backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Miễn dịch của cơ thể kéo dài bao lâu sau khi khỏi COVID-19?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn · Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 04/05/2023

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

    Miễn dịch của cơ thể kéo dài bao lâu sau khi khỏi COVID-19?

    Trong khi các ca nhiễm mới COVID-19 đang không ngừng tăng lên mỗi ngày trên khắp thế giới thì các trường hợp tái nhiễm cũng tăng lên đáng kể. Điều này khiến nhiều người thắc mắc “miễn dịch của cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?”

    Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp giúp bạn băn khoăn này.

    Các thành phần của miễn dịch ở người đã khỏi bệnh COVID-19

    Sau khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch sẽ lưu lại ký ức về virus đó. Đây gọi là nguyên tắc “trí nhớ miễn dịch”. Các tế bào miễn dịch và kháng thể lưu thông trong cơ thể có thể nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh nếu gặp lại cùng loại virus, từ đó giúp bảo vệ chống lại bệnh tật và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Sự bảo vệ miễn dịch lâu dài này liên quan đến một số thành phần. Để hiểu rõ hơn về câu hỏi “miễn dịch của cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?”, cần tìm hiểu rõ các thành phần của hệ thống miễn dịch bảo vệ, bao gồm:

  • Kháng thể: Đây là các protein lưu thông trong máu và là một thành phần của hệ miễn dịch, có khả năng nhận ra và vô hiệu hóa các chất lạ như virus. Trong đó, kháng thể loại IgG xuất hiện trong máu và dịch ngoại bào, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Còn kháng thể trung hòa là những kháng thể có khả năng kết dính vào virus, ngăn chặn virus lây nhiễm qua các tế bào khác.
  • Tế bào Lympho T hỗ trợ: Có vai trò giúp nhận biết mầm bệnh.
  • Tế bào Lympho T độc: Tiêu diệt mầm bệnh. Đây là loại tế bào tại chỗ, có tác dụng diệt virus tăng lên.
  • Tế bào Lympho B: Tạo ra kháng thể mới khi cơ thể cần chúng. Khi có kháng nguyên là các virus xâm nhập vào cơ thể, tế bào B sẽ kích hoạt, nhân lên, sản xuất ra kháng thể tấn công các mảnh virus còn lại.
  • Tất cả 4 thành phần của hệ thống miễn dịch này đều đã được tìm thấy ở những người phục hồi sau khi nhiễm SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, những chi tiết cụ thể về phản ứng miễn dịch này và thời gian miễn dịch tồn tại bao lâu sau khi nhiễm bệnh vẫn còn chưa rõ ràng.

    Miễn dịch của cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?

    miễn dịch cơ thể có thể kéo dài bao lâu sau khi khỏi Covid-19

    Sau khi khỏi COVID-19, khả năng sinh ra miễn dịch sẽ khác nhau tùy cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, phần lớn các bác sĩ và chuyên gia y tế đều cho rằng, miễn dịch tự nhiên sinh ra sau khi bị nhiễm COVID-19 sẽ mạnh nhất trong 6 tháng đầu và có thể tồn tại suốt đời. Vì thế, những người đã mắc COVID-19 được yêu cầu tiêm vắc xin ít nhất sau 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

    Mặc dù vậy, một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2021 của Trường Y tế Công cộng Yale được công bố trên tạp chí The Lancet Microbe lại chỉ ra rằng, những người chưa được chủng ngừa có thể đạt được miễn dịch chống lại sự tái nhiễm kéo dài 3 – 61 tháng sau khi khỏi COVID-19, trong trường hợp virus vẫn xuất hiện trong cộng đồng.

    Để có cái nhìn rõ nét hơn, cần tìm hiểu các thành phần của hệ thống miễn dịch ở người đã khỏi COVID-19.

    1. Các thành phần của miễn dịch ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu?

    Câu hỏi “miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?” khó có thể trả lời được một cách dứt khoát, bởi vì khả năng miễn dịch sau khỏi bệnh dựa vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố kháng thể trung hòa được các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất và được xem như dấu hiệu của khả năng miễn dịch, bởi vì yếu tố này rất dễ đo lường. 

    Tuy nhiên, miễn dịch không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng kháng thể trung hòa. Kháng thể trung hòa ít hay yếu không có nghĩa là cơ thể không có miễn dịch. Cần phải xem xét thêm yếu tố “trí nhớ miễn dịch” của tế bào. Nghĩa là, khả năng miễn dịch còn được xác định bởi các yếu tố khác ngoài kháng thể, chẳng hạn như trí nhớ tế bào Lympho T và B, mà một số nghiên cứu ước tính có thể tồn tại trong nhiều năm. Vì vậy, để biết được miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19, cần hiểu rõ các thành phần của miễn dịch ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu.

    Kháng thể trung hòa ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu?

    Cho đến hiện nay, các dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng kháng thể trung hòa tồn tại trong ít nhất là vài tháng ở ngừời đã khỏi COVID-19 nhưng giảm nhẹ về số lượng theo thời gian. Điều này phù hợp với cả trường hợp bệnh nhẹ và nặng, nhưng đa số những người bị bệnh nặng thường sẽ có lượng kháng thể nhiều hơn và số lượng kháng thể ở mỗi người là khác nhau. 

    Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Immunity cho biết, trên 5882 người đã khỏi COVID-19, các kháng thể vẫn tồn tại trong máu từ 5 đến 7 tháng sau khi bị bệnh, thậm chí có thể lâu hơn nữa. Số lượng kháng thể khá ổn định theo thời gian. Trong khoảng 4 tháng, những kháng thể COVID-19 không hề suy giảm, chỉ giảm nhẹ sau 6 đến 8 tháng kể từ khi khỏi bệnh. Trong đó, những người bị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình có kháng thể trung hòa trong ít nhất 5 tháng, còn trung bình những bệnh nhân khỏi COVID-19 thường có kháng thể trung hòa tồn tại trong 6 tháng.

    Những người đã mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng hoặc không có triệu chứng đều sở hữu các kháng thể đa chức năng, có thể vô hiệu hóa virus hoặc hỗ trợ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Phản ứng rộng rãi này có thể góp phần bảo vệ lâu dài hơn, ngay cả khi khả năng vô hiệu hóa suy giảm.

    Tế bào lympho B tồn tại trong cơ thể người khỏi COVID-19 bao lâu?

    tế bào miễn dịch B

    Mặc dù các kháng thể có xu hướng suy yếu dần theo thời gian, nhưng điều này không có nghĩa là hệ thống miễn dịch phải bắt đầu lại từ đầu. Ký ức về một lần nhiễm virus trong quá khứ có thể được lưu trữ trong tế bào  lympho B. Tế bào lympho B là tế bào miễn dịch có thể tồn tại trong cơ thể lên đến nhiều năm và có thể nhanh chóng tạo ra nhiều kháng thể hơn nếu gặp lại cùng loại virus gây bệnh. Phát hiện này cho thấy hầu hết mọi người từng nhiễm bệnh đều có phản ứng miễn dịch lâu dài với COVID-19. 

    Thông thường, tế bào lympho B tồn tại hơn 6 tháng sau khi một người khỏi COVID-19. Thậm chí, có nghiên cứu còn phát hiện rằng tế bào lympho B vẫn tồn tại đến 8 tháng sau khi khỏi bệnh, và số lượng của các tế bào này dường như không giảm trong thời gian nghiên cứu. Điều này rất quan trọng vì cho thấy được cơ thể có thể “ghi nhớ” SARS-CoV-2. Nếu gặp lại virus này, các tế bào lympho B có thể nhanh chóng trang bị và tạo ra kháng thể để chống lại bệnh.

    Các tế bào lympho T ở người khỏi COVID-19 kéo dài bao lâu?

    Số lượng tế bào  lympho T đối với virus cũng duy trì ở mức cao sau khi khỏi bệnh. Tế bào  lympho T và B có vai trò trung tâm trong việc chống lại nhiễm trùng và quan trọng là thiết lập khả năng miễn dịch lâu dài. Một số tế bào  lympho  T và B hoạt động như các tế bào nhớ, tồn tại trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, có sẵn mồi và sẵn sàng kích hoạt lại một phản ứng miễn dịch rộng hơn, tạo ra kháng thể một cách nhanh chóng nếu mầm bệnh xâm nhập cơ thể một lần nữa. Chính những tế bào này tạo ra khả năng miễn dịch thực sự lâu dài. 

    Cũng như các kháng thể, số lượng các loại tế bào miễn dịch ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, trong khi số lượng kháng thể giảm theo thời gian, các tế bào  lympho T và B vẫn tồn tại đến 8 tháng sau khi nhiễm bệnh. 

    Đây là những nghiên cứu ban đầu về vai trò của tế bào  lympho T và B trong khả năng miễn dịch COVID-19. Các nhà khoa học vẫn cần thêm thời gian để thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn đối với các thành phần của hệ thống miễn dịch này.

    2. Miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?

    miễn dịch cơ thể có thể kéo dài bao lâu sau khi khỏi Covid-19

    Ban đầu, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng khả năng miễn dịch tự nhiên đối với COVID-19 chỉ kéo dài trong khoảng 2 đến 3 tháng trước khi giảm dần. Nhưng khi đã tìm hiểu thêm về COVID-19, các chuyên gia nhận thấy rằng khả năng miễn dịch có thể kéo dài hơn nhiều.

    Một nghiên cứu gần đây nhận thấy rằng khả năng miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài đến 11 tháng ở nhiều người sau khi khỏi COVID-19. Một nghiên cứu nhỏ khác ghi nhận rằng các tế bào  lympho B của những người bị COVID-19 giống với các tế bào  lympho B của những người bị nhiễm SARS (một loại virus rất giống với virus gây ra COVID-19) vào đầu những năm 2000. Từ dữ liệu sơ bộ này, một số chuyên gia cho rằng khả năng miễn dịch tự nhiên đối với COVID-19 có thể kéo dài đến vài năm. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với nhiều người.

    Vì vậy, câu trả lời cho thắc mắc “miễn dịch của cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19?” là tùy thuộc vào cơ địa của từng người và nồng độ virus khi nhiễm bệnh. Mặc dù các nghiên cứu về thành phần của hệ thống miễn dịch cho thấy rằng miễn dịch ở người từng nhiễm COVID-19 có thể kéo dài và mạnh mẽ trong 6 tháng đầu sau khi khỏi bệnh, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp tái nhiễm trong 6 tháng đầu. 

    Lý giải về điều này, các nhà khoa học sau khi nghiên cứu bộ gene của SARS-CoV-2 cho biết, ở những người chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có tiền sử bị COVID-19, khả năng miễn dịch tốt tối ưu trong 3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh, nhưng sau đó khả năng miễn dịch giảm khá nhanh chóng. Việc tái nhiễm có thể xảy ra sớm nhất là 3 tháng sau khi nhiễm virus, với nguy cơ tái nhiễm trung bình trong vòng 16 tháng.

    Ngoài ra, người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm… thì thời gian kéo dài khả năng miễn dịch của cơ thể sau khi khỏi COVID-19 cũng sẽ có sự khác biệt.

    Lời khuyên là những người có tiền sử mắc COVID-19 nên tuân thủ theo quy tắc 5K của Bộ Y tế, tăng cường rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, nên tiêm vắc xin ít nhất sau 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh.

    Hy vọng những thông tin được tổng hợp trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề “miễn dịch cơ thể kéo dài bao lâu sau khỏi COVID-19″.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

    Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 04/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo