Bạn có thể xem toàn bộ thông tin về bệnh COVID-19 do coronavirus tại đây!
COVID-19 – căn bệnh do 1 chủng coronavirus mới gây ra đang hoành hành trên khắp thế giới kể từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, có thể trước đây bạn đã từng nghe qua thuật ngữ coronavirus trong đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003. Vậy COVID-19 và SARS có điểm gì khác nhau?
Cả COVID-19 và SARS đều do coronavirus gây ra. Virus gây ra SARS được gọi là SARS-CoV còn virus gây COVID-19 được đặt tên là SARS-CoV-2. Ngoài ra, còn có các loại coronavirus khác có thể gây bệnh ở người. Mặc dù tên có phần giống nhau nhưng vẫn tồn tại một số khác biệt giữa 2 loại coronavirus gây ra COVID-19 và SARS.
Coronavirus là gì?
Coronavirus (hay virus corona) là một họ virus rất đa dạng. Đối tượng vật chủ của chúng có một phạm vi lớn, bao gồm cả con người. Tuy nhiên, số chủng coronavirus được tìm thấy ở loài dơi là đa dạng nhất.
Các coronavirus có gai nhọn trên bề mặt trông giống hình vương miện. “Corona” có nghĩa là “vương miện” trong tiếng Latin và đó cũng là lý do cho cái tên của họ virus này.
Đa phần coronavirus ở người gây ra các bệnh về đường hô hấp nhẹ như cảm lạnh thông thường. Trên thực tế, có 4 loại coronavirus ở người có thể gây ra 10-30% trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên ở người lớn.
Loại coronavirus mới có thể xuất hiện khi 1 coronavirus trên động vật phát triển khả năng lây truyền bệnh sang người (zoonotic transmission). Khi đó, virus có thể gây ra bệnh nghiêm trọng do nhiều yếu tố, đặc biệt là vì con người không có khả năng miễn dịch với loại virus mới.
Một số ví dụ về các coronavirus lây truyền từ động vật sang người có thể kể đến là:
- SARS-CoV gây SARS, lần đầu tiên được xác định vào năm 2003
- MERS-CoV gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), lần đầu tiên được xác định vào năm 2012
- SARS-CoV-2 gây bệnh “viêm phổi lạ” COVID-19, lần đầu tiên được xác định vào năm 2019
SARS là gì?
SARS là tên của bệnh hô hấp do virus SARS-CoV gây ra, viết tắt của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome).
Sự bùng phát SARS trên toàn cầu kéo dài từ cuối năm 2002 đến giữa năm 2003. Trong thời gian này, hơn 8.000 người đã nhiễm bệnh và có 774 người tử vong vì SARS.
Nguồn gốc của SARS-CoV được cho là do dơi truyền sang vật chủ trung gian là cầy hương trước khi sang cơ thể người. Sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên của SARS bên cạnh các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Ho
- Khó chịu hoặc mệt mỏi
- Đau nhức cơ thể
Các triệu chứng hô hấp có thể trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến khó thở. Các trường hợp nghiêm trọng thường nhanh dẫn đến viêm phổi hoặc suy hô hấp.
COVID-19 và SARS khác nhau như thế nào?
Trước tiên, chúng ta cần biết 2 loại bệnh này có điểm nào giống nhau. Những điểm đó là:
- Đều là bệnh về đường hô hấp do coronavirus gây ra
- Giả thuyết được nhiều người tin nhất là virus có nguồn gốc từ loài dơi, nhảy sang người thông qua vật chủ trung gian
- Lây lan qua các dịch bắn đường hô hấp tạo ra khi người bị nhiễm virus ho hoặc hắt hơi hoặc do tiếp xúc với các vật hoặc bề mặt có sự hiện diện của virus
- Cả 2 loại virus đều có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt khác nhau
- Có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, người bị nặng sẽ cần sự hỗ trợ từ máy thở
- Các triệu chứng bệnh có thể trở nặng
- Đối tượng nguy cơ tương tự nhau: người lớn tuổi và những người có bệnh mạn tính (bệnh nền)
- Chưa có phương pháp đặc trị hoặc vắc-xin phòng ngừa
Tuy nhiên, 2 căn bệnh COVID-19 và SARS cũng như virus gây ra chúng cũng khác nhau trên một số phương diện quan trọng.
Về triệu chứng
Nhìn chung, các triệu chứng của COVID-19 và SARS là tương tự nhau trừ một số khác biệt không dễ nhận biết như:
COVID-19 và các dấu hiệu phổ biến:
- Sốt
- Ho
- Mệt mỏi
- Khó thở
Trong đó, ít phổ biến hơn là:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau đầu
- Đau nhức cơ thể
- Đau họng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
SARS và các dấu hiệu phổ biến:
- Sốt
- Ho
- Cảm giác khó chịu
- Đau nhức cơ thể
- Đau đầu
- Khó thở
Trong đó, ít phổ biến hơn là:
- Ớn lạnh
- Tiêu chảy
Về mức độ nghiêm trọng
Có nghiên cứu ước tính rằng 20% người mắc COVID-19 sẽ cần phải nhập viện để điều trị, nhóm cần thở máy thì chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong số 20% này. Các trường hợp mắc SARS thì lại khá nặng, có khoảng 20 – 30% người bị SARS cần thở máy.
Ước tính tỷ lệ tử vong của COVID-19 rất khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí và đặc điểm dân số. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do COVID-19 được ước tính nằm trong khoảng từ 0,25 – 3%. Trong khi đó tỷ lệ này là 10% đối với SARS.
Tuy vậy, chúng ta không nên xét duy nhất 1 phương diện tỷ lệ để đánh giá tình hình dịch bệnh, nhất là khi thế giới đã ghi nhận các tác động của COVID-19 lên nhiều cơ quan trọng yếu của cơ thể người.
Bạn có thể quan tâm: Người bị viêm phổi cấp do virus corona có thể hồi phục không và những câu hỏi liên quan
Về cơ chế lây truyền
COVID-19 có khả năng dễ lây truyền hơn SARS. Có giả thuyết cho rằng nguyên nhân là do số lượng virus hiện diện nhiều nhất trong mũi và cổ họng của người bệnh ngay sau khi họ xuất hiện các triệu chứng COVID-19.
Điều này trái ngược với SARS khi mà mãi về sau trong quá trình phát bệnh, lượng virus mới đạt đỉnh. Điều này cho thấy những người mắc COVID-19 có thể lây truyền virus sớm hơn (từ lúc ủ bệnh).
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một số nghiên cứu cho thấy COVID-19 có thể lây lan từ cả những người nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không biểu hiện triệu chứng.
Trong khi đó, SARS chưa từng ghi nhận trường hợp nào gây lây nhiễm từ trước khi phát triển các triệu chứng.
Về yếu tố phân tử
Một nghiên cứu gần đây về thông tin di truyền đầy đủ (bộ gene) của các mẫu SARS-CoV-2 cho thấy virus này có liên quan chặt chẽ hơn với coronavirus ở loài dơi hơn so với virus gây SARS ở người. Virus coronavirus mới có cấu trúc bộ gene tương tự 79% với SARS-CoV.
Vị trí gắn kết thụ thể của SARS-CoV-2 cũng được so sánh với các coronavirus khác. Cần hiểu rằng để xâm nhập vào một tế bào, virus cần phải tương tác với các protein trên bề mặt tế bào đó (các thụ thể). Virus thực hiện điều này thông qua các protein trên bề mặt của chính nó.
Khi phân tích trình tự protein của vị trí gắn kết thụ thể SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu tìm được một kết quả thú vị. Mặc dù SARS-CoV-2 nhìn chung có thể liên quan đến chủng coronavirus ở dơi hơn thì vị trí gắn kết thụ thể lại tương tự như virus SARS-CoV.
Về liên kết với thụ thể
Các nhà khoa học đang nghiên cứu về cơ chế liên kết và xâm nhập vào các tế bào vật chủ của SARS-CoV-2 có gì khác so với virus gây SARS. Cần lưu ý rằng nghiên cứu dưới đây chỉ được thực hiện với lớp protein của virus chứ không phải toàn bộ virus.
Nghiên cứu đã xác nhận rằng cả SARS-CoV-2 và SARS-CoV đều sử dụng cùng một thụ thể tế bào vật chủ. Nghiên cứu cũng cho biết, đối với cả hai loại virus, các protein sử dụng để xâm nhập vào tế bào vật chủ liên kết với thụ thể với cùng ái lực.
Một nghiên cứu gần đây khác đã so sánh vị trí cụ thể của protein trong virus chịu trách nhiệm liên kết với thụ thể ở tế bào vật chủ. Nghiên cứu này cho thấy vị trí liên kết thụ thể của SARS-CoV-2 liên kết với thụ thể tế bào vật chủ với ái lực cao hơn so với SARS-CoV.
Nếu coronavirus mới thực sự có ái lực gắn kết cao hơn với thụ thể tế bào chủ của nó, điều này cũng có thể giải thích tại sao SARS-CoV-2 lại dễ lây lan hơn virus gây SARS.
Liệu COVID-19 có tồn tại lâu hơn SARS hay không?
Từ năm 2003, dịch SARS đã được công bố kết thúc. Các trường hợp được báo cáo cuối cùng là vào năm 2004 và thuộc diện phòng thí nghiệm. Không có trường hợp nhiễm SARS trong cộng đồng tính đến nay.
Dịch SARS đã được ngăn chặn thành công bằng các biện pháp y tế công cộng như:
- Phát hiện trường hợp sớm và cách ly
- Truy tìm F1 (người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm) và cách ly
- Hạn chế tiếp xúc trong xã hội
Vậy nếu thực hiện các biện pháp tương tự có giúp ngăn chặn COVID-19? Trong trường hợp này, công tác phòng ngừa COVID-19 có thể gặp nhiều khó khăn hơn vì một số yếu tố như:
- Khoảng 80% người mắc COVID-19 ở thể bệnh nhẹ. Một số người thậm chí có thể không nhận thức được họ đang mang virus SARS-CoV-2. Điều này khiến việc xác định người bị nhiễm và không nhiễm khó hơn.
- Người bị COVID-19 có khả năng lây lan virus từ trong quá trình ủ bệnh. Điều này làm cho việc phát hiện người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và cách ly họ trước khi lây lan sang người khác trở nên khó khăn hơn.
- COVID-19 hiện đang lây truyền rất dễ dàng trong cộng đồng. SARS thì lại không vì bệnh này thường xảy ra trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
- Việc mở rộng ngoại giao, kết nối toàn cầu đã phát triển mạnh mẽ hơn nhiều hơn so với năm 2003, giúp COVID-19 dễ dàng lan rộng hơn giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một số virus như cúm và cảm lạnh thông thường có xu hướng theo mùa. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu COVID-19 có tự biến mất khi thời tiết trở nên ấm hơn hay không và điều này chỉ có thể trả lời bằng thời gian. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt COVID-19 và cúm mùa để nhanh chóng ứng phó khi cần.
Tổng kết
COVID-19 và SARS đều do coronavirus gây ra. Các virus gây ra các bệnh này có khả năng bắt nguồn từ động vật trước khi chúng được truyền sang người bởi một vật chủ trung gian.
Có nhiều điểm tương đồng giữa COVID-19 và SARS. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt quan trọng. Các trường hợp COVID-19 có thể đi từ nhẹ đến nặng, trong khi các trường hợp mắc SARS nhìn chung lại nặng hơn. Mặt khác, COVID-19 lây lan dễ dàng hơn và cũng có một số khác biệt trong triệu chứng giữa 2 bệnh.
Các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt đã ngăn chặn được sự lây lan của SARS từ 2003. Trong khi đó, việc kiểm soát bệnh COVID-19 có thể khó khăn hơn vì SARS-CoV-2 lây lan dễ dàng hơn từ trước khi người nhiễm virus xuất hiện các triệu chứng.
Bạn có thể quan tâm: Giải đáp 21 sự thật về COVID-19