backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu mối liên hệ giữa thủy đậu và bệnh zona

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    Tìm hiểu mối liên hệ giữa thủy đậu và bệnh zona

    Thủy đậu (varicella) là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella zoster gây ra. Trong khi đó, bệnh zona thần kinh xảy ra là do tái kích hoạt virus gây bệnh thủy đậu. Nghĩa là chỉ những ai từng bị thủy đậu mới có nguy cơ mắc bệnh zona, do virus varicella zoster sau một thời gian im ắng bỗng “thức dậy” và hoạt động trở lại. Vậy, thủy đậu và bệnh zona có mối liên hệ với nhau như thế nào?

    Bệnh thủy đậu và bệnh zona lây lan ra sao?

    Bệnh thủy đậu (còn có tên khác là trái rạ) lây lan khi người nhiễm bệnh nói, thở, ho hoặc hắt hơi các hạt nhỏ chứa chất truyền nhiễm vào không khí. Chúng được gọi là các hạt aerosol nhỏ. Nhờ lợi thế kích thước nhỏ bé, những hạt aerosol nhỏ này dễ dàng di chuyển quãng đường dài trên các luồng không khí, đồng thời lơ lửng trong không khí trong vài phút đến vài giờ. Trong thời gian này, một người khỏe mạnh có thể hít phải chúng và nhiễm bệnh thủy đậu. Ngoài ra, thủy đậu cũng lây lan qua tiếp xúc hoặc hít phải chất lỏng.

    Sau khi người bệnh chữa khỏi thủy đậu, virus varicella zoster sẽ không hoạt động (ở trạng thái nghỉ ngơi) trong các tế bào thần kinh gần tủy sống suốt quãng đời còn lại của con người. Kích hoạt lại virus này sẽ gây ra bệnh zona (herpes zoster) chứ zona không phải là một cuộc tấn công thứ hai của bệnh thủy đậu.

    Tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng phồng rộp ở bệnh zona có khả năng gây ra bệnh thủy đậu ở người không miễn dịch.

    Không có sự lây lan qua không khí từ những người bị bệnh zona, ngoại trừ một số trường hợp rất nghiêm trọng của bệnh zona, khiến khả năng lây lan của bệnh lan rộng.

    Tiếp xúc với thủy đậu hoặc bệnh zona không thể dẫn đến bệnh zona ở người bị phơi nhiễm.

    Dấu hiệu và triệu chứng

    Thủy đậu

    Các triệu chứng của bệnh thủy đậu thường là:

    • Sốt nhẹ kèm theo các triệu chứng giống như cảm lạnh (hắt hơi, sổ mũi, ho, mệt mỏi, buồn nôn…).
    • Phát ban xuất hiện dưới dạng mụn nước, sau 2 ngày sẽ tạo thành vảy và gây ngứa. Bạn sẽ thấy các ban “tấn công” mọi ngóc ngách trên cơ thể, từ mặt, đầu, cổ cho đến tay chân, mình, thậm chí cả vùng kín.

    Thủy đậu xảy ra trong thời thơ ấu thường ở dạng nhẹ, đến mức không được chú ý. Trong khi đó, bệnh thủy đậu ở người lớn nặng hơn, diễn biến phức tạp với nhiều biến chứng, thường thấy nhất là viêm phổi (nhiễm trùng phổi hoặc viêm).

    Thủy đậu đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em mắc bệnh bạch cầu, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Mẹ bầu bị thủy đậu ở những tháng đầu thai kỳ sẽ khiến thai nhi bị dị tật. Nếu bệnh thủy đậu xảy ra vào khoảng thời gian sinh nở, em bé có thể bị nhiễm bệnh và có tới 30% trẻ sơ sinh bị bệnh nặng.

    Thủy đậu và bệnh zona

    Bệnh zona

    • Bệnh zona “viếng thăm” một người từng bị nhiễm thủy đậu trước đó, thường là vài thập kỷ sau khi hết bệnh. Bệnh zona xảy ra khi khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus giảm xuống. Lúc này, virus đang nghỉ ngơi gần tủy sống sẽ hoạt động trở lại. Người già, trẻ em và người lớn đang điều trị ung thư và những người bị nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh zona cao hơn.
    • Triệu chứng dễ thấy của bệnh zona là ban đỏ, biến chuyển thành từng chùm mụn nước với cảm giác ngứa, nóng và rát. Khoảng hai đến bốn tuần sau thì da lành nhưng cảm giác đau nóng có thể kéo dài khá lâu.
    • Zona gây ra do virus di chuyển dọc theo dây thần kinh. Do đó, biểu hiện tổn thương da thường chỉ xảy ra và lan ở một bên cơ thể, ví dụ như chỉ một bên ngực, một bên lưng, một bên mắt…

    Điều trị

    Cả thủy đậu và bệnh zona đều được điều trị bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ chỉ định điều trị cho các trường hợp trung bình đến nặng, còn những người bị thủy đậu và zona ở dạng nhẹ thường sẽ tự khỏi bệnh sau 1-2 tuần. Để có hiệu quả, điều trị phải được bắt đầu sớm, thường là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát ban.

    Đối với tất cả các trường hợp, kem dưỡng da calamine hoặc promethazine rất hữu ích trong việc giảm ngứa. Nếu điều trị hướng tới giảm sốt hoặc khó chịu cho bệnh nhân, paracetamol được khuyến khích. Không nên dùng aspirin cho trẻ em, thanh thiếu niên bị thủy đậu hoặc bệnh zona.

    Khi nào cần tư vấn y tế?

    Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Trẻ em hoặc người lớn nhiễm thủy đậu bị sốt cao, ho, khó thở hoặc đau ngực
  • Một phụ nữ mang thai bị thủy đậu
  • Một em bé sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) bị nhiễm thủy đậu
  • Một người trên 50 tuổi bị bệnh zona
  • Thủy đậu phát triển ở trẻ em hoặc người lớn bị suy giảm miễn dịch (bao gồm tiền sử bệnh bạch cầu, ngay cả khi đã thuyên giảm)
  • Phòng ngừa thủy đậu và bệnh zona

    • Cách ly bệnh nhân bị thủy đậu và zona khỏi những nơi đông người, chẳng hạn như trường mầm non, trường học, công sở… cho đến khi tất cả các mụn nước đã khô (thường là khoảng 5 ngày kể từ khi khởi phát).
    • Bất kỳ người nào bị suy giảm miễn dịch (do bị một số bệnh như HIV, bệnh bạch cầu…) hoặc đang điều trị hóa chất không nên tiếp xúc với người đang bị thủy đậu hoặc bệnh zona.
    • Chích ngừa bệnh thủy đậu theo lịch. Đối với trẻ em, có loại vaccine kết hợp sởi, quai bị, rubella mang tên MMR. Người lớn thường được tiêm hai liều vaccine ngừa thủy đậu, cách nhau 1 tháng.
    • Rửa tay sau khi tiếp xúc với các vật phẩm bẩn (như khăn giấy, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa…). Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.

    Rửa tay xà phòng

    • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân (như khăn mặt, chén đĩa, điện thoại di động…) với người nhiễm bệnh.
    • Những người bị bệnh zona nên che vết phát ban bằng băng cá nhân hoặc quần áo để đảm bảo rằng những người xung quanh không tiếp xúc với mụn nước.
    • Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì khả năng phòng tránh bệnh rất cao, khoảng 90%. Chỉ khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ với rất ít nốt ban (dưới 50 nốt) và thường là không bị biến chứng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo