồi phục nhanh hơn. 

    Như vậy bệnh sốt xuất huyết thực sự không quá đáng sợ và không phải bắt buộc 100% các ca bệnh phải nhập viện. Bạn hoàn toàn có thể tự chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn cần biết cách theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm thật cẩn thận để tái khám ngay khi cần thiết, cùng với xét nghiệm và uống thuốc theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

    Tại miền Nam, bạn có thể đến khám tại các địa chỉ:

    • Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

    764 Đ. Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh , điện thoại:  028 3923 5804.

    • Bệnh viện Nhân Dân 115 
    527 Đ. Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại 028 3865 4249.
    • Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

    1 Nơ Trang Long, Phường 7, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại 028 3841 2692.

  • Bệnh viện Nhi Đồng 1
  • 341 Đ. Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại 028 3927 1119.

    • Bệnh viện Nhi Đồng 2

    14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại 028 3829 5723.

    • Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

    15 Đ. Võ Trần Chí, Tân Kiên, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại 1900 1217

    • Các bệnh viện quận/ huyện. 

    Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã nắm rõ các giai đoạn sốt xuất huyết và nhận biết được các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để kịp thời đi khám.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ CKI Lê Thị Mỹ Châu

    Bệnh truyền nhiễm · Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM


    Ngày cập nhật: 04/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo