Nhiễm ký sinh trùng là căn bệnh không chừa một ai. Khi đi vào cơ thể, những ký sinh trùng này có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm và “tàn phá” cơ thể bằng nhiều cách khác nhau.
Tình trạng nhiễm ký sinh trùng thường bị nhiều người xem thường và chẳng mấy quan tâm. Thế nhưng, đây lại là căn bệnh rất thường gặp và gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước có khí hậu nhiệt đới, chẳng hạn như Việt Nam.
Phòng ngừa nguy cơ nhiễm ký sinh trùng như thế nào trong thời đại mà tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm bẩn luôn tràn ngập khắp mọi nơi là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ đem dến một số thông tin hữu ích về cách phòng chống nhiễm ký sinh trùng đơn giản thông qua những hoạt động thường ngày để bạn có thể tham khảo và áp dụng thử.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng
Việc nâng cao sức mạnh cho hệ miễn dịch là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Để nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Tập thể dục thường xuyên
Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng 60 – 90% những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất ít bị cảm lạnh hơn so với những người không duy trì thói quen rèn luyện thể chất. Tập luyện thể dục thể thao điều độ chính là cách hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời hoạt động này còn có tác động tích cực lên hệ vi sinh vật đường ruột, giúp giảm nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng.
2. Xây dựng lối sống lành mạnh để không bị nhiễm ký sinh trùng
Thói quen hút thuốc, uống rượu, bia, làm việc quá căng thẳng, thiếu ngủ là những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu. Tình trạng thiếu ngủ khiến các tế bào xung kích tự nhiên (vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư) bị giảm dần, trong khi khói thuốc có chứa đến 4.000 hóa chất độc hại có thể gây kích ứng và tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Chính vì vậy, để nâng cao sức khỏe của hệ miễn dịch và phòng chống nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế những thói quen nguy hại kể trên.
3. Chú ý đến chế độ ăn đế ngừa nhiễm ký sinh trùng
Để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe như thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, thực phẩm chế biến… Bên cạnh đó, bạn cũng nên thêm vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như:
- Quả mọng: Đây được xem là một phương thuốc truyền thống để chống lại ký sinh trùng. Nguyên nhân là do loại quả này chứa rất nhiều polyphenol, một chất chống oxy hóa có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và nhuận tràng tự nhiên.
- Tỏi: Đây là loại gia vị giúp tăng cường miễn dịch và chống ký sinh trùng rất tuyệt vời. Để giảm nguy cơ bị bệnh, bạn nên thêm một ít tỏi vào các món ăn nhé.
- Giấm táo: Có hiệu quả cao trong việc duy trì sức khỏe đường ruột, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của ký sinh trùng. Ngoài ra, loại giấm này cũng rất giàu vitamin B giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Cà chua: Ăn cà chua mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm nấm, ký sinh trong dạ dày và cơ thể. Bạn có thể ăn sống hoặc chế biến thành những món ăn vừa ngon miệng vừa giàu dinh dưỡng.
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng vào chế độ ăn, bạn cũng nên chú ý đến vấn đề chọn lựa và chế biến thực phẩm. Nhiều người cho rằng chỉ khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thực phẩm chưa nấu chín hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn mới có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, thực tế, bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng rất cao nếu không cẩn thận trong khâu sơ chế hay chế biến các loại thực phẩm sau:
- Rau sống
- Cá nước mặn như cá tuyết, cá trích
- Các loại cá nước ngọt như cá hồi
- Thịt lợn
- Thịt bò
- Nội tạng động vật
- Trái cây.
4. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Bên cạnh việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, bạn cũng nên chú ý đến việc giữ vệ sinh cá nhân bằng những biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Chỉ ăn những thực phẩm đã được chế biến kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, hạn chế ăn ngoài hàng quán
- Uống nước đã đun sôi, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt giũ quần áo, khăn tắm, chăn, drap, gối
- Tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Tăng cường sức đề kháng của da
Hệ miễn dịch là một hệ thống gồm nhiều cấu trúc và quá trình sinh học phức tạp với chức năng chính là bảo vệ con người trước những tác nhân gây hại từ môi trường. Trong đó, da là cơ quan ngoài cùng, chiếm diện tích lớn nhất, được mệnh danh là lớp “áo giáp” đầu tiên của hệ miễn dịch.
Cũng giống như bao bộ phận khác trên cơ thể, da cũng có khả năng đề kháng tự nhiên hay còn gọi là đề kháng da. Khả năng này giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại và binh đoàn vi khuẩn đang cư ngụ ở lớp thượng bì của da.
Một khi sức đề kháng của da bị suy giảm, da của bạn sẽ rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây hại bên ngoài. Không những vậy, “binh đoàn” ký sinh trùng gây hại sẽ “tận dụng” cơ hội để đóng quân trên da, rồi sinh sôi nảy nở và tấn công cơ thể. Điều này khiến chúng ta dễ bị lây nhiễm ký sinh trùng.
Chính vì vậy, mỗi người cần phải quan tâm hơn đến sức đề kháng da của mình, tương tự như việc chăm sóc sức đề kháng cho cơ thể. Để tăng cường sức đề kháng của da, bạn nên chú ý đến việc giữ vệ sinh cơ thể đúng cách bằng một sản phẩm chăm sóc da phù hợp để làm sạch bụi bẩn, hạn chế sự phát triển quá mức của các vi sinh vật gây bệnh trên da, có thể kết hợp với khả năng đề kháng da để bảo vệ cơ thể một cách tốt nhất.
Các loại ký sinh trùng thường dễ bị nhiễm
Có rất nhiều loại ký sinh trùng khác nhau ngoài môi trường đang hăm he tấn công cơ thể chúng ta mỗi ngày. Thông thường, chúng được phân thành 3 nhóm chính:
Động vật nguyên sinh: là sinh vật đơn bào cực nhỏ có thể sống trong vật chủ hoặc tồn tại dưới dạng sinh vật sống tự do. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, những ký sinh trùng này sẽ sinh sôi và phát triển theo cấp số nhân và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Loại ký sinh trùng này thường lây lan từ người này sang người khác thông qua phân, máu hoặc do vết đốt côn trùng.
Giun sán: Đây những sinh vật lớn hơn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở dạng trưởng thành. Chúng có thể ký sinh hoặc sống tự do. Một số loại giun sán thường gặp là:
- Giun đầu gai
- Giun dẹp
- Sán dây
- Giun tròn
Ngoại ký sinh: Đây là thuật ngữ dùng để mô tả các loài động vật có thể cắn, chích hoặc làm tổ trong da người và truyền ký sinh trùng vào cơ thể như bọ chét, ve, chấy rận, con ghẻ…
Nguyên nhân gây nhiễm trùng ký sinh trùng
Theo các chuyên gia y tế, ký sinh trùng thường đi vào cơ thể thông qua miệng hoặc các vết thương hở trên bề mặt da. Trong đó, chúng ta có thể bị nhiễm bởi nhiều lý do, chẳng hạn như:
- Sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không được nấu chín kỹ hoặc trong quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh
- Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
- Lây nhiễm thông qua tiếp xúc với vật nuôi
- Các hoạt động tình dục không an toàn
Ngoài ra, chúng ta còn có thể bị nhiễm ký sinh trùng thông qua những sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và nguồn không khí bị ô nhiễm, cầm nắm đồ vật, không chú ý việc giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn hoặc vệ sinh cá nhân.
Tuy nhiên, không phải ai khi tiếp xúc với ký sinh trùng cũng bị lây nhiễm bệnh bởi sẽ có những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân chính của việc này nằm ở hệ miễn dịch của mỗi người. Nếu bạn có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, nó có thể tiêu diệt hay làm suy yếu hầu hết các tác nhân gây hại đến từ môi trường bên ngoài như virus, vi khuẩn và thậm chí là cả ký sinh trùng. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch của bạn yếu, cơ thể sẽ rất dễ bị ký sinh trùng, virus… xâm nhập, tấn công và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.