Dân văn phòng là những người dễ gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến cổ tay, lưng… nhất do thói quen ngồi lâu, ít vận động dẫn đến tình trạng tắc nghẽn bạch huyết. Tuy vậy, ngày nay, bạn đã có thể đối phó với việc này bằng một số bài tập đơn giản.
Nếu tính chất công việc bắt buộc bạn phải dành cả ngày trước máy tính, bạn có thể bị nhức mỏi ở:
- Cổ
- Lưng
- Cánh tay
Tình trạng trên chủ yếu bắt nguồn từ việc bạn ngồi quá nhiều, ít vận động. Từ đó, hiện tượng tắc nghẽn bạch huyết sẽ phát sinh và gây căng cứng cơ bắp, khiến bạn cảm thấy tê liệt tạm thời hoặc ngứa ran.
Do đó, để đối phó với vấn đề này, bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến bạn 7 bài tập hữu dụng dành cho người bị tắc nghẽn bạch huyết do ngồi nhiều.
Đối với cổ và vai
Làm việc với máy tính trong thời gian dài hoặc lái xe đường dài đều gây ra sức ép đáng kể lên các nhóm cơ, gân, xương cũng như dây thần kinh ở cổ và vai.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ thực sự gây ra vấn đề nghiêm trọng. Sự chèn ép dây thần kinh và tắc nghẽn bạch huyết ở đây rất dễ gây suy giảm thị lực hoặc đau đầu dữ dội.
Do đó, bạn hãy thư giãn các bộ phận trên bằng một số động tác đơn giản như:
1. Bài tập co duỗi vai và cổ cho người bị tắc nghẽn bạch huyết
- Dựa một cánh tay lên tường hoặc cánh cửa. Lưu ý để lòng bàn tay hướng vào tường.
- Xoay mặt về phía còn lại.
- Cúi đầu xuống sao cho cằm chạm vào vai.
- Quay lại tư thế ban đầu.
- Thực hiện bài tập 10 lần rồi đổi tay dựa.
- Lặp lại các thao tác trên
2. Bài tập giúp giảm đau và căng cơ
- Đứng thẳng và hơi ngả đầu về phía sau sao cho đầu chạm tường. Trong khi đó, khoảng cách giữa gót chân và tường là 7 – 8cm.
- Thả lỏng hai vai.
- Dang rộng hai tay, đồng thời liên tục nâng và hạ cánh tay lên xuống.
- Quay lại tư thế ban đầu.
- Lặp lại các động tác trên 10 lần.
Lưu ý, bạn phải luôn để cánh tay tiếp xúc với bề mặt tường trong bài tập này.
Tập luyện cho người bị tắc nghẽn bạch huyết ở cổ tay và ngón tay
Sử dụng bàn phím và chuột máy tính không đúng cách rất dễ khiến cổ tay đau nhức hay thậm chí là tê liệt. Điều này cũng tương tự với thói quen cầm điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi.
Nếu bạn chủ quan và bỏ qua các triệu chứng khó chịu trên, hội chứng ống cổ tay sẽ có cơ hội để phát triển. Để ngăn chặn tình trạng này, bạn đừng nên bỏ qua ba loại bài tập chống tắc nghẽn bạch dưới đây:
3. Rèn luyện sự linh hoạt cho khớp ở cổ tay và bàn tay
Đối với loại bài tập này, bạn cần đến hai quả bóng nhỏ và dụng cụ đàn hồi. Theo thời gian, việc tập luyện với chúng sẽ giúp các khớp tay trở nên khỏe và linh hoạt hơn.
Mặt khác, bạn có thể tập loại bài tập này ở bất cứ chỗ nào và bất cứ khi nào rảnh.
4. Khởi động cổ tay
- Dùng tay phải nắm lấy cổ tay trái
- Xoay tròn cổ tay trái 10 lần
- Thay đổi tay và thực hiện lại động tác trên.
5. Co duỗi ngón tay
- Móc hai ngón trỏ lại với nhau
- Kéo căng hai tay về hai hướng đối ngược
- Lặp lại động tác trên với tất cả ngón tay
Đối với lưng và mông
Đau lưng, mông cùng cảm giác nặng trịch ở chân cũng là hệ quả của tình trạng tắc nghẽn bạch huyết do lối sống ít vận động. Đồng thời, các triệu chứng trên còn có nguy cơ liên quan đến chứng đau thần kinh tọa, tình trạng sức khỏe khiến bạn vô cùng khó chịu.
Do đó, để giải quyết tình trạng này, bác sĩ thường khuyến nghị mọi người nên tập thói quen thực hiện một số bài tập co duỗi đơn giản. Bên cạnh đó, bạn có thể luyện tập bất cứ khi nào bạn muốn, kể cả khi đang ở văn phòng hay ở nhà, chẳng hạn như:
6. Tập luyện ở văn phòng
Bài tập sau đây không chỉ giúp bạn giảm bớt áp lực ở vùng lưng dưới và mông mà còn hỗ trợ thả lỏng gân khoeo.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên mép ghế và duỗi chân trái ra trước.
- Hai tay chống hông và từ từ hạ thấp trọng tâm cơ thể xuống cho đến khi cảm thấy hơi đau.
- Quay trở lại tư thế ban đầu.
- Đổi chân duỗi và thực hiện lại các thao tác trên.
7. Luyện tập ở nhà
- Nằm ngửa trên bề mặt phẳng và kê gối hoặc chăn đã gấp gọn dưới cổ
- Co đầu gối chân phải lên
- Cong chân trái sao cho mắt cá chân trái nằm trên đầu gối chân phải
- Vòng hai tay qua đùi phải và bắt đầu kéo. Nếu bạn không với tới, hãy dùng thêm khăn để hỗ trợ. Lưu ý không nhấc mông lên
- Giữ yên tư thế trong 20 – 30 giây rồi quay về tư thế ban đầu
- Lặp lại động tác hai lần trước khi đổi chân.
[embed-health-tool-heart-rate]