backup og meta

Thực hư việc rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

Thực hư việc rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

Chủng ngừa vắc xin phòng COVID-19 là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhiều báo cáo trên thế giới cho thấy, một số phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Điều này khiến các chị em e ngại trong việc tiêm phòng. Vậy, thực hư chuyện này là như thế nào?

Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Phản ánh của phụ nữ về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin covid-19

Kể từ khi chương trình tiêm vắc xin ở Vương quốc Anh được triển khai vào tháng 1 năm 2021, tính đến ngày 2 tháng 9 năm 2021, Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của nước này đã nhận được hơn 30.000 báo cáo về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua chương trình giám sát các phản ứng có hại của vắc xin (báo cáo thẻ vàng). Những thay đổi phổ biến nhất bao gồm chậm kinh, kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường và xuất huyết âm đạo bất thường, cũng như tăng cảm giác mệt mỏi và buồn nôn trong suốt chu kỳ. Các vấn đề này xuất hiện sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào đang được cung cấp, bao gồm cả Pfizer-BioNTech và AstraZeneca.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Hoa Kỳ, với khoảng 6000 phụ nữ báo cáo rằng kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường hoặc xuất hiện không đều sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. 

Mặc dù những báo cáo này có vẻ đáng lo ngại, nhưng không có nghĩa là vắc xin thực sự gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều. Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 được liệt kê là sốt, mệt mỏi, đau cơ và đau cánh tay… Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm phòng COVID-19 ít được ghi nhận, bởi tình trạng này là cực kỳ phổ biến trong đời sống bình thường.

Thực hư việc rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

MHRA tuyên bố rằng việc đánh giá các báo cáo thẻ vàng không cho thấy mối liên hệ giữa những thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và vắc xin phòng COVID-19. Nguyên nhân là do số liệu thống kê về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể gây hiểu lầm. Cụ thể, tính đến thời điểm nhận được báo cáo, so với 93 triệu liều vắc xin được tiêm ở Anh Quốc, trong đó 50% là tiêm cho nữ giới, tỷ lệ rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin là rất thấp so với số người được tiêm chủng. Hơn 99,9% phụ nữ không báo cáo bất kỳ sự thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt.

Bên cạnh đó,  tiến sĩ Sarah Hardman, hiện đang là bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Sinh sản và Sức khỏe Tình dục, Trưởng nhóm khoa Mãn kinh của Trung tâm Chalmers (Vương quốc Anh) và đồng thời là Giám đốc Đơn vị Hiệu quả Lâm sàng của khoa Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản và Tình dục, chia sẻ: “Các bằng chứng hiện có không xác nhận, hoặc thậm chí phủ nhận việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiêm chủng phòng COVID-19 là nguyên nhân của sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt là phổ biến và điều này có thể trùng hợp xảy ra vào khoảng thời gian bị bệnh hoặc hậu tiêm vắc xin phòng COVID-19. Không có dấu hiệu rõ ràng về việc nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng sẽ gây ra sự thay đổi chu kỳ kinh như thế nào.”

Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19

rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin COVID-19 do căng thẳng

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tình trạng gia tăng căng thẳng, thay đổi cân nặng, hoạt động thể chất và những thay đổi lớn khác về lối sống có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Những điều này đều rất phổ biến trong đại dịch COVID-19. Trong đó, căng thẳng là nguyên nhân thường gặp nhất, cũng là vấn đề mà nhiều người phải trải qua trong thời kỳ dịch bệnh. 

Theo tiến sĩ Jackie Maybin, thành viên Nghiên cứu Lâm sàng Cao cấp và Chuyên gia Tư vấn Phụ khoa tại Trung tâm Sức khỏe Sinh sản MRC của Đại học Edinburgh (Anh Quốc): “Rất khó để biết được liệu những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt là do tác động trực tiếp của vắc xin hay là do tác động của đại dịch.” 

Nguyên nhân là vì cơ chế gây ra rối loạn kinh nguyệt rất khác nhau ở mỗi người. Việc kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt do 3 cơ quan não bộ, buồng trứng và tử cung phối hợp thực hiện. Đây là lý do mà tiến sĩ Maybin cho rằng, rối loạn kinh nguyệt có thể là do tác động lên phần não điều khiển hormone sinh sản, tác động lên buồng trứng hoặc tác động trực tiếp đến niêm mạc tử cung (nơi rụng trứng trong kỳ kinh). Vị tiến sĩ này đã giải thích từng trường hợp cụ thể như sau:

Rối loạn kinh nguyệt do tác động lên phần não điều khiển hormone sinh sản

Trong giai đoạn bị căng thẳng, nhất là khi đại dịch đang hoành hành, cơ thể tạm thời điều tiết hệ thống sinh sản bên trong để tránh mang thai và bảo tồn năng lượng. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể ở cấp độ não bộ, giúp giải thích một số thay đổi về kinh nguyệt được quan sát thấy trong đại dịch ở người bị bệnh COVID-19 hoặc người đã tiêm chủng. 

Rối loạn kinh nguyệt do tác động lên buồng trứng

Mục đích của việc tiêm chủng phòng COVID-19 là để kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể nhằm bảo vệ chống lại sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Khi xảy ra các phản ứng miễn dịch, buồng trứng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn. Các phản ứng này làm thay đổi quá trình sản xuất hormone của buồng trứng trong một hoặc hai chu kỳ. Đây chính là lý do một số người bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Một vài biểu hiện của tình trạng này là chảy máu không đều, bất thường hoặc nhiều hơn trong kỳ kinh. 

Rối loạn kinh nguyệt do tác động trực tiếp đến niêm mạc tử cung

Phản ứng miễn dịch cũng có thể tạm thời làm thay đổi cách niêm mạc tử cung bị phá vỡ và bong ra, khiến kinh nguyệt trở nên nặng hơn.

Bổ sung cho luận điểm trên, phía Trường Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia (RCOG) cũng khẳng định, bất kỳ thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 đều có khả năng là kết quả của phản ứng miễn dịch sau khi tiêm chủng, chứ không phải là do một thành phần cụ thể của vắc xin gây ra.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Alison Edelman, Giáo sư chuyên ngành Sản phụ khoa tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở Hoa Kỳ, cho rằng, hệ thống miễn dịch và hệ thống sinh sản có mối liên hệ với nhau. Theo tiến sĩ, một số tế bào miễn dịch truyền tín hiệu cũng có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể. Với mối quan hệ đó, hoàn toàn có khả năng việc kích hoạt hệ thống miễn dịch thông qua tiêm chủng có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. 

Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp rối loạn kinh nguyệt sau tiêm chủng phòng COVID-19 không phải do vắc xin. Quá trình điều tra kết quả báo cáo về tình trạng thay đổi trong chu kỳ kinh hậu chủng ngừa COVID-19 cho thấy, nguyên nhân của những sự thay đổi này là do một số phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai bằng hormone và một số trường hợp là do chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên vốn dĩ đã không đều. 

Vắc xin phòng COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Vắc xin COVID-19

Theo tiến sĩ Jo Mountfield, Phó Chủ tịch RCOG, không có bằng chứng nào cho thấy những thay đổi tạm thời trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra tác động đến khả năng sinh sản hoặc khả năng có con trong tương lai.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Sarah Hardman khẳng định: “Không có bằng chứng cho thấy khả năng sinh sản bị ảnh hưởng bởi việc nhiễm virus SARS-CoV-2 hay tiêm chủng phòng COVID-19.” Tiến sĩ cũng cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy hiệu quả của biện pháp tránh thai nội tiết tố bị ảnh hưởng bởi vắc xin phòng COVID-19.

Về mặt sinh học, vắc xin có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt thông qua hệ thống miễn dịch, biểu hiện ở sự gián đoạn chu kỳ ngắn hạn. Tiến sĩ Gemma Sharp, giảng viên cao cấp về Dịch tễ học của Đại học Bristol cho rằng điều này là hợp lý. Tuy nhiên, theo vị tiến sĩ này, không có lý do gì để nghi ngờ rằng những thay đổi này sẽ kéo dài dai dẳng hoặc có bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào đến khả năng sinh sản.

Những nghiên cứu đầu tiên về tác động của vắc xin phòng COVID-19 đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản

Minh họa cho những lý luận trên, Tiến sĩ Viki Male, một giảng viên về Miễn dịch Sinh sản tại Khoa Chuyển hóa, Tiêu hóa và Sinh sản của Đại học Hoàng gia Luân Đôn đã xác nhận rằng, trong các thử nghiệm lâm sàng, các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xảy ra với tỷ lệ tương tự ở nhóm tiêm chủng và không tiêm chủng.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của tiến sĩ Edelman, độ dài chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm phòng chỉ thay đổi trong vòng chưa đầy một ngày. Trung bình, phụ nữ đã chủng ngừa có thể trải qua chu kỳ kinh nguyệt dài hơn một chút khi tiêm liều đầu tiên và liều thứ hai. Tuy nhiên, việc chu kỳ kinh nguyệt tăng thêm 1 ngày không có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Theo Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế, bất cứ thay đổi nào trong vòng dưới 8 ngày đều được xếp vào loại bình thường.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhưng không có bằng chứng cụ thể chứng minh vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.

Khi nào kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường?

Mặc dù phụ nữ có thể sẽ bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng cần hiểu rằng mọi thay đổi thường trở lại bình thường sau một hoặc hai chu kỳ. Đây là khẳng định của tiến sĩ Mountfield. 

Bổ sung cho ý kiến trên, tiến sĩ Maybin cho rằng, những thay đổi tạm thời trong các triệu chứng kinh nguyệt sẽ tự khỏi. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bất kỳ tác dụng phụ nào của vắc xin đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những hậu quả mà bệnh COVID-19 gây ra. Vì vậy, phụ nữ không nên tin vào những tin đồn vô căn cứ mà ngần ngại từ chối tiêm vắc xin.

Ngoài ra, cả 2 tiến sĩ đều cho rằng, những phụ nữ có kinh nguyệt thay đổi dai dẳng, ra máu rất bất thường hoặc chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh nên đến bệnh viện để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh. 

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

RCOG/FSRH respond to reports of 30,000 women’s periods affected after COVID-19 vaccine https://www.rcog.org.uk/en/news/rcogfsrh-responds-to-reports-of-30000-womens-periods-affected-after-covid-19-vaccine/ Ngày truy cập: 11/01/2022

expert reaction to an opinion piece about menstrual changes after covid-19 vaccination https://www.sciencemediacentre.org/expert-reaction-to-an-opinion-piece-about-menstrual-changes-after-covid-19-vaccination/ Ngày truy cập: 11/01/2022

COVID vaccines may briefly change your menstrual cycle, but you should still get one https://www.npr.org/sections/health-shots/2022/01/06/1070796638/covid-vaccine-periods Ngày truy cập: 11/01/2022

COVID-19 Vaccines and the Menstrual Cycle https://covid19.nih.gov/news-and-stories/covid-19-vaccines-and-menstrual-cycle Ngày truy cập: 11/01/2022

Can the COVID vaccine affect the menstrual cycle? https://patient.info/news-and-features/can-the-covid-vaccine-affect-the-menstrual-cycle Ngày truy cập: 11/01/2022

Menstrual changes after covid-19 vaccination https://www.bmj.com/content/374/bmj.n2211 Ngày truy cập: 11/01/2022

Phiên bản hiện tại

29/04/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 29/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo